Mối quan hệ hữu cơ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc cũng là một cống hiến đặc sắc của Hồ Chí Minh về dân tộc cách mệnh. C.Mác và Ph. Ănghen đã lưu ý đến mối quan hệ giữa nhân dân thuộc địa và chính quốc trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Trong điều kiện lịch sử lúc đó, các ông đã chú trọng đến nhiệm vụ của giai cấp công nhân đối với việc lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, và cho rằng, việc giải phóng thuộc địa chỉ thành công khi cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi.
V.I.Lênin đã quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong tác phẩm Vận mệnh lịch sử của học thuyết của Các Mác, Lênin đã viết: “Bọn cơ hội chủ nghĩa chưa dứt lời tán tụng “hòa bình xã hội” và tính không tất yếu của những con bão táp dưới “chế độ dân chủ” thì ở châu Á đã bắt đầu phát sinh một nguồn mới
những cơn bão táp cực kỳ lớn của thế giới…Chúng ta đang sống chính trong thời đại những cơn bão táp ấy và thời đại mà những cơn bão táp ấy đang “dội ngược trở lại châu Âu”[64;tr.4]. Do nhận thức được mối quan hệ, nhất là sự “dội ngược trở lại” của cơn bão táp cách mạng ở thuộc địa đối với giai cấp vô sản chính quốc mà Lênin và những người cộng sản phương Đông đã mở rộng khẩu hiệu chiến đấu của C.Mác và Ph. Ăngghen nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thành khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Lênin đã khẳng định đường lối của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa trong Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa rằng: “…Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”[65; tr.199]. Tuy nhiên, Lênin vẫn cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi sau và phụ thuộc vào cách mạng vô sản.
Nghiên cứu tư tưởng C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin, kết hợp với việc khảo sát thực tế, Hồ Chí Minh đã bổ sung, vận dụng và phát triển những quan điểm tư tưởng đó một cách sinh động và sáng tạo vào hoàn cảnh các nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Trong các tác phẩm nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1924), Lênin và các dân tộc thuộc địa (1-1924), Lênin và các dân tộc phương Đông (7-1924), Tham luận về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa tại Đại hội quốc tế lần thứ V của Quốc tế Cộng sản (1924), Lênin và phương Đông (1926)…Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây
muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc chỉ là một bộ phận chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Hồ Chí Minh cho rằng, Lênin đã mở ra một thời đại mới thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa, là người đầu tiên đã kiên quyết lên án mọi thành kiến đối với nhân dân các nước thuộc địa đã ăn sâu vào xương tủy của nhiều công nhân châu Âu và châu Mỹ,… là người đầu tiên đã hiểu và nhấn mạnh tất cả tầm quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vấn đề thuộc địa đối với cách mạng thế giới…”[39; tr.276-297].
Với tinh thần cách mạng đúng đắn, Hồ Chí Minh đã đấu tranh không khoan nhượng phê phán những người cộng sản ở các nước tư bản đã coi nhẹ vấn đề thuộc địa và không thực hiện đúng di huấn của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa - thậm chí những người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ đã đặt cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc phụ thuộc vào sự nghiệp giải phóng vô sản, coi phong trào giải phóng dân tộc là “hậu bị quân” của cách mạng vô sản ở chính quốc. Người đòi hỏi: “…vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”[39; tr.282].
Bản án chế độ thực dân Pháp là tác phẩm nổi tiếng đã vạch trần bản chất phản động của chế độ thực dân, là lời tố cáo đanh thép những tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa, là lời thức tỉnh nhân dân bị áp bức nô lệ vùng dậy đấu tranh đập tan chế độ áp bức tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc. Trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh đã nêu lên những quan điểm cơ bản về mối quan hệ hữu cơ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc.
Từ phân tích vai trò của các thuộc địa đối với sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản, Người cho rằng tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản, đế quốc đều lấy ở các xứ thuộc địa. Chính chủ nghĩa tư bản đã tồn tại nhờ dựa trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Do đó Người đã khẳng định tính tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, vai trò quan trọng của các thuộc địa đối với cách mạng vô sản, đối với chủ nghĩa đế quốc. Hồ Chí Minh khẳng định: “Hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn tòan”[39; tr.36]. Từ đó, ta có thể rút ra rằng: cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa là tất yếu; nó là sự nghiệp thiết thân của nhân dân các nước thuộc địa; họ phải đứng lên tự giải phóng mà không thể trông chờ vào sự cầu viện ở bất cứ ai; nếu được thức tỉnh thì nhân dân thuộc địa sẽ là một lực lượng khổng lồ có thể làm nên sự nghiệp cách mạng; chẳng những họ tự giải phóng mà còn giúp đỡ giai cấp vô sản ở chính quốc.
Hồ Chí Minh không xem cách mạng giải phóng dân tộc phụ thuộc cách mạng vô sản chính quốc, mà đặt hai cuộc cách mạng này trong mối quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau, không thể tách rời. Trên cơ sở đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng to lớn của nhân dân các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã dự báo cách mạng giải phóng dân tộc có khả năng và điều kiện nổ ra và thành công sớm hơn cách mạng vô sản ở chính quốc và giúp cho cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi. Mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới phải được thực hiện bằng sức mạnh đoàn kết, hợp tác, thực hiện sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế lại để đặt cơ sở cho một liên minh phương Đông, khối liên minh này sẽ là
“một trong những cái cánh của cách mạng vô sản” [40, tr.124]. Nhân dân các nước thuộc địa không nên và không thể trông chờ cách mạng vô sản thắng lợi ở chính quốc sẽ giải phóng cho mình, mà phải chủ động đứng lên làm cách mạng. Khi đó, thắng lợi của cách mạng thuộc địa sẽ làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc và trở thành sức mạnh cổ vũ, hỗ trợ mạnh mẽ cho cách mạng vô sản ở chính quốc.
Gắn cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc, Hồ Chí Minh đã tiến thêm một bước quan trọng, phát triển khẩu hiệu: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! bằng khẩu hiệu: “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại!” [39, tr.61] Đây là kết luận hết sức quan trọng, thể hiện sự độc lập sáng tạo trong tư duy lý luận của nhân dân về cách mạng giải phóng dân tộc. Nó làm sáng rõ hơn, bổ sung cho phong phú hơn, cụ thể hóa cho sinh động hơn lý luận về dân tộc, thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới.