Tổ hợp cú ghép qua lại

Một phần của tài liệu Khảo sát việc sử dụng các tổ hợp cú trong ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội (Trang 43 - 49)

2.2.2 .Xét về tính chất

2.4.2.Tổ hợp cú ghép qua lại

2.4. Tổ hợp cú ghép

2.4.2.Tổ hợp cú ghép qua lại

2. 4.2.1. Xét về cấu tạo và chức năng

Từ tổ hợp cú ghép đẳng lập, trẻ có thể sử dụng được tổ hợp cú ghép qua lại. Theo Ủy ban KHXH [33, tr. 163] thì quan hệ qua lại “chỉ bao gồm hai yếu tố có thể là từ, ngữ hay liên hợp. Các yếu tố kết hợp với nhau theo một trật tự nhất định, không thể thay đổi, để biểu thị một quan hệ liên hợp qua lại, chặt chẽ”.

Như vậy, mỗi tổ hợp cú ghép qua lại luôn gồm hai thành tố và các thành tố được nối kết với nhau bằng cặp từ hô ứng, ví dụ như các cặp quan hệ từ, các cặp phó từ, đại từ.

Số lượng thành tố trong các tổ hợp cú ghép qua lại ở trẻ 4 – 5 tuổi luôn là hai. Tuy nhiên số tổ hợp cú ghép qua lại có cấu trúc đầy đủ là không nhiều. Dạng cú này thường thiếu quan hệ từ nối kết hoặc thiếu thành phần nòng cốt (chủ ngữ). Ví dụ:

(89): Cứng quá/ nặn đau tay đấy. (Góc Tạo hình: Trẻ hoạt động với đất nặn) (90) Nhật Anh: Cô Hà rèn chúng mình chán nhỉ?

Lâm Hoàng: Nói bé thôi // không thì cô nghe thấy// thì cô mắng đấy.

(91) Bảo Châu: Tớ đang bị đau chân// nên không phải ngồi đẹp. Minh Phú: Đau chân// nhưng cũng cố gắng mà học chữ.

Ở ví dụ (89), trẻ hoàn toàn không sử dụng cặp từ hô ứng. Trẻ đã nhận thức được mối quan hệ nhân quả ( đất cứng nên nặn đất sẽ đau tay), tuy nhiên trẻ lại chưa biết cách biểu hiện bằng hình thức ngôn ngữ phù hợp.

Ở các ví dụ (90), trẻ đã biết sử dụng quan hệ từ để cố kết các quan hệ ngữ pháp với nhau: không thì cô nghe thấy thì cô mắng đấy (nếu cô nghe thấy thì cô mắng đấy). Mặc dù đó không phải là mô hình điển hình trong cú ghép nhưng mô hình mà trẻ sử dụng ở đây cũng biểu thị ngữ nghĩa ý nghĩa tương đương với mô hình Nếu.. thì...

Trong ví dụ (91), quan hệ từ thứ hai (nhưng) có tác dụng biểu thị quan hệ lôgic – ngữ nghĩa giữa hai vế câu : (Dù) Bảo Châu bị đau chân nhưng bạn ấy vẫn phải cố gắng ngồi đúng tư thế khi tập tô chữ.

Qua các ngữ liệu, các tổ hợp cú ghép qua lại có mô hình: Nếu …thì…; Vì…nên… (để chỉ điều kiện, nhân quả) được trẻ sử dụng nhiều hơn cả. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển tư duy của trẻ MGN – trẻ thường giải thích hoặc nêu yêu cầu… Ví dụ:

(92): Nếu mà ngoan thì mẹ cho đi siêu thị đấy.

Ngoài ra, trẻ còn có thể nói được các câu có các phó từ nối kết hai vế (mô hình …đã…mà còn/ mà lại...). Ví dụ:

(93): Đã bảo vẽ cầu vồng gần đám mây// mà lại cho xuống tận đây à?

(94) Đã bảo là đánh nhẹ// mà lại đánh em mạnh.

Những tổ hợp cú với mô hình trên phần lớn là những mô hình quen thuộc với trẻ hoặc là những mô hình mà trẻ đã được nghe sau đó trẻ nhắc lại. Chúng tôi đã thống kê được 16 ngữ liệu cú ghép qua lại xuất hiện trong các đoạn thoại mà trẻ có sự nhắc lại. Ví dụ:

(95) Bố cháu bảo: “Bao giờ rỗi //thì bố cháu mới cho về quê” đấy//mà chờ rỗi thì lâu ơi là lâu.

(96) Mẹ cháu giao hẹn: “Nếu cháu ngoan// thì mẹ cháu thưởng, mới cho cháu đi xem xiếc”.

Việc sử dụng những cú ghép phụ thuộc trong các ngữ đoạn có tính chất nhắc lại thường dễ dàng cho trẻ bởi chúng thường “có sẵn” và trẻ chỉ cần đưa

vào các ngữ đoạn phù hợp vào. Song thực tế trên cũng đã lí giải tại sao trẻ sử dụng tổ hợp cú ghép qua lại ít hơn bởi những cú này đòi hỏi trẻ phải diễn đạt câu với cấu trúc phức tạp trên cơ sở phân tích, tổng hợp, suy luận và sử dụng các cặp từ hô ứng.

2.4.2.2. Xét về tính chất và phương tiện liên kết:

* Theo tính chất:

Số lượng các thành tố trong tổ hợp cú ghép qua lại mà trẻ MGN sử dụng luôn cố định: mỗi cú là một vế và hai vế này luôn phụ thuộc vào nhau, nếu không có vế này thì không có vế kia. Giữa các vế, trẻ mới chỉ nêu các sự vật, sự việc có liên hệ với nhau còn bản chất của mối liên hệ ấy thì chưa thể hiện rõ rệt bằng các phương tiện ngôn ngữ.

* Xét trên phương diện liên kết:

Quan hệ giữa các thành tố trong tổ hợp cú phụ thuộc là quan hệ qua lại. Trong đó, việc sử dụng quan hệ từ (các cặp từ hô ứng) giữa các vế là bắt buộc để nội dung thông báo của cú được rõ ràng. Thông thường, dạng cú ghép chính phụ luôn đòi hỏi ít nhất 1 cặp từ. Tuy nhiên, ở các tổ hợp cú này quan hệ từ thường bị khuyết thiếu. Ví dụ:

(97) Hôm nay,(không những) bạn Bảo Ngọc cho con áo (bạn ấy) còn buộc cả nơ cho con nữa.

(98) (Vì) cô Hà mắng bạn Đức Anh// (nên) bạn Đức Anh khóc.

Với các cú ghép qua lại đòi hỏi sự có mặt của cặp quan hệ từ thì trẻ thường chỉ sử dụng một quan hệ từ (ví dụ 97). Trong một số trường hợp, trẻ còn lược bỏ cả hai quan hệ từ (ví dụ 89, 98). Do đó, chúng ta phải dựa vào quan hệ ngữ nghĩa giữa các cú để nhận diện mô hình cú ghép qua lại. Như đã phân tích ở trên, nếu trong các tổ hợp cú ghép, trẻ có khả năng sử dụng các quan hệ từ thì ngữ nghĩa của cả tổ hợp cú đó sẽ mạch lạc hơn.

Tiểu kết

Ở chương này, trên bình diện kết học, luận văn đã xem xét cấu tạo, chức năng ngữ pháp của các cú trong đó tập trung vào dạng tổ hợp cú: tổ hợp cú đơn, tổ hợp cú phức và tổ hợp cú ghép. Số tổ hợp cú có sự xuất hiện cả hai

trong số ba dạng tổ hợp cú là không nhiều. Do đó, chúng tôi chỉ tập trung mô tả cấu trúc của ba tổ hợp cú điển hình như trên.

- Trong số các tổ hợp cú, tổ hợp cú đơn chiếm tỉ lệ lớn nhất. Đến độ tuổi 4 – 5 tuổi, các cú mà trẻ đưa ra có thể xuất hiện tất cả các thành phần câu, cả thành phần chính và thành phần phụ, cũng như sự mở rộng ngay trong chính từng thành phần. Ví dụ như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ của cú không chỉ do các từ tạo nên mà có thể là một ngữ (ngữ danh từ, ngữ động từ, ngữ tính từ). Về thành phần phụ, ở độ tuổi 4 - 5 tuổi, các thành phần phụ xuất hiện trong ngôn ngữ của trẻ có thể là sự đa dạng của thành phần trạng ngữ, cũng như đề ngữ, tình thái ngữ…

- Ở các dạng cú phức: Mặc dù chiếm số lượng khiêm tốn nhất trong tổng số ngữ liệu nhưng tổ hợp cú phức có sự biểu hiện đa dạng nhất. Đây là tổ hợp cú có dạng tiểu cú “lồng” trong cú. Mỗi tổ hợp cú phức có đều có cú chính và chú phụ; cú phụ được lồng trong cú chính. Cú phụ có thể là một kết cấu C-V ngay chính trong thành phần chủ ngữ, vị ngữ hoặc bổ ngữ của cú chính.

- Với dạng tổ hợp cú ghép, mỗi thành tố tương ứng với một vế của câu ghép. Tuy nhiên, số lượng các thành tố ở các dạng tổ hợp là không bằng nhau và không phải là vô hạn.

Xét về tính chất và phương tiện liên kết: Tùy vào dạng tổ hợp thì quan hệ giữa các thành tố (kết cấu) tạo thành tổ hợp có thể là quan hệ song song (đẳng lập) hoặc quan hệ qua lại. Do đó với cú ghép, trẻ thường tổ hợp thành các cú đẳng lập và các cú qua lại. Tuy nhiên, với các dạng cú ghép, trẻ thường chưa chú ý tới việc sử dụng các từ có chức năng nối kết (quan hệ từ) hoặc thậm chí trẻ không sử dụng thành phần chính ở vế sau (có hiện tượng tỉnh lược). Do tỉnh lược một trong số các thành phần chính hoặc các từ nối kết nên có những trường hợp nghĩa của các tổ hợp cú chưa rõ ràng (mơ hồ về nghĩa).

Như vậy, qua việc phân tích mặt hình thức của các tổ hợp cú, chúng tôi đã nhận thấy sự đa dạng về cấu trúc ngữ pháp trong các tổ hợp cú của trẻ 4 – 5 tuổi. Đến tuổi MGN, trẻ luôn có ý thức mở rộng thành phần câu, mở rộng

kiểu câu để có thể diễn đạt được khả năng nhận thức, hành động, trạng thái.. của bản thân. Sự mở rộng thành phần câu hay kiểu câu như trên cho thấy sự phát triển về tư duy của trẻ MGN. Tuy nhiên, do vẫn còn hạn chế cả về tư duy lẫn khả năng ngôn ngữ nên trẻ vẫn còn tạo ra những tổ hợp cú chưa thật sự hoàn chỉnh về cấu trúc ngữ pháp và cả ngữ nghĩa.

CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG NGỮ NGHĨA

CỦA CÁC TỔ HỢP CÚ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4-5 TUỔI) 3.1 Khái quát

Vấn đề nghiên cứu về ngữ nghĩa trong câu hiện nay vẫn còn nhiều tranh luận, đặc biệt là việc nghiên cứu loại nghĩa nào. Các tác giả như Diệp Quang Ban, Bùi Minh Toán, Nguyễn Văn Hiệp đều chủ trương xem xét hai loại nghĩa là nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái.

Nghĩa miêu tả là nghĩa biểu thị sự vật, sự việc hiện tượng (sự tình) trong hiện thức khách quan được phản ánh vào câu qua lăng kính chủ quan của người nói. Trong đó, mỗi câu có vị từ làm cốt lõi và quay quần xung quanh là các tham thể, biểu thị những vai nghĩa nào đó. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu về đặc trưng của vị từ - tham thể và vai nghĩa trong sự tình.

Trong các tổ hợp cú của trẻ 4 – 5 tuổi, mỗi một cú hay tổ hợp cú đều có tình thái nhất định. Quan hệ nghĩa giữa các thành tố trong tổ hợp cú không chỉ thể hiện mối quan hệ khách quan giữa các sự tình mà còn bộc lộ cả sự nhìn nhận chủ quan của con người.

Theo Nguyễn Văn Hiệp [13, tr.103], trong ngôn ngữ có thể có một số đối lập tình thái như: đối lập giữa tình thái nhận thức (tình thái khách quan) và tình thái đạo nghĩa (tình thái chủ quan). Theo đó, tác giả cho rằng: tình thái khách quan chỉ nhằm vào một số kiểu quan hệ chung giữa phán đoán với hiện thực, mang tính khách quan, gạt bỏ mọi nhân tố chủ quan như ý chí, sự đánh giá, mức độ cam kết, thái độ, lập trường của người nói. Tức là người nói chỉ trình bày lại hiện thực một cách khách quan, như nó vốn có. Nói cách khác, tình thái khách quan loại trừ vai trò của người nói. Ngược lại, tình thái chủ quan là loại tình thái thể hiện vai trò của người nói ra trong câu. Đó là cấu trúc nghĩa của phát ngôn biểu thị cảm xúc, thái độ, sự đánh giá của người nói đối với hiện thực được thông báo ví dụ như: khả năng, hi vọng, cần yếu, mong muốn, bắt buộc, điều kiện, nhượng bộ…[13, tr.97 - 98].

Thông qua việc phân tích các tổ hợp cú ở trẻ 4 – 5 tuổi, các ngữ liệu đã cho chúng tôi kết quả là trẻ thường thể hiện các tình thái khách quan khi trẻ

kể lại các câu chuyện (các tác phẩm văn học); còn phần lớn trong giao tiếp tự do, trẻ thường thể hiện các tình thái chủ quan.

Trong chương 3 này, chúng tôi sẽ cố gắng phân tích nội dung nghĩa miêu tả, nghĩa tình thái của các tổ hợp cú trong ngôn ngữ của trẻ MGN. Cụ thể, chúng tôi sẽ tìm hiểu ở các phương diện sau:

- Sự tình (Cấu trúc vị từ - tham thể) của các tổ hợp cú. - Chức năng nghĩa của các cú khi tham gia thể hiện sự tình. - Loại hình sự tình trong các tổ hợp cú.

- Quan hệ nghĩa giữa các tổ hợp cú.

Một phần của tài liệu Khảo sát việc sử dụng các tổ hợp cú trong ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội (Trang 43 - 49)