Loại hình sự tình trong các tổ hợp cú

Một phần của tài liệu Khảo sát việc sử dụng các tổ hợp cú trong ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội (Trang 57 - 61)

2.2.2 .Xét về tính chất

3.4. Loại hình sự tình trong các tổ hợp cú

3.4.1. Một số quan điểm về loại hình sự tình.

Về vấn đề phân loại sự tình, các tác giả ngư Vendler (1957), S.Dik (1981), M.Halliday (1998), Cao Xuân Hạo (1999), Diệp Quang Ban (2008)… đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó giải pháp về phân loại sự tình của tác giả Cao Xuân Hạo là rất đáng lưu ý. Cao Xuân Hạo cho rằng “việc phân loại câu theo nghĩa biểu hiện thực chất là phân loại sự tình” [10, tr.115]. Kết hợp với mô hình phân loại của S.Dik và Halliday, Cao Xuân Hạo đã xác định các nhóm sự tình sau:

- Các sự tình thuộc nhóm “biến cố” (hành động, quá trình). - Các sự tình thuộc nhóm “tình hình” (trạng thái, quan hệ). - Các sự tình thuộc nhóm tồn tại.

Ở Chương 3 này, chúng tôi cũng sẽ vận dụng cách phân loại của Cao Xuân Hạo vào việc xác định loại sự tình trong ngôn ngữ của trẻ MGN.

3.4.2. Loại hình sự tình trong các tổ hợp cú

Thông qua việc phân tích các ngữ liệu, chúng tôi thấy được trong các tổ hợp cú của trẻ MGN, mỗi một sự tình được biểu hiện bằng một cấu trúc vị từ - tham thể. Trong đó, vị từ trung tâm đóng vai trò quyết định về đặc trưng và

quan hệ của sự tình. Ở tiếng Việt, “vị từ là những từ có thể trực tiếp làm vị ngữ trong câu, không cần có sự trợ giúp của . Theo đó, vị từ sẽ gồm động từ, tính từ” [13,tr.38].

Cụ thể, sự biểu hiện của các loại hình sự tình trong các tổ hợp cú như sau: 574 Các loại sự tình Hành động Quá trình Trạng thái – Tính chất Quan hệ Tồn tại Sự tình khác loại SL 197 75 135 42 15 110 % 34,4 13,1 23,5 7,3 2,6 19,1

Bảng 3.2: Các loại sự tình trong các tổ hợp cú của trẻ MGN (4 – 5 tuổi)

- Các sự tình hành động:

Trong số các kiểu loại sự tình thì sự tình hành động chiếm số lượng lớn nhất. Đây là kiểu loại sự tình có vị từ trung tâm chỉ hành động với hai đặc trưng là [+động], [+chủ ý] với mục đích diễn đạt ý nghĩa hành động. Ví dụ:

(125) Bạn Bình đánh vào đầu con// bạn ấy hất hết tường rào rồi cô ạ

(126) Hôm nay, Bảo An hát như ca sĩ luôn// múa thế mới là múa chứ!

Ví dụ (125) có 2 sự tình (2 kết cấu C-V) đều là các sự tình hành động. Đặc trưng này do các vị từ hành động “đánh”, “hất” của mỗi sự tình quy định.

Trong ví dụ (126) hai sự tình “ Bảo An hát”, “múa thế mới là múa” cũng là các sự tình hành động. Đặc trưng [+động], [+chủ ý] của sự tình được hai vị từ “hát”, “múa” quy định.

- Các sự tình quá trình:

Theo Cao Xuân Hạo, “một quá trình chuyển biến có thể là một sự chuyển biến về vị trí (di chuyển) hay một sự chuyển biến về trạng thái (chuyển thái)” [10, tr.437]. Với dạng sự tình này, các vị tố có hai đặc trưng [+động], [-chủ ý]. Vị từ trung tâm trong sự tình này là vị từ quá trình. Sự tình quá trình luôn biểu thị ý nghĩa quá trình. Ví dụ:

(127) Nước chảy vào hồ bơi rồi đấy//bóng điện uốn cong thế kia //cháy

chứ còn à? (Trẻ chơi ở góc Xây dựng).

Trong ví dụ trên ba sự tình “nước chảy” (kết cấu C-V), “bóng điện uốn cong” (kết cấu C-V), “cháy” (kết cấu vị ngữ) cùng là sự tình quá trình. Đây là sự tình vừa chuyển biến về vị trí, vừa chuyển biến về trạng thái. Đặc trưng [+động], [-chủ ý] do 3 vị từ trung tâm “chảy”, “uốn cong”, “cháy”’quyết định.

Còn ở ví dụ (128), các vị từ trung tâm “đang toát”, “chảy” đã cho biết đó là hai sự tình chỉ quá trình chuyển biến về trạng thái (người bạn vừa chạy từ ngoài sân vào lớp).

- Các sự tình trạng thái - tính chất :

Sự tình tính chất - trạng thái do các vị từ tính chất hoặc trạng thái làm trung tâm. Các vị từ này có đặc trưng [- động], [-chủ ý]. Ví dụ:

(129) Váy con toàn xấu//váy bạn Vi đẹp ơi là đẹp. (130) Em Tít lười nhất nhà// nên con mệt lắm.

Trong ví dụ (129), hai sự tình “váy con xấu”, “váy bạn Vi đẹp” là sự tình tính chất. Đặc trưng của hai sự tình trong ví dụ (129) do hai vị từ trung tâm “xấu”, ‘’đẹp” quy định. Những vị từ tính chất như trong ví dụ góp phần thể hiện ý nghĩa tính chất của sự tình.

Còn trong ví dụ (130), vị từ “lười” quyết định sự tình “em Tít lười” là sự tình tính chất, còn vị từ “mệt” quyết định sự tình “con mệt” là sự tình trạng thái. Cả hai vị từ trên đều có đặc trưng chung là [- động], [-chủ ý].

- Các sự tình quan hệ:

Với các sự tình quan hệ thì vị từ quan hệ làm trung tâm trong cấu trúc nghĩa. Các vị từ đó có thể là các từ chỉ quan hệ, được đưa vào cấu trúc vi từ - tham thể để biểu thị mối quan hệ giữa các tham thể như các vị từ có, như, bằng... Ví dụ:

(131) Chị Chíp lớn hơn em// mà chẳng đồng hồ đẹp.

(132) Mẹ con quê với em bé// nhưng yêu mẹ bằng hai mươi em bé cơ

(Trẻ chỉ tay vào ngực).

Trong ví dụ (131), hai sự tình “chị Chíp lớn hơn em” và “chẳng có đồng hồ đẹp” đều là sự tình quan hệ. Ở sự tình thứ nhất, đó là quan hệ so

sánh. Đặc trưng này do vị tố quan hệ so sánh trung tâm “lớn hơn” quy định. Còn sự tình thứ hai là sự tình quan hệ sở hữu với vị từ sở hữu “có” quy định.

Ở ví dụ (132), hai sự tình đều là chỉ quan hệ. Sự tình thứ nhất chỉ quan hệ vị trí “mẹ ở quê”, còn sự tình thứ hai chỉ quan hệ so sánh “bằng hai mươi em bé’

Ở sự tình quan hệ thì vị từ trung tâm luôn đòi hỏi hai tham thể và vị từ trung tâm có đặc trưng [- động], [-chủ ý]. Đặc trưng này giống với sự tình tính chất trạng thái nhưng khác biệt ở chỗ vị từ tính chất - trạng thái có thể không cần tham thể đi cùng. Các quan hệ có thể thể hiện trong loại sự tình này là: so sánh, sở hữu,…

- Sự tình tồn tại:

Đây là kiểu sự tình có vị từ tồn tại làm vị tố trung tâm. Nó có đặc trưng [- động], [-chủ ý], vị từ trung tâm “còn” quy định đặc trưng của sự tình. Ví dụ:

(133) Mẹ: Nhanh lên con// không ngủ ông ba bị dưới cầu thang ấy.

Con: Eo ơi// còn mấy ông ba bị trên tầng 5 mẹ nhỉ.

Trong ví dụ trên, sự tình “còn mấy ông ba bị” là sự tình tồn tại. Và sự tình này thể hiện cho một nhận định “có một cái gì ở đâu đó”[ 10, tr.430].

- Các sự tình khác: Ví dụ:

(134) Cậu khóc to quá//ngồi đây mà khóc à// mắt sưng mất đấy.

Với 3 sự tình (3 cú đơn) trên thì mỗi sự tình thuộc một kiểu loại khác nhau. Sự tình thứ nhất là sự tình hành động, do vị từ hành động “khóc” quy định và vị từ có đặc trưng [+ động], [+chủ ý]. Ở sự tình thứ hai thì vị từ “ngồi” là động từ chỉ tư thế nên đặc trưng của vị từ là [- động], [+chủ ý]. Đến sự tình thứ ba thì đó lại là sự tình trạng thái “sưng” có đặc trưng [- động], [- chủ ý]. Như vậy ba sự tình trên không cùng loại sự tình nhưng chúng vẫn nằm trong một tổ hợp cú đơn bởi chúng có chung tham thể “cậu”. Do trẻ đã tỉnh lược chủ ngữ ở cú thứ hai, cú thứ ba, tham thể “cậu” không hiện hữu trong các sự tình thứ hai, thứ ba nhưng chúng ta cũng vẫn nhận diện được bởi

ngữ nghĩa của cả tổ hợp cú. Do đó, nếu có cùng chủ thể ở trong tổ hợp cú thì các sự tình khác loại vẫn có thể kết hợp với nhau.

Hoặc xét ví dụ:

(135) Thế là mất hết Pa – pai rồi// hay chuột nó tha nhỉ? (Trẻ đi tìm hình thủy thủ Papai).

Ví dụ trên có hai sự tình. Sự tình “thế là mất hết Pa-pai” là sự tình quá trình. Đây là sự tình có đặc trưng [+ động], [- chủ ý] vì vị từ “mất” quy định. Còn sự tình “chuột nó tha” là sự tình hành động với đặc trưng [+ động], [+chủ ý]. Như vậy, hai sự tình trong ví dụ trên không cùng loại hình với nhau.

Như vậy, các sự tình có vị từ trung tâm là động từ và tính từ thường xuyên xuất hiện trong cùng một tổ hợp cú. Cũng trong các sự tình thì vị từ là các động từ, tính từ thường ít quan hệ với các vị từ là danh từ. Như vậy, các sự tình cũng phải có sự quan hệ gần gũi với nhau về loại hình.

Trong ngôn ngữ, thông thường các thành tố có cùng đặc trưng cùng quan hệ mới có thế mạnh và thường chiếm số đông, ví dụ như các sự tình hành động đi với hành động, quá trình với quá trình, quan hệ với quan hệ. Song ở trẻ MGN, các sự tình lại không cùng kiểu loại với nhau chiếm số lượng không nhỏ. Điều này cho thấy, trẻ MGN có nhu cầu rất lớn trong việc thể hiện mọi suy nghĩ, mọi trạng thái…trong một phát ngôn.

Một phần của tài liệu Khảo sát việc sử dụng các tổ hợp cú trong ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội (Trang 57 - 61)