Từ thực tế đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam hồi thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy sự bế tắc, sự khủng hoảng của phong trào cứu nước mà biểu hiện chủ yếu là mâu thuẫn giữa phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi của nhân dân với việc thiếu một giai cấp lãnh đạo, một đường lối thích hợp để dẫn dắt nhân dân đến thắng lợi. Hồ Chí Minh đã nhận thấy, đứng trước sự xâm lược và thống trị của bọn tư bản thực dân cướp nước ngọn cờ phong kiến cũng như tư sản đều không đáp ứng được xu thế tiến hoá của dân tộc. Người đã đặt câu hỏi: Vậy thì con đường cứu nước nào đúng nhất?
Cuộc hành trình gần mười năm đưa Hồ Chí Minh đến nhiều vùng thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã giúp Người quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của chủ nghĩa tư bản. Trong đó hiện lên rõ rệt những đặc trưng cơ bản của sự phân hóa, đối địch giữa người giàu và người nghèo; giữa những người bị áp bức, bóc lột và những kẻ thống trị nắm quyền uy, giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với một số ít nước đế quốc xâm lược và thống trị. Đó cũng là quá trình Người học tập, tích lũy tri thức, tham gia hoạt động trong một số tổ chức chính trị - xã hôi.
Những năm tháng ấy đã tạo tiền đề để Người sớm nhận ra chân lý ở Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, sớm đứng trong hàng ngũ những người cộng sản thuộc Quốc tế III.
Trong lúc các trào lưu phản động quốc tế đang ra sức xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, nói xấu cách mạng Nga và chống chủ nghĩa Lênin, thì trong nhiều bài viết cũng như diễn đàn quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định trong thời đại ngày nay chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được cho các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Sự khẳng định đó không phải là một nhận thức cảm tính trước một cuộc doanh nghiệp vừa mới diễn ra thành công, mà đó chính là kết quả của sự suy nghĩ, một sự tìm tòi, một quyết tâm, một nhận thức biện chứng phù hợp với chân lý khách quan của thời đại và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
Thiên tài và công lao vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc chính là ở chỗ Người đã nghiên cứu, tiếp biến và tổng hoà biện chứng nguồn giá trị văn hoá và tư tưởng truyền thống và cả giá trị tư tưởng cách mạng của các nước phương Tây, phương Đông thế kỷ 18, tư tưởng của học thuyết Mác Lênin và thực tiễn Việt Nam chúng ta xây dựng thành công một hệ thống tư tưởng mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển vì độc lập tự do của Việt Nam .Thiên tài ấy còn thể hiện ở niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân. Tầm nhìn của Hồ Chí Minh rất xa và rất rộng, không chỉ nhìn vấn đề dân tộc trong phạm vi hạn hẹp mà còn thấy rõ mối liên quan giữa dân tộc và thời đại. Từ đấy, Người nhận thấy không thể giữ lá cờ cứu nước theo kiểu phong kiến. Lá cờ dân chủ tư sản ở phương Tây hồi đầu thế kỷ với khẩu hiệu: Tự do, bình đẳng, bác ái lúc đầu có sức hấp dẫn đối với Hồ Chí Minh. Song đến khi chính Người đã được mục kích cái xã hội đó cũng đầy rẫy những khủng bố, những người nghèo khổ, những bất công, bên
cạnh kẻ sống sung sướng xa hoa…Người đã hoài nghi: Tại sao Người Pháp không khai hóa đồng bào họ trước khi đi khai hóa chúng ta. Sự thật lịch sử đó đã làm cho Người thấy ngay sự trái ngược giữa những giọng tuyên truyền hoa mỹ của giai cấp tư sản và thực tế rất phũ phàng trong xã hội Pháp. Từ đó Người càng thấy rõ trên thực tế luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: Một dân tộc đã đi áp bức một dân tộc khác thì chính dân tộc ấy cũng không được tự do.
Bằng cách nhìn biện chứng, Hồ Chí Minh cho rằng, con đường giải phóng và phát triển của các nước thuộc địa phải phù hợp với yêu cầu tiến hoá dân tộc trong thời đại mới. Đây là quan điểm được tạo dựng bởi cốt cách của dân tộc ta, một dân tộc có khí phách quật cường, bất khuất trước mọi kẻ thù, luôn luôn gan góc đứng lên giành độc lập tự do cho Tổ quốc, nay lại được tiếp thêm sức mạnh của học thuyết mới - chủ nghĩa Mác – Lênin, được cổ vũ thêm bằng tấm gương sáng ngời của Cách mạng Tháng Mười Nga. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến những cuộc chiến tranh phi nghĩa do cách mạng thực dân tiến hành đi xâm lược và đặt ách thống trị đối với các dân tộc khác nhằm bành trướng thuộc địa. Chúng không từ mọi thủ đoạn về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa tư tưởng để thực hiện tham vọng đó.
Người đã phân tích, so sánh những cuộc cách mạng điển hình trên thế giới trong khoảng 150 năm từ Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Pháp 1789, Công xã Pari 1870 đến Cách mạng Nga 1917 để rút ra những bài học kinh nghiệm từ đó tìm ra cho cách mạng Việt Nam con đường đúng đắn nhất, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
Về các cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, Người đã chỉ rõ tính chất không triệt để của cuộc cách mạng tư sản này: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai.
Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi”[40; tr.270]. Còn “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”[40; tr.274].
Đây là nhận định hoàn toàn có cơ sở khoa học, vì nền độc lập dân tộc giành được trong cách mạng tư sản chỉ mở đường cho giai cấp tư sản xác lập vững chắc quyền thống trị của nó, chứ không giải phóng con người và xã hội ra khỏi sự áp bóc lột, áp bức của giai cấp tư sản. Do đó, chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản và cách mạng tư sản chỉ thực hiện độc lập một cách có giới hạn, không triệt để. Độc lập dân tộc tư sản không những không thủ tiêu áp bức bóc lột mà còn duy trì và phát triển ở trình độ hiện đại tình trạng áp bức bóc lột tư sản đối với công nhân, nông dân và mọi tầng lớp lao động làm thuê khác trong xã hội tư bản. Chủ nghĩa đế quốc đã tiến hành chiến tranh xâm lược để tìm kiếm thị trường và thuộc địa.
Từ khi Hồ Chí Minh tiếp xúc với Sơ thảo lần thứ nhấ Luận cương
về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin và tất cả những gì mắt thấy tai nghe trên quê hương Cách mạng Tháng Mười, Người đã khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có Cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới” [40; tr.280].
Từ sự phân tích, so sánh, khẳng định nói trên Hồ Chí Minh đem lại cho dân tộc ta cũng như các dân tộc thuộc địa trên hành tinh này một chân lý cách mạng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc để có độc lập tự do thì không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để cho dân tộc, mới đảm bảo một cách thực chất độc lập, tự do.
Hệ thống luận điểm cách mạng làm nền móng cho con đường cách mạng Hồ Chí Minh đã được xác lập. Đó là, cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, theo trào lưu phát triển của thời đại; cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; xóa bỏ sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc; cách mạng Việt Nam phải được tiến hành triệt để, đưa tới sự giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và xác lập vai trò làm chủ xã hội của nhân dân lao động “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[40; tr.270]. Luận điểm đó xác định ranh giới phân biệt cách mạng vô sản với cách mạng tư sản và cũng khẳng định tầm cao giá trị nhân văn của cách mạng vô sản. Xét ở một phương diện khác, quyền tự do bình đẳng của nhân dân cũng chỉ có thể giành được bằng cách mạng, không có con đường nào khác.
Để đưa sự nghiệp cách mạng tới thành công phải có Đảng cách mạng lãnh đạo. Đó là đảng của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lênin, đoàn kết thống nhất, có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân đoàn kết với các dân tộc bị áp bức với giai cấp vô sản và các phong trào cách mạng thế giới để thực hiện các mục tiêu cách mạng. Đảng cần tiến hành thường xuyên việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng làm cách mạng bóc trần mọi thủ đoạn lừa bịp, ngu dân, đe dọa bằng sức mạnh của kẻ xâm lược; cần giáo dục lý luận
cách mạng cho nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết tạo nên sức mạnh trí tuệ sáng tạo và ý chí đấu tranh của quần chúng. Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Trong đó, giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là lực lượng nòng cốt, “là gốc cách mệnh”; bầu bạn cách mệnh của công nông là học sinh, là nhà buôn nhỏ, là tiểu tư sản, trí thức, trung nông phải lôi kéo, lợi dụng, phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản…Luận điểm đó là nền tảng của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở phân tích đầy đủ và sâu sắc mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc với nhau trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, và khả năng cách mạng to lớn của nhân dân các nước thuộc địa nhất là sau cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh đã đi đến những kết luận mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Một là, Người nhấn mạnh đến quan điểm tự lực cách sinh, tinh thần chủ động tiến công của cách mạng thuộc địa: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng ?
Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[40; tr.128].
Hai là, Người khẳng định cách mạng thuộc địa có thể và cần phải tiến hành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là một kết luận rất sáng tạo. Ở đây, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa thực dân là các nước thuộc địa, nơi tập trung các mâu thuẫn lớn của thời đại, vì vậy, cần và có thể đánh đổ chủ nghĩa thực dân trước hết là ở mắt xích yếu nhất này, từ thuộc địa rồi đến thuộc địa khác.
Cách mạng thuộc địa có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vô sản. Mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới được thực hiện bằng sức mạnh
đoàn kết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản ở chính quốc. Các dân tộc thuộc địa cần đoàn kết chặt chẽ, tạo nên “một cái cánh” vững mạnh của cuộc cách mạng vô sản. Thành công của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa sẽ tước bỏ nguồn sinh lực chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc, giúp cho giai cấp vô sản phương Tây những điều kiện thuận lợi để giải phóng hoàn toàn.
Những luận điểm trên định hướng cho việc hình thành con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Những nội dung chủ yếu của con đường đó được xác định trong các tác phẩm Đường Cách mệnh, Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng và được tiếp tục cụ thể hóa, phát triển sâu sắc hơn trên những chặng đường, những nấc thang hướng tới các mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Hồ Chí Minh xác định cách mạng dân tộc “đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình”[40; tr.266], và cách mạng vô sản, do công nông toàn thế giới liên hiệp lại “để đập đổ tất cả tư bản trong thế giới, làm cho nước nào, dân nào cũng được hạnh phúc, làm cho thiên hạ đại đồng”[40; tr.266].
Hai cuộc đấu tranh cách mạng ấy liên quan chặt chẽ với nhau. Đến Chánh cương vắn tắt của Đảng, sau khi phân tích nền kinh tế Việt Nam đã phát triển theo kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng quan hệ phong kiến vẫn còn “nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[41; tr.1]. Các chiến lược được tiến hành nối tiếp nhau song nổi bật lên hàng đầu và cấp bách là chống đế quốc và tay sai phản động, giành độc lập, tự do cho toàn dân tộc. Đến tháng 5.1941, Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ, cuộc cách mạng ở nước ta trước hết là một cuộc cách mạng giải phóng. Sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục tiến lên thực hiện cách mạng tư sản
dân quyền và đi đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ởnước ta trong hoàn cảnh thuộc địa, sự nô dịch của chủ nghĩa đế quốc và tay sai phản động đã làm cho mâu thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt. Sự áp bức dân tộc của chủ nghĩa đế quốc là điều kiện khách quan dẫn đến sự bùng nổ cách mạng mang tính chất dân tộc sâu sắc. Hồ Chí Minh thấy rõ ngay từ đầu mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng dân tộc, cách mạng dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các cuộc cách mạng đó liên quan mật thiết với nhau, song trước hết phải thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc.
Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân tộc, được tiến hành bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân, lấy liên minh công nông và trí thức làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tiến lên giành chính quyền bằng phương thức khởi nghĩa và trong thành lập nhà nước pháp quyền của quần chúng số nhiều, và kiến lập nền dân chủ cộng hoà, một nhà nước chung của dân tộc.