Những giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của dân tộc ta như: truyền thống yêu nước, truyền thống nhân nghĩa, truyền thống cần cù sáng tạo, truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, truyền thống tôn
trọng cộng đồng, v. v... ngày càng khẳng định ý nghĩa tích cực và phù hợp với thời kỳ mới hiện nay (đã đề cập ở 1. 2. 3).
Những giá trị đạo đức truyền thống ấy, bên cạnh việc tiếp tục bảo tồn hạt nhân cơ bản của mình, đang có những biến đổi mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đặt ra những vấn đề đáng chú ý về quan niệm giá trị đạo đức của hôm nay trong mối liên hệ với giá trị đạo đức truyền thống. Đặc biệt, sự vận động ấy thể hiện rất rõ nét trong sinh viên- đối tượng trẻ có trình độ học vấn cao, và rất nhạy cảm trước mọi biến chuyển xã hội. Có hai nhận định khác nhau thường thấy khi người ta nói về thái độ của sinh viên hiện nay trước các giá trị đạo đức truyền thống: hoặc cho rằng họ vẫn coi trọng các giá trị truyền thống, thống nhất hoàn toàn với các giá trị này; hoặc cho rằng, họ đang xa rời các giá trị truyền thống, dường như có sự mâu thuẫn với các giá trị này.
Cả hai quan niệm trên đều đúng mà chưa đủ, vì chưa vạch ra được bản chất của hiện tượng, không làm rõ được xu hướng vận động của ý thức đạo đức sinh viên hiện nay, và còn mang tính chung chung, chưa sâu sắc. Thực tế là đang diễn ra một xu hướng có vẻ mâu thuẫn trong ý thức đạo đức sinh viên khi họ phải đối diện với các vấn đề của cuộc sống. Họ, một mặt muốn giữ lại các giá trị đạo đức truyền thống; mặt khác, lại muốn phá bỏ cái barie của đạo đức truyền thống khi phải xử lý cùng một vấn đề. Điều này thường xảy ra với các vấn đề liên quan đến đối nhân xử thế, tiền bạc, sự sòng phẳng, tình bạn, tình yêu, đặc biệt đến các cặp giá trị như nghĩa vụ và quyền lợi, cái chung và cái riêng, cá nhân và cộng đồng, lý tưởng và thực tế,... khi soi chiếu với vấn đề đạo đức hay phi đạo đức.
Lê Văn Hảo (2001) khi nghiên cứu về giá trị trong thanh niên ở 5 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã đi đến nhận xét: “phần đa họ vẫn giữ rất nhiều các giá trị truyền thống, thể hiện qua một loạt thái độ, niềm tin và hành vi ứng xử của họ trong gia đình, trường học, vui
chơi giải trí và thái độ đối với tập thể, cộng đồng” [64, 55]. Theo kết qủa khảo sát của chúng tôi (xem 2. 2. 1), khi quan sát
hành vi của sinh viên, thường thấy những biểu hiện của một lối sống hiện đại, thế nhưng tiếp tục đi sâu tìm hiểu quan niệm đạo đức đằng sau hành vi đó, nhận thấy phần lớn đều có xu hướng bảo tồn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Sự mâu thuẫn giữa những hành vi bề ngoài và quan niệm bên trong có sự thống nhất biện chứng: một mặt, sinh viên hôm nay hướng đến sự thích nghi với hoàn cảnh xã hội hiện đại; mặt khác, họ vẫn tiếp tục kế thừa và trân trọng những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, giữ gìn bản sắc dân tộc. Xu hướng tiếp thu có chọn lọc các giá trị đạo đức truyền thống này phản ánh một bước chuyển biến quan trọng trong ý thức xã hội nói chung và ý thức đạo đức sinh viên nói riêng- một thế hệ, một tầng lớp gắn liền với thời kỳ đổi mới trên các lĩnh vực, vừa bảo tồn cái tốt đẹp đã có, vừa tiếp thu thêm cái mới phù hợp.
Bên cạnh đó, không tránh khỏi một bộ phận sinh viên có khuynh hướng xa rời các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, dẫn đến hầu như phủ nhận các giá trị này, du nhập thiếu chọn lọc lối sống từ bên ngoài không phù hợp với văn hóa dân tộc và quan niệm đạo đức chung.