3. 1 Những nguyên tắc xây dựng và phát triển ý thức đạo đức mớ
3.1. 1 Những nguyên tắc chung
Trước khi đưa ra những nguyên tắc xây dựng và phát triển ý thức đạo đức mới cho sinh viên, cần phải có một số nguyên tắc chung cơ bản, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói một cách khái quát, đó là những nguyên tắc của đạo đức mới- đạo đức cộng sản. Đạo đức cộng sản bắt nguồn từ đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản được hình thành trong cuộc đấu tranh cách mạng, còn đạo đức xã hội chủ nghĩa là một giai đoạn của đạo đức cộng sản. Xã hội xã hội chủ nghĩa giáo dục cá nhân những nguyên tắc đạo đức như lòng trung thành với sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, lòng yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tinh thần đoàn kết anh em với những người lao động ở tất cả các nước, với tất cả các dân tộc, tinh thần lao động tận tụy vì hạnh phúc của xã hội, chủ nghĩa tập thể và tinh thần tương trợ trên tình đồng chí, đức tính giản dị và khiêm tốn trong sinh hoạt xã hội và sinh hoạt cá nhân [181, 25].
Mác (1866) trong “Những chỉ thị cho các đại biểu của hội đồng trung ương lâm thời về một số vấn đề”, đã vạch rõ tầm quan trọng của
việc giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản: “những người công nhân tiên tiến nhất cũng hoàn toàn nhận thức được rằng tương lai của giai cấp họ, và do đó, của cả loài người, hoàn toàn tùy thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên” [103, 262]. Lênin cũng rất quan tâm đến việc giáo dục thanh niên và đề ra nguyên tắc chung cho việc giáo dục này. “Lênin phê phán những quan điểm giáo dục không đúng đắn như ve vãn, thỏa hiệp hoặc khắt khe định kiến với thanh niên. Người yêu cầu phải giáo dục thanh niên theo tinh thần của tính đảng cao; đồng thời chỉ rõ tính đảng là tư tưởng xã hội chủ nghĩa” [131, 13].
Hồ Chí Minh gọi đạo đức cộng sản là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Trong các tác phẩm của mình, Người đã đề ra ba nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng: tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời thông qua thực tiễn cách mạng; nêu gương đạo đức, lời nói đi đôi với việc làm; xây dựng đạo đức mới, đấu tranh với những hiện tượng phi đạo đức [73, 164-172].
Bài viết trên báo Nhân Dân với tiêu đề “Đạo đức công dân”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức và nguyên tắc giáo dục đạo đức kết hợp giữa cái chung và cái riêng: “Chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí” [113, 453]. Trong tác phẩm Đời sống mới, Người (1947) viết về nguyên tắc kế thừa và đổi mới khi xây dựng một nền đạo đức mới: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” [110, 94-95]. Người đề cao tác dụng của việc
nêu gương sáng đạo đức: “Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [108, 263].
Tóm lại, có năm nguyên tắc xây dựng đạo đức mới hiện nay:
chủ nghĩa tập thể là cơ sở của đạo đức mới, lao động tự giác sáng tạo là cội nguồn của đạo đức mới, chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản [72, 151-166]. Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh nguyên tắc thứ năm: lấy việc giáo dục đạo đức Hồ
Chí Minh làm cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cộng sản.
Cũng không thể không lưu ý đến một trong những căn cứ để hình thành nguyên tắc xây dựng và phát triển ý thức đạo đức mới cho sinh viên, đó chính là những yêu cầu về mô hình con người mới Việt Nam nói chung và người sinh viên Việt Nam mới nói riêng, với tư cách là mục tiêu định hướng của công tác giáo dục và rèn luyện con người. Đó phải là con người phát triển về cả thể lực lẫn trí tuệ, có phẩm chất đạo đức mới, có năng lực thẩm mỹ, có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, có kỹ năng chung sống và hòa hợp với cộng đồng (đã đề cập tại 2. 1). Hiện nay, với mọi quốc gia, yếu tố con người ngày càng được coi trọng, vì đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến trình phát triển. Có nhiều ý kiến đánh giá cao vấn đề nguồn nhân lực như là động lực cho sự phát triển: “Nguồn lực người là vốn thứ nhất, cùng với vốn tài chính tạo nên sự phát triển kinh tế- xã hội” [57, 90]; “Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển” [145, 133]. Và nhấn mạnh vai trò của giáo dục: “Giáo dục phục vụ cho phát triển, tự bản chất của nó, là sự đầu tư vào con người” [168, 147].