3 Hướng đến tính cá nhân trong sự hòa hợp với cộng đồng

Một phần của tài liệu Ý thức đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 103 - 107)

2. Hướng đến sự hòa hợp với các giá trị đạo đức nhân loại

2.2. 3 Hướng đến tính cá nhân trong sự hòa hợp với cộng đồng

Xu hướng hướng đến tính cá nhân trong sự hòa hợp với cộng đồng này liên quan đến vấn đề định hướng giá trị đạo đức của sinh viên Việt Nam hiện nay, là xu hướng giá trị đạo đức mà chủ thể (cộng đồng, cá nhân) hướng tới với mong muốn đạt được, có tính chủ quan, chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội mà trong đó chủ thể sinh sống. “Định hướng giá trị thể hiện ở cấp độ chủ thể mong muốn đạt được những giá trị nhất định (...). Định hướng giá trị thể hiện trong hành vi của chủ thể” [87, 2- 3].

Sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản thừa cơ ra sức áp đặt một trật tự thế giới mới, một vài nước xã hội chủ nghĩa còn lại (trong đó có Việt Nam) tiến hành cải cách và đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, qúa trình toàn cầu hóa làm cho thế giới trở thành ngôi nhà chung, tốc độ thông tin nhanh trên quy mô rộng, có sự đan xen phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia về kinh tế, chính trị, văn hóa,... đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong định hướng giá trị đạo đức của sinh viên hiện nay. Nguyễn Chí Mỳ (1999) đã đưa ra các xu hướng thay đổi trong định hướng giá trị đạo đức trước

tác động của nền kinh tế thị trường được cho là tích cực như sau: từ anh hùng, dũng cảm hy sinh trong đấu tranh sang năng động, sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh; từ chỗ chỉ coi trọng các giá trị tinh thần sang đề cao cả giá trị tinh thần lẫn giá trị vật chất; từ chỗ tuyệt đối hóa lợi ích chung sang kết hợp hài hòa lợi ích chung và lợi ích riêng, vừa tôn trọng giá trị cộng đồng vừa tôn trọng giá trị cá nhân, vừa trở về đạo đức truyền thống dân tộc vừa đi tới đạo đức hiện đại [119, 71]. Những thay đổi này không thể không ảnh hưởng đến ý thức đạo đức sinh viên từ các góc độ khác nhau.

Kết qủa điều tra của đề tài KX 07- 04, KX 07-12 cũng cho thấy, sinh viên đánh giá cao các giá trị hòa bình, tự do, học vấn, nghề nghiệp, việc làm,... (70-80% sinh viên lựa chọn). Sinh viên hướng vào những phẩm chất nhân cách như có học vấn rộng, có tư duy kinh tế, năng động, khả năng thích nghi, giỏi nghề, thạo ngoại ngữ,... (60- 80%). Đồng thời những giá trị: gia đình hạnh phúc, tình nghĩa, sống có mục đích,... cũng được đánh giá cao (50-60%) [178, 53-54]. Sinh viên ngày nay hướng đến sự lựa chọn những giá trị chung, thể hiện nguyện vọng sống trong hòa bình, ổn định để phát triển. Mưu cầu hạnh phúc, giàu có trước hết cho cá nhân, gia đình mình, sau đó là góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng- nét mới trong định hướng giá trị đạo đức của sinh viên hôm nay.

Theo điều tra của Trương Văn Phước (2003), sinh viên bên cạnh việc coi trọng những giá trị đạo đức vốn có như yêu nước thương nòi (41,7%), trung thực thẳng thắn (58%), cần cù chịu khó (42,4%), có trách nhiệm cao với công việc chung (53,9%), khiêm tốn học hỏi cầu thị tiến bộ (71,6%); thì đồng thời cũng rất coi trọng những giá trị khác:

việc làm có 68,2%, hoà bình 67,2%, sức khỏe 65,4%, học vấn 54,5%, tự do 54,8%, nghề nghiệp 54,3%, sống có mục đích 46,6%, niềm tin 45,9%, công lý 42% [142, 26].

Đỗ Ngọc Hà (2001) khảo sát những biến thiên trong định hướng giá trị của sinh viên từ 510 mẫu sinh viên, xu hướng cá nhân có chỉ số chung cho cả hai giới nam và nữ là 4,13; theo xu hướng tập thể có chỉ số chung là 3,90. Lê Văn Hảo (2001) khi xem xét mối quan hệ giữa tính cá nhân và tập thể biểu hiện trong thanh niên hiện nay, cũng dự đoán, mẫu hình hành vi ứng xử xã hội của người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ có khả năng sẽ thay đổi [64, 56]. Trong một nghiên cứu khác, Song Hà (2003) cũng đi đến nhận xét, sinh viên hiện nay có xu hướng nghiêng về hành vi ứng xử có tính cộng đồng khi tham gia các hoạt động chung, nhưng với tư cách cá nhân trong một hoàn cảnh cụ thể, họ lại có những ứng xử khác hẳn [56, 24]. Đoàn Đức Hiếu (2003) lý giải: “Nền kinh tế thị trường làm thay đổi hệ chuẩn giá trị của cá nhân, khẳng định vai trò cá nhân trong đời sống cộng đồng” [68, 68].

Việc đánh giá cao, hướng đến các giá trị đạo đức chung, liên quan đến cộng đồng trong tương quan với mong muốn và lợi ích cá nhân, thậm chí lợi ích cá nhân nhiều khi được xem xét đầu tiên, và sau đó mới là lợi ích cộng đồng, sao cho vừa đảm bảo lợi ích riêng, vừa không đi ngược lại với lợi ích chung thể hiện xu hướng hướng đến tính cá nhân trong sự hài hòa với cộng đồng trong ý thức đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay. Nó liên quan khá chặt chẽ với qúa trình cá nhân hóa đang diễn ra sâu sắc trong con người sinh viên hôm nay. Theo Gunter (2002), đây là qúa trình xuất hiện của cá thể với tư cách là cá

nhân duy nhất, nhằm phát huy một nhân cách tự lập và tự chịu trách nhiệm, có khả năng hành động linh hoạt và độc lập [52, 37].

Một bộ phận sinh viên tuyệt đối hóa những thay đổi này nên dẫn đến khuynh hướng cực đoan: qúa đề cáo cá nhân, qúa thực dụng, lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị. Từ chỗ coi trọng giá trị văn hóa- tinh thần sang thái cực tuyệt đối hóa giá trị kinh tế- vật chất; từ chỗ lấy con người tập thể làm mẫu mực sang qúa nặng về con người cá nhân.

Các xu hướng vận động trong ý thức đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay không tách biệt, mà hòa trộn, kết hợp làm nên một thể thống nhất. Trong qúa trình tiếp thu có chọn lọc các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sinh viên cũng đồng thời hướng đến sự hòa hợp với các giá trị đạo đức nhân loại, hướng đến tính cá nhân trong sự hòa hợp với cộng đồng.

Kết luận chương 2

Xuất phát từ những chuẩn mực về phẩm chất đạo đức mới- đạo đức cộng sản chủ nghĩa, trên đây chúng tôi đã khảo sát thực trạng ý thức đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay với các mặt tích cực và hạn chế, bước đầu tìm hiểu các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến thực trạng ý thức đạo đức sinh viên, dự báo các xu hướng vận động chủ yếu trong ý thức đạo đức sinh viên. Điều cần thiết tiếp theo là đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế, thúc đẩy xu hướng tiến bộ và ngăn ngừa khuynh hướng tiêu cực, xây dựng và phát triển ý thức đạo đức mới cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Chương 3

NHỮNG NGUYÊN TẮC, GIẢI PHÁP

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN Ý THỨC ĐẠO ĐỨC MỚI

Một phần của tài liệu Ý thức đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)