Chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng Tư sản dân quyền phản đế và điền địa bằng chiến lược giải phóng dân tộc

Một phần của tài liệu Tư tưởng dân tộc cách mệnh của Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập tự do (Trang 65 - 75)

và điền địa bằng chiến lược giải phóng dân tộc

Từ thực tiễn đấu tranh, với 10 năm trải qua hai cuộc diễn tập là cao trào 1930-1931 và cao trào 1936-1939, đến thời kỳ 1939-1945 Đảng ta đã có tiến bộ vượt bậc trong chỉ đạo giải quyết mối quan hệ giữa đánh đế quốc và đánh phong kiến đó là đặt nhiệm vụ đánh đế quốc và Việt gian tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất.

Để tập trung mũi nhọn đấu tranh vào đánh đổ đế quốc phát xít Nhật, Pháp và bè lũ tay sai. Thực hiện mục tiêu chủ yếu là giải phóng dân tộc, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Đảng đã khẩn trương tiến hành chuẩn bị lực lượng.

Trước hết là xây dựng lực lượng chính trị, cụ thể ở thời kỳ này là tổ chức xây dựng Mặt trận Việt Minh. Thấm nhuần và phát triển sáng tạo luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất mang tên Mặt trận Việt Minh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất, tạo nên sức mạnh vô địch và là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong những năm 1930-1935, hình thức Mặt trận của Đảng ta lựa chọn là Hội phản đế đồng minh. Thời kỳ 1936-1939 là Mặt trận dân chủ. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1945) quyết định một hình thức mặt trận mới thay Mặt trận dân chủ, đó là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh được thành lập theo chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng. Lúc này, Đảng đã xác định mục tiêu cụ thể trước mắt không còn là đấu tranh đòi những quyền lợi dân sinh, dân chủ đơn sơ mà là chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, đánh đổ đế quốc và tay sai, giành độc lập. “…Cho nên cái Mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực để hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại”[20; tr.122]. Với tôn chỉ: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”[20; tr.472]. Mặt trận Việt Minh đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chung của toàn dân tộc, là cơ sở quyết định quy tụ cả cộng đồng dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất, đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật – Pháp và bọn tay sai.

Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ tám (tháng 5 năm 1941) quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh.

Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm, là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa và những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, người già, tư sản, địa chủ, nhà buôn…v.v..Tinh thần cơ bản của chính sách ấy là: “Cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước.

1.Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập

2.Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”[20; tr.470].

Chương trình cứu nước của Việt Minh sau đó được đúc kết lại thành 10 chính sách lớn, được Hồ Chí Minh soạn thảo thành một bản diễn ca cho dễ hiểu, dễ nhớ và đưa ra thực hiện thí điểm ở khu giải phóng Việt Bắc và được Đại hội quốc dân Tân Trào thông qua 8/1945 và trở thành chính sách cơ bản sau này của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chương trình cứu nước của Việt Minh vừa giải quyết được yêu cầu độc lập dân tộc vừa chú ý tới quyền lợi của các giai cấp, các tầng lớp khác từ đó mà huy động được đông đảo nhân dân.

Về tổ chức, Mặt trận Việt Minh có một tổ chức rất phù hợp, rất linh hoạt, rất rộng rãi, giai cấp nào, tầng lớp nào cũng có một tổ chức phù hợp với giai cấp mình, tầng lớp mình với tên chung là: Hội cứu quốc.

Hoạt động của Mặt trận Việt Minh cũng rất phù hợp với trình độ và nhận thức của nhân dân. Được tổ chức từ thấp đến cao, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị. Trước khi phát triển rộng rãi, còn được tổ chức thí điểm ở Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình (Cao Bằng). Sau đó rút kinh nghiệm rồi được thông qua ở Hội nghị Trung ương 8 (5.1941), trở thành một chủ trương và được phát triển rất nhanh chóng, rất mạnh mẽ ở khắp Bắc – Trung – Nam. Chỉ tính từ cuối 1941 đến đầu 1942, các hội công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, đội tự vệ cứu quốc đã được thành lập ở nhiều tỉnh miền

Bắc, một số tỉnh miền Trung và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Mặt trận Việt Minh thực sự đã đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân. Uy tín của Mặt trận Việt Minh lên rất cao, nhân dân tin tưởng nghe theo và hết lòng bảo vệ. Mặt trận Việt Minh như là một tổ chức đại diện của Đảng, nói Việt Minh là nói tới Đảng, nghe theo Việt Minh là nghe theo Đảng.

Trong lịch sử nước ta từ 1930 và thậm chí theo chúng tôi kể cả sau này có lẽ chưa bao giờ có một tổ chức Mặt trận lại có uy tín như thế, kể cả những người nước ngoài, ngay cả những người Pháp, vốn mang nặng sự kỳ thị, thiên kiến cố hữu cũng đã thức tỉnh và khâm phục Việt Minh. Hai giáo sư người Pháp của trường Albert Sarraut ở Hà Nội là Mô-ri-xơ và Y-von Bec-na (Maurice va YvonBernard) sau khi được Việt Minh giải thoát khỏi trại giam của phát xít Nhật ở Tam Đảo vào ngày 16-7-1945 đã viết: “Bức thư gửi những người bạn ở Hà Nội” ghi nhận Việt Minh là những người đáng kính trọng và hoàn toàn khiêm tốn, bởi vì: “Đó là những lực lượng có sức sống mạnh mẽ nhất của một đất nước đầy năng lực và sinh lực dồi dào” và khẳng định: “Chúng tôi không thể nghi ngờ gì về sự hoàn hảo của một tổ chức đã đạt tới mức thần kỳ”[74; tr.2].

Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc phải có Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, không phải chỉ tập hợp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc mà cả địa chủ yêu nước, nhân sĩ dân chủ, thân hào tiến bộ. Các hội thành viên của mặt trận đều mang cái tên có sức lay động mạnh mẽ tình cảm yêu nước: các Hội cứu quốc.

Cũng có thể nói rằng: tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh được nêu trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt đến lúc này mới có điều kiện trở thành hiện thực. Mặt trận Việt Minh là hình ảnh của khối đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nó sẽ phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết của ông cha ta, góp phần cùng toàn Đảng thực hiện

thắng lợi nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và vua quan phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong chỉ đạo giải quyết mối quan hệ giữa đánh đế quốc và đánh phong kiến thời kỳ 1939-1945 cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, Đảng còn tích cực tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang kết hợp đúng đắn giữa xây dựng lực lượng chính trị và xây dựng lực lượng vũ trang.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã khẳng định: cách mạng Việt Nam phải tiến hành bằng phương pháp cách mạng bạo lực với hai hình thức là đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng.

Ngay từ rất sớm, Đảng, Bác đã quan tâm đến vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, ngay trong Chánh cương vắt tắt, Đảng ta đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là: “tổ chức ra quân đội công nông”. Từ kinh nghiệm nóng hổi của phong trào cách mạng quần chúng đang diễn ra, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (10- 1930) đề ra tổ chức các đội tự vệ của công nhân, nông dân và chỉ rõ phải thành lập ra bộ phận chuyên trách quân sự trong Đảng để giúp cho các công hội, nông hội tổ chức lực lượng tự vệ của công nông, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang của quần chúng sau này. Trong Thông cáo cho xứ ủy (1-1931). Ban thường vụ Trung ương Đảng chỉ rõ “các đảng bộ phải góp sức với công, nông hội mà ra sức hô hào cổ động rộng rãi trong quần chúng ý nghĩa và lợi ích của đội tự vệ…phải làm sao cho mỗi nhà máy, mỗi làng đều có một đội tự vệ”[16; tr.7]. Bản Nghị quyết về đội tự vệ (1935) đề khẩu hiệu: “Không có một sản nghiệp nào, một làng nào có cơ sở của Đảng, của đoàn, của các hội quần chúng mà không có tổ chức đội tự vệ” và chỉ rõ: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức

là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến tranh vũ trang bạo động”[14; tr.569-570].

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (11-1939) chủ trương thành lập các đội tự vệ chiến đấu: “Đội tự vệ phải to, rộng, đủ dũng cảm và điềm tĩnh, khôn khéo và hy sinh bảo vệ quần chúng”[19; tr.553]. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11-1940) chỉ rõ: “Mặt trận phải trực tiếp võ trang cho dân chúng cùng Đảng tổ chức nhân dân cách mạng quân trực tiếp tham gia điều khiển bạo động”[20; tr.81]. Tháng 3-1940, xứ ủy Nam kỳ vạch rõ: để chuẩn bị bạo động, trước mặt là tổ chức đội tự vệ và du kích ở các địa phương. Đến tháng 7-1940 tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố các tỉnh Nam Kỳ, ngoài tổ chức tự vệ đã hình thành các tổ, tiểu tổ du kích. Ở vùng nông thôn, nhiều xã tổ chức được từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Biên chế ba người thành một tổ, ba tổ thành một tiểu đội, ba tiểu đội thành một trung đội, trang bị thô sơ, tiến hành huấn luyện quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa.

Từ trong lực lượng tự vệ cứu quốc hết sức rộng rãi ấy lại thành lập các đội tự vệ chiến đấu làm hạt nhân, được tổ chức chặt chẽ hơn, trang bị đầy đủ hơn và luyện tập nhiều hơn. Tại những nơi có phong trào Việt Minh và lực lượng tự vệ phát triển mạnh, nhất là ở hai trung tâm cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn – Võ Nhai đã hình thành và phát triển các đội du kích thoát ly. Đó là lực lượng vũ trang tập trung làm nòng cốt cho phong trào du kích, cho việc xây dựng và bảo vệ các khu căn cứ tại các tỉnh, các huyện.

Trong điều kiện phong trào cách mạng nói chung và khu căn cứ Cao - Bắc- Lạng nói riêng đang trên đà phát triển mạnh, trên cơ sở các lực lượng tự vệ, du kích các địa phương Cao – Bắc - Lạng đã trưởng thành lực lượng chủ lực làm nòng cốt đã làm nên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Việc thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không chỉ là một sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào cách mạng ở vùng căn cứ Cao - Bắc - Lạng mà còn là một sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không chỉ là đội quân vũ trang tập trung chủ lực đầu tiên ở vùng căn cứ Cao - Bắc - Lạng mà còn là đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng cả nước. Với sự ra đời của đội quân chủ lực này, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân đã được manh nha:

1. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực. 2. Các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, các châu, các huyện và các đội quân địa phương

3. Các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố - lực lượng bán vũ trang địa phương.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, khi thời cơ phát động khởi nghĩa từng phần, bản chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Hội nghị Ban thường vụ Trung ương (12-3-1945) đề ra phải gấp rút tổ chức thêm nhiều “bộ đội du kích và tiểu tổ du kích”, thành lập “Việt Nam giải phóng quân”. [20; tr.371].

Thời kỳ 1939-1945 đã hình thành lực lượng vũ trang kiểu mới, tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân ta ngày nay, lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quá trình chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang của thời kỳ này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, đặt cơ sở cho việc hình thành nên lý luận quân sự Việt Nam. Đó là: Xác lập và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang cách mạng; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng mang tính chất nhân dân, dân tộc và mang bản chất giai cấp công nhân; xây dựng lực

lượng vũ trang một cách toàn diện, coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đồng thời không ngừng tăng cường trang bị và huấn luyện quân sự. Đây là ba nguyên tắc cơ bản mà Đảng ta luôn nắm vững, làm cho lực lượng vũ trang ta trở thành một lực lượng vô địch, ngày càng lớn mạnh và góp phần quan trọng đưa sự nghiệp vũ trang của toàn dân đến thắng lợi huy hoàng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, để tập trung cho nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc thời kỳ 1939-1945, Đảng còn chủ trương xây dựng các vùng căn cứ địa cách mạng.

Trên cơ sở kế thừa truyền thống của dân tộc, Đảng ta cho rằng: căn cứ địa là chỗ đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo, cho các lực lượng chính trị quân sự, khi thuận lợi có thể tiến công, khi khó khăn có thể rút lui. Đó là nơi có địa thế hiểm yếu để “lai vô ảnh, khứ vô hình”. Đó là nơi có dân chúng cảm tình ủng hộ, nuôi dưỡng, che dấu, là nơi có kinh tế tự cấp tự túc và có khả năng giao lưu tiếp tế được, tránh bị địch bao vây, tiêu diệt về kinh tế, là nơi truyền thống văn hóa dân tộc, cơ bản là có lòng yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, có lòng vị tha và tinh thần hy sinh cứu nước…Việc xây dựng các vùng căn cứ du kích phải gắn liền với việc giành chính quyền và xây dựng chính quyền cách mạng ở địa phương. Có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và trở thành quân chính qui. Khi cách mạng chuyển lên cao trào và chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa thì những căn cứ địa ấy chính là những bàn đạp bảo đảm cho việc tổng khởi nghĩa thắng lợi.

Từ quan điểm trên, trong suốt thời gian đấu tranh từ 1940-1945 Đảng ta tập trung mọi cố gắng vào việc xây dựng và củng cố căn cứ địa cách mạng.

Một phần của tài liệu Tư tưởng dân tộc cách mệnh của Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập tự do (Trang 65 - 75)