Đây chính là khoảng thời gian sinh trưởng dinh dưỡng của cây, kết thúc thời gian này lúa bước vào một giai đoạn mới là sinh trưởng sinh thực. Do vậy, thời gian này ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến năng suất, bởi vì cây lúa phải trải qua một giai đoạn quan trọng là đẻ nhánh, quyết định đến số bông/m2.
Thời gian này ngắn hay dài phụ thuộc chặt chẽ vào đặc tính di truyền và điều kiện ngoại cảnh, đặc biết là yếu tố nhiệt độ và dinh dưỡng. Các giống khác nhau sẽ có khoảng thời gian này khác nhau, cùng một giống cũng có sự khác nhau theo mùa vụ, vùng miền.
Qua theo dõi thí nghiệm chúng tôi thấy, khoảng thời gian này của các giống thí nghiệm dao động từ 30 – 36 ngày. Trong đó so với đối chứng (35 ngày), giống ĐD2 là 36 ngày các giống còn lại từ 30 đến 34 ngày, trong đó các giống TBR 225, ĐQ11,
LTH 31, QR 18 là 34 ngày, thấp hơn đối chứng 1 ngày, giống LTH 35 là 33 ngày, thấp hơn giống đối chứng 2 ngày, và giống XCT 30 ngày thấp hơn giống đối chứng 5 ngày.
Kết thúc quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, nhiều giống có sự chênh lệch nhau về thời gian sinh trưởng. Điều đó đã thể hiện sự khác nhau rõ rệt về đặc tính di truyền và phản ứng với điều kiện ngoại cảnh của các giống đó.
Biết được thời gian từ cấy đến làm đòng là cơ sở để có tác động những biện pháp kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây lúa phát triển tốt, lúa bước vào đẻ nhánh sớm và tập trung như: Bón phân thúc đẻ đúng lúc, điều chỉnh nước hợp lý nhằm tiêu diệt bớt số nhánh vô hiệu và hạn chế đẻ nhánh vô hiệu đồng thời tập trung dinh dưỡng cho các nhánh hữu hiệu,…