1.8.1. Tình hình sản xuất
Việt Nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, có điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển. Đã từ lâu cây lúa trở thành cây lương thực chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng trong ổn định nền kinh tế - chính trị của nước ta. Với địa bàn trải rộng trên 15 vĩ độ Bắc bán cầu, từ Bắc vào Nam đã hình thành những đồng bằng châu thổ trồng lúa phì nhiêu, cung cấp nguồn lương thực nuôi sống hơn 80 triệu dân.
Ngành trồng lúa Việt Nam đã có từ rất lâu đời, trong quá trình phát triển và đi lên đã trãi qua nhiều thăng trầm:
- Trước Cách Mạng Tháng Tám, do khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa chưa phát triển, cộng thêm chính sách áp bức bóc lột nặng nề của thực dân Pháp và tay sai phong kiến nên đã kìm hãm sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, không có sự đầu tư làm cho năng suất lúa của nước ta rất thấp, bình quân chỉ đạt 13 tạ/ha.
- Sau Cách Mạng Tháng Tám, chính quyền thuộc về tay nhân dân, ruộng đất tịch thu được đưa về tay người lao động. Đặc biệt đã có sự quan tâm nhiều hơn của Đảng và Nhà nước về công tác thủy lợi, đắp đê giữ nước để tưới cho hàng ngàn ha
canh tác. Cuối năm 1945 đến năm 1955, hệ thống thủy lợi đã tưới cho hơn 717.880 ha lúa chiêm và 203.367 ha lúa mùa.
- Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, do hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề nên những năm đầu của hòa bình sản xuất còn hết sức bấp bênh không ổn định, sản lượng lúa chỉ đạt khoảng 10 – 12 triệu tấn/năm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn do có sự chuyển đổi thời vụ và sử dụng giống lúa thấp cây thích hợp với điều kiện sinh thái từng vùng đã đưa năng suất lúa tăng lên nhanh chóng. Năm 1994, cả nước sản xuất được 26.198.500 tấn lương thực trong đó sản xuất lúa gạo đạt 23.528.300 tấn, chiếm tỷ lệ 89,9%, bình quân mỗi năm tăng 650.061 tấn lúa gạo. Năng suất lúa tăng từ 22,3 tạ/ha (năm 1976) lên 35,8 tạ/ha (năm 1994), bình quân mỗi năm tăng 3,6%. Trong lịch sử Việt Nam, đây là giai đoạn phát triển nổi bật nhất, đặc biệt là sau năm 1985 đến nay. Đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữ sức lao động sáng tạo của tập thể cán bộ khoa học nông nghiệp trong nhiều năm với sự lao động cần cù chịu khó của nông dân và chính sách hợp lý của Nhà nước.
Trong những năm gần đây tình hình sản xuất lúa gạo đã có những bước tiến đáng kể, năng suất và sản lượng không ngừng tăng lên, đã khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.
- Về diện tích: Từ năm 1994 đến 2000 diện tích trồng lúa ở nước ta tăng 1.068.400 ha, tăng tương đối mạnh và đồng đều giữa các năm, năm sau tăng hơn so với năm trước. Vì thời gian này nhà nước ta có nhiều chính sách mở rộng diện tích trồng lúa, mật độ dân số còn thưa, chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ diện tích trồng lúa sang những cây trồng khác hoặc sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn.
Nhưng từ năm 2000 đến 2005 diện tích trồng lúa có xu hướng giảm xuống, năm 2005 giảm so với 2000 là 327.400 ha, vì trong giai đoạn này Nhà nước đang có chính sách chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác như: Làm đường giao thông, trường học, công sở, chuyển sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao,…tuy vậy đến năm 2005 diện tích trồng lúa vẫn tăng lên được 741.000 ha so với năm 1994.
Đạt được những kết quả này do trong những năm qua chúng ta đã nhập nội, nghiên cứu lại tạo và sử dụng nhiều bộ giống có khả năng chống chịu tốt, năng suất cao và phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. Đồng thời đã có nhiều ứng dụng tiến
bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa như: Chuyển đổi mùa vụ, bón phân, tưới nước, phương thức gieo cấy, mật độ gieo cấy hợp lý.
Bảng 1.3. Tình hình sản xuất lúa của Việt Nam từ 2006÷2012 Năm Lúa cả năm Diện tích (1000 ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (1000 tấn) 2007 7.207,4 49,9 35.942,7 2008 7.400,2 52,3 38.729,8 2009 7.437,2 52,4 38.950,2 2010 7.513,7 53,2 39.988,9 2011 7.651,4 55,3 42.324,4 2012 7.753,1 56,3 43.661,5
(Nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2013) Nhìn chung trong những năm vừa qua, trong thời kỳ đổi mới nền nông nghiệp nông thôn Việt Nam và nhất là ngành sản xuất lúa gạo đã đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ và quan trọng, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực Quốc gia, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế xã hội, từng bước cơ cấu lại nền kinh tế và là tiền đề quan trọng để Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Và sự tăng trưởng đó đã đưa Việt Nam từ một nước không đủ cung cấp gạo trong nước, hàng năm phải nhập khẩu thêm 0,8 triệu tấn gạo vươn lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Từ 1989 nước ta chính thức tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới với số lượng xuất khẩu 1,42 triệu tấn/năm. Và từ đó đến nay, hạt gạo của nước ta luôn luôn có mặt trên thị trường thế giới với số lượng ngày một tăng cao đạt ngưỡng xuất khẩu gần 8 triệu tấn/năm.
1.8.2. Tình hình nghiên cứu
Giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng là đầu vào quan trọng bậc nhất của sản xuất nông nghiệp, một giống tốt có thể nâng năng suất cao hơn giống bình thường lên tới 30% hoặc cao hơn nữa. Việt Nam là một trong những nước có nấc thang nhảy vọt thần kỳ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa gạo. Đạt được những thành tựu to lớn đó là nhờ sự đầu tư, quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác khảo nghiệm, lai tạo các giống lúa ở các Viện, Trung tâm Nghiên cứu, các Trường Đại học,…về con người, tài chính, khoa học kỹ thuật, nhằm tuyển
chọn ra nhiều giống mới có năng suất cao phẩm chất tốt, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sâu bệnh phá hoại để được đưa vào sản xuất đại trà.
Từ những năm 1910 Việt Nam đã bắt tay vào công tác bảo tồn nguồn gen của các giống lúa, đặc biệt là các giống lúa địa phương nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và chọn tạo giống lúa sau này.
Từ năm 1918 các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và thực phẩm đã thu thập được tới 3.691 giống lúa. Trong đó có 3.186 mẫu thu thập từ hơn 30 nước trên thế giới và 505 giống lúa địa phương [8].
Trường Đại học Nông nghiệp I đã tiến hành thu thập, đánh giá và bảo quản được 750 mẫu giống lúa có tiềm năng năng suất, phẩm chất tốt, phản ứng khá với sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi [13].
Hiện nay có khoảng 6.000 giống địa phương được giữ tại ngân hàng gen Hà Nội. Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long đã thu thập và bảo quản trên 18.000 mẫu giống lúa cổ truyền và hơn 160 mẫu lúa hoang dại. Hay tại trung tâm Tài nguyên Di truyền Thực vật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cũng đã thu thập và bảo quản trên 5.000 mẫu giống lúa địa phương. Đó thực sự là những nguồn gen quí giá cho công tác giống [2].
Bên cạnh bảo tồn nguồn gen của các giống lúa, trong những thập niên vừa qua Việt Nam đã tích cực nghiên cứu tạo ra nhiều giống lúa mới có năng suất cao, phẩm chất tốt,... đưa vào phục vụ cho sản xuất.
- Thành tựu nổi bật nhất góp phần lớn vào nâng cao năng suất lúa là trong những năm qua Việt Nam đã đưa lúa lai vào sản xuất: Hiện nay, giống lúa lai chủ yếu còn phải nhập từ bên ngoài vào (chủ yếu từ Trung Quốc) như: Khang Dân, Hải Phong,...Thấy rõ được giống là đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nên trong những năm gần đây chúng ta đã từng bước nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sản xuất hạt giống F1 và chuyển giao đến hầu hết các tỉnh gieo trồng lúa lai trong cả nước như: Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Điện Biên, Hoà Bình,...
Giống VN10 từ tổ hợp lai A4/Rumani45 được công nhận 1989 do Trường Đại học Nông nghiệp I Hà nội lai tạo [9].
Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam tạo ra giống V14 vào năm 1981 và đã được công nhận năm 1988 [9].
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện di truyền Nông nghiệp, Viện bảo vệ thực vật và Trường Đại học Nông nghiệp I Hà nội đã sưu tập nghiên cứu hơn 20 dòng A (Trân sán 97A, VLD 93-1A, IR 58025A,…) và khoảng 10 dòng R (Quế, Minh khôi 63, Minh khôi 67, Trắc 64, Minh Dương 64,…) [18].
Sự dụng ưu thế lai, các nhà khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra một số giống có triển vọng như OM 3007 - 42 - 94, OM 3007 - 4 - 12, OM 3007 - 12 – 27, đây là những giống đang được trồng tốt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm gần đây, các cơ sở khoa học nước ta đã chọn tạo được một số dòng CMS và dòng phục hồi đã tạo một số tổ hợp lai 3 dòng như: HYT56, HYT57, HYT58, HYT75, HYT76, HYT77, HYT78, DH40-2, DH40-3, DH40-4, DH40-5, H1, H2, và một số ít tổ hợp 2 dòng như: VN-01/CE-64, VN-01/212, Vn-01/18,… [20].
Cùng với sự phát triển của lúa lai 3 dòng các nhà khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã công bố các công trình nghiên cứu chọn tạo dòng TGMS và kết quả sử dụng các dòng này trong việc sản xuất lúa lai 2 dòng ỏ Việt Nam. Bước đầu trong nghiên cứu phổ phục hồi hữu dục, khả năng giao phấn tự do và một số đặc tính nông sinh học khác của một số dòng TGMS. Viện di truyền Nông nghiệp bằng đột biến thực nghiệm kết hợp với các phương pháp lai tạo, chọn lọc và nuôi cấy mô tế bào đã tạ ra dòng TGMS mới. Trên cơ sở các dòng này, các tổ hợp lai lúa hai dòng đầu tiên ở Việt Nam như TGMS-VN1/D21, TGMS-VN/D24, VN-01/D118,…đã được tạo ra [12].
- Bên cạnh đưa lúa lai vào sản xuất, trong những năm gần đây Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra các giống bằng phương pháp đột biến kết hợp phương pháp lai tạo chọn lọc và nuôi cấy mô tế bào, đã tạo ra một số dòng TGMS mới trên cơ sở của các dòng này, các tổ hợp lai hai dòng đầu tiên được tạo ra: TGMS-VN1/DT21, TGMS-VN1/DT24, DT- 01/ DT118,...
- Với vị thế là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai của thế giới, nhưng một thực tế cho thấy giá gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn còn thấp. Nguyên nhân lớn là chất lượng gạo của Việt Nam còn thấp hơn các nước khác. Trong những năm gần đây, lúa chất lượng đã được quan tâm nhiều hơn trong nghiên cứu, và kết quả chúng ta đạt được rất khả quan.
Đã có nhiều giống lúa tẻ chất lượng cao và lúa nếp được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính như: P1, P4, P6, P8, ... trong đó có hai giống P4 và P6 đã được mở rộng ra sản xuất [8].
Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra khá nhiều giống lúa có chất lượng gạo khá cho vùng thâm canh như X21, BM 9849, BM 9855, HYT 57, HYT 100,… [11]. Viện nghiên cứu lúa đồng bằng Sông Cửu Long đã sử dụng phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học (market phân tử, nuôi cấy túi phấn) kết hợp với khảo nghiệm đồng ruộng để chọn tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo tốt như OM1490, OM2517, OM3536, OM2717, OM2718,OM3405, OM4495, OM4498,....
- Bên cạnh nghiên cứu để chọn tạo ra nhiều giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt, các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam còn rất quan tâm đến việc khắc phục khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh: Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long đã áp dụng thành công kỹ thuật đột biến bằng hóa chất và bằng nuôi cấy mô trên giống lúa thơm Jasmine 85 mục đích tạo giống lúa thơm có phẩm chất như Jasmine 85 nhưng khắc phục được nhược điểm của giống lúa này là dễ nhiễm sâu bệnh .
- Để đưa một giống lúa ra sản xuất đại trà phải qua công tác khảo kiểm nghiệm. Hiện nay, ở Việt Nam mạng lưới khảo nghiệm lúa đã có hầu hết ở các tình thành trên cả nước, trong đó Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng Trung Ương là một trong những đơn vị mạnh nhất. Trong những năm 1990 – 1994 Trung tâm này đã khảo nghiệm trên 150 giống lúa. Năm 1996 – 1997 tiến hành khảo nghiệm 31 giống lúa mới. Năm 1998 – 1999 trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm 235 giống lúa và đã có nhiều giống mới đã được công nhận và đưa vào sản xuất đại trà như: OM1490, MTL141, Xi23, Nếp BM9603, Xuân số 11, Nếp K12, KC90, NT90,…[16].
Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những Viện chủ chốt trong khảo nghiệm tìm ra những giống lúa mới của các tỉnh miền Nam, từ khi thành lập (1977) đến này đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu và đã có hơn 50 giống lúa được Bộ công nhận và đưa vào sản xuất đại trà. Trong đó có 21 giống (mang tên OM) được lai tạo tại Viện và đã đưa vào sản xuất đại trà 18 giống trong số đó. Đồng thời Viện đã gửi hơn 100 giống lúa các loại về các trung tâm khảo nghiệm của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Bắc, và đã có hàng chục giống thích ứng với những nơi khảo nghiệm này.