Thực hiện cuộc khởi nghĩa dân tộc

Một phần của tài liệu Tư tưởng dân tộc cách mệnh của Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập tự do (Trang 75 - 83)

Đầu năm 1945, phát xít Đức đang ở bên bờ diệt vong, phát xít Nhật ở tình thế khốn quẫn. Đúng như nhận định của Đảng ta, mâu thuẫn Nhật Pháp ở Đông Dương ngày càng gay gắt đã dẫn đến cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp vào đêm 9-3-1945. Thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng. Nhật giữ nguyên bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương để phục vụ cho chúng, chỉ quét thêm một lớp sơn độc lập giả hiệu cho bọn bù nhìn Trần Trọng Kim. Ban thường vụ Trung ương Đảng quyết định triệu tập Hội nghị mở rộng vào tối 9- 3-1945. Hội nghị nhận định: sau cuộc đảo chính phát xít Nhật là kẻ thù chính, cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương. Khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp trước đây được thay bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật. Hội

nghị khẳng định những điều kiện cho tổng khởi nghĩa chưa thật chín muồi, dự kiến những cơ hội giúp cho cao trào cách mạng phát triển và thúc đẩy những điều kiện tổng khởi nghĩa chín muồi nhanh chóng. Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ và mục tiêu của cách mạng, Ban thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động và lãnh đạo cao trào chống Nhật, cứu nước, nhằm tập dượt quần chúng, cán bộ, đảng viên sẵn sàng để tiến lên tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện. Hội nghị chủ trương phát triển mạnh mẽ Mặt trận Việt Minh, lập Mặt trận dân chủ chống Nhật ở Đông Dương và sẵn sàng hưởng ứng quân Đồng Minh vào Đông Dương đánh Nhật.

Toàn bộ nội dung Hội nghị được tập trung phản ánh một cách cô đọng, chính xác trong bản chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Bản chỉ thị là một văn kiện quan trọng, đánh giá đúng tình hình thời cuộc, nói rõ những hiện tượng biểu hiện một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc; phân tích những nhân tố nói lên những điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi. Đồng thời dự kiến những trường hợp làm cho cuộc khởi nghĩa có thể nổ ra và giành thắng lợi như: quân Đồng Minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật; cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng nhân dân Nhật thành lập; giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, quân Nhật hoang mang mất tinh thần. Song dù sao vẫn không được ỷ lại vào người và tự bó tay mình trong khi tình thế biến chuyển thuận lợi.

Đặc biệt, chỉ thị đã thể hiện bước phát triển mới của Đảng về tư tưởng khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa. Chỉ thị cũng nhận định điều kiện tổng khởi nghĩa đã có nhưng chưa thật sự chín muồi vì Nhật chưa đến lúc hoang mang dao động đến cực điểm. Một bộ phận nhân dân chưa thấy hết bộ mặt thật của phát xít Nhật mà chán ngán, ngả theo cách mạng. Trừ các căn cứ, chiến khu ở Việt Bắc, còn nói chung toàn quốc, các đảng bộ chưa sẵn sàng khởi nghĩa. Nhận định này thể hiện tính trầm tĩnh toàn diện, khách quan,

không lấy riêng tình cảm cách mạng mà suy xét, không ép những điều kiện chưa chín muồi thành những điều kiện chín muồi để vội vàng ném đội tiên phong và quần chúng nhân dân vào trận quyết chiến chưa đúng lúc. Chỉ thị

Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết kịp thời và sáng tạo của Đảng, là sự phát triển và cụ thể hóa thêm một bước quan trọng Nghị quyết Trung ương 8 (5-1941). Nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng trong cao trào chống Nhật cứu nước dẫn tới thắng lợi trực tiếp của tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Thực tế lịch sử đến tháng 8-1945 Trung ương còn có Hội nghị toàn quốc của Đảng. Để triển khai nghị quyết của Hội nghị này đòi hỏi phải có một thời gian nhất định. Khởi nghĩa lại nổ ra đầu tháng 8-1945 ở nhiều địa phương. Đó là căn cứ vào chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.

Qua đây cũng cho chúng ta thấy một vấn đề có tính chất phương pháp luận: những chủ trương, đường lối của Đảng phải luôn luôn được bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình. Đường lối đổi mới hiện nay cũng phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, thường xuyên tổng kết và nghiên cứu lý luận, có những điều chỉnh, bổ sung và phát triển cần thiết về chủ trương, phương pháp, biện pháp, tìm và lựa chọn những giải pháp mới, linh hoạt, sáng tạo…chỉ có như vậy cách mạng mới giành được thắng lợi.

Nẵm vững phương hướng và biện pháp đúng đắn của bản chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, đồng thời triệt để phát huy thời cơ thuận lợi do cuộc đảo chính của Nhật đưa lại, Đảng đã phát động cao trào chống Nhật cứu nước trong cả nước. Phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần diễn ra rất sôi nổi ở vùng thượng du, trung du miền Bắc.

Thời kỳ ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp là thời kỳ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở các địa phương trước khi tổng khởi nghĩa giành

chính quyền trong cả nước. Sau khi cuộc đảo chính của phát xít Nhật diễn ra, kéo theo nó là tình trạng khủng hoảng chính trị ở Việt Nam, tạo ra những cơ hội tốt cho khởi nghĩa. Đảng chuẩn bị đón thời cơ bằng những hoạt động tích cực, khẩn trương song không đốt cháy giai đoạn, chính điều đó tạo nên cao trào chống Nhật ở giai đoạn tiền khởi nghĩa. Thực tế lịch sử đó làm sáng tỏ vấn đề quan trọng trong hành động cách mạng là muốn lợi dụng được thời cơ, phải trải qua những bước chuẩn bị cần thiết đúng mức. Không có những bước đi thích hợp đó sẽ không tạo nên sức mạnh quật khởi của tổng khởi nghĩa. Thực tế lịch sử thời kỳ này cũng cho thấy một điều rằng: mỗi bước phát triển và thắng lợi của cách mạng đều đồng thời cách mạng lại phải đứng trước nguy cơ, khó khăn thách thức cần phải vượt qua để giành thắng lợi lớn hơn. Bài học lịch sử có thể rút ra là: không chỉ nhận thức rõ thời cơ và thách thức mà điều quan trọng là hành động kịp thời và có hiệu quả để phát huy thuận lợi do thời cơ đem lại, khắc phục có hiệu quả nguy cơ và thách thức.

Chủ trương thực hiện khởi nghĩa từng phần trước khi tổng khởi nghĩa đã được Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) trên cơ sở phân tích phong trào cách mạng nước ta từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đặc biệt là từ kinh nghiệm của ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam kỳ, Đô Lương, Trung ương Đảng chủ trương sẽ thực hiện những cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương thắng lợi để mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn. Tư tưởng này đánh dấu bước phát triển nhận thức sáng tạo của Đảng về hình thái, bước đi giành chính quyền. Đây là một phát hiện xuất sắc của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp cách mạng. Nhưng từ đó đến cuối 1944, tư tưởng này chưa có điều kiện thực hiện, chỉ khi bước vào cao trào tiền khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần mới được thực hiện. Do hoạt động khởi nghĩa từng phần thắng lợi đưa lại, một khu vực lớn của các tỉnh Việt Bắc, miền Trung đã được giải phóng.

Cùng với phong trào khởi nghĩa từng phần, phong trào đấu tranh chính trị, xây dựng lực lượng chính trị và xây dựng lực lượng vũ trang cũng phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bằng nông thôn và các thành thị.

Một phong trào có ý nghĩa chính trị mang tính quần chúng rộng rãi, tác dụng to lớn là phong trào phá kho thóc của giặc Nhật. Sau khởi nghĩa từng phần thì đây là một phong trào nổi bật, có tác dụng động viên, lôi cuốn đông đảo nhân dân lên trận tuyến đấu tranh trong cao trào tiền khởi nghĩa.

Xuất phát từ lợi ích nhân dân, từ yêu cầu lịch sử, căn cứ vào chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Đảng ta kịp thời đề ra khẩu hiệu : “phá kho thóc, giải quyết nạn đói”; khẩu hiệu này được đưa ra đồng thời với khẩu hiệu khởi nghĩa từng phần và Đảng coi đây là một khâu chính để biến căm thù của nhân dân thành hành động cứu nước. Đáp ứng đúng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, giải quyết từng mâu thuẫn đang diễn ra gay gắt trong xã hội, chủ trương của Đảng đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Cuộc đấu tranh phá kho thóc, giải quyết nạn đói của quần chúng không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt mà thực ra nó mang nội dung chính trị rất sâu sắc. Phá kho thóc giải quyết nạn đói là hình thức thích hợp nhất lúc bấy giờ để phát động quần chúng, đưa hàng triệu quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến hình thức đấu tranh cao, từ đấu tranh cho quyền lợi kinh tế hàng ngày đến giác ngộ chính trị đánh đổ chính quyền của đế quốc, tay sai. Phá kho thóc giải quyết nạn đói là nghệ thuật phát động quần chúng của Đảng trong thời gian ngắn nhất động viên được đông đảo quần chúng, kể cả những người lừng chừng ít tham gia đời sống chính trị, tiến lên mặt trận cách mạng.

Để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, ngày 15-4-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ.

Sau khi phân tích tình hình thế giới và phong trào chống Nhật, cứu nước của nhân dân ta, Hội nghị nhận định, tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ.

Hội nghị quyết định phát triển lực lượng vũ trang, nửa vũ trang và thống nhất các lực lượng vũ trang sẵn có của Đảng thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu chống Nhật trong cả nước, cử ra Ủy ban quân sự cách mạng. Đây là cuộc Hội nghị quân sự đầu tiên của Đảng ta trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Nghị quyết của Hội nghị sau đó được Hồ Chí Minh góp ý kiến, đánh dấu một bước phát triển mới về tư tưởng quân sự của Đảng ta. Nó cụ thể hóa chủ trương của Ban thường vụ Trung ương Đảng trong chỉ thị ngày 12-3-1945. Nghị quyết này nhanh chóng đi vào cuộc sống và có tác dụng thiết thực.

Ngày 16-4-1945, xuất phát từ tình hình thực tế, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp và trong phạm vi cả nước lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Các Ủy ban dân tộc giải phóng làng, xã, nhà máy, huyện được thành lập ở nhiều nơi theo chỉ thị đó. Điều đó thể hiện ở nước ta lúc đó có hai chính quyền đấu tranh quyết liệt: chính quyền cách mạng của nhân dân ở nhiều địa phương, con đẻ của khởi nghĩa từng phần thắng lợi và chính quyền bù nhìn tay sai Nhật, đang giúp cho Nhật cướp bóc, đàn áp nhân dân.

Ngày 4-6-1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh đã quyết định thành lập Khu giải phóng và Uỷ ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.

Khu giải phóng chính thức được thành lập gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Tân Trào được chọn

làm Thủ đô lâm thời Khu giải phóng. Uỷ ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã được thành lập. Uỷ ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Chính sách chung của Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng dựa vào Nghị quyết Hội nghị cán bộ Việt Minh ngày 4-6-1945 gồm ba điểm chính sau:

1 - Tổng động viên nhân dân trong khu để kháng Nhật.

2 – Căn cứ vào điều kiện cụ thể và nhu cầu của cuộc kháng chiến mà thực hiện Chương trình Việt Minh. Kiến lập nền dân chủ cộng hoà và ban bố các quyền phổ thông đầu phiếu, tự do dân chủ, dân tộc tự quyết, nam nữ bình quyền. 3 - Cải thiện sinh hoạt cho nhân dân: bỏ sưu, bỏ thuế thân, vận động sinh sản v.v...

Căn cứ vào chính sách chung đó, Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng đã thực hiện kế hoạch củng cố Khu giải phóng về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hoá và xã hội v.v...

Hơn một triệu người trong Khu giải phóng bắt đầu được hưởng thành quả của cách mạng về các mặt chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội.

Ngày 1-7-1945 Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc kỳ ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào, các chiến sĩ cứu quốc, các tướng sĩ Việt Nam Giải phóng quân, loan báo việc chính quyền cách mạng đã được thành lập ở Khu giải phóng và một nước Việt Nam mới đang nảy nở. Lời kêu gọi có đoạn viết:

Chính quyền cách mạng địa phương đã thành lập. Những Uỷ ban nhân dân cách mạng, do các giới đồng bào trực tiếp cử lên, đang dùng những phương pháp cách mạng mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong Khu giải phóng, của cải của nhân dân được bảo đảm. Những tài sản của lũ giặc và của bọn Việt gian bị tịch thu để làm của chung dân tộc hay chia cho dân nghèo. Những quyền tự do dân chủ cốt yếu đã được thực hiện.

Các dân tộc bình đẳng tương trợ, gái trai ngang quyền. Nạn dân được cứu tế, trộm cướp bị trừng trị. Thuế khoá được bỏ hết, địa tô giảm nhẹ, ngày lao động được hạn chế. Anh em thanh niên nam nữ đua nhau học tập, vác súng ra trận. Giàu, nghèo, già trẻ đua nhau làm lụng, cày cấy tiếp tế cho bộ đội. Hơn một triệu đồng bào đã bắt đầu được hưởng hạnh phúc cách mạng. Một nước Việt Nam mới đang nảy nở. [6; tr.55]

Giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân ta đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, lực lượng cách mạng bao gồm cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã có một ưu thế rộng rãi ở cả nông thôn và đô thị. Khắp Bắc – Trung – Nam quần chúng nô nức vũ trang và hừng hực khí thế bước vào ngưỡng cửa của tổng khởi nghĩa thì giữa lúc đó Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Tin Nhật đầu hàng truyền đi khắp nước đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng lên cao chưa từng thấy trong các tầng lớp nhân dân, ở tất cả các địa phương. Mặt trận Việt Minh đã thu hút hàng triệu đội viên và hàng triệu người ủng hộ Việt Minh. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Khắp các tỉnh trong toàn quốc, những cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy vũ trang do Việt Minh tổ chức có hàng nghìn hàng vạn người tham gia diễn ra trước mắt quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn. Binh lính người Việt, lính bảo an và cảnh sát tỏ thái độ ủng hộ cách mạng. Quân đội Nhật tê liệt trước sức mạnh của làn sóng cách mạng dâng cao. Tình hình đó chứng tỏ tình thế cách mạng trực tiếp đã chín muồi. Đó cũng là lúc mà đội tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân và của toàn thể dân tộc là Đảng cộng sản Đông Dương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cuộc tổng khởi nghĩa. Trách nhiệm lịch sử của Đảng ta lúc ấy là lãnh đạo nhân dân nắm chắc thời cơ chiến lược, nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn tay sai, trước khi quân đội của đế quốc Anh và quân

đội của bọn phản động Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương để giải giáp quân đội phát xít Nhật.

Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, 23

Một phần của tài liệu Tư tưởng dân tộc cách mệnh của Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập tự do (Trang 75 - 83)