5. Cấu trúc Luận văn
3.1.1 Chiều hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
Mười sáu năm qua quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã và đang tạo dựng nền tảng vững chắc và rõ ràng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, giáo dục… do đó để đánh giá triển vọng về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cần dựa trên sự phân tích theo hướng vận động của các nhân tố chi phối chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nhân tố tác động có thể chia thành hai nhóm:
- Nhân tố khách quan: bao gồm bối cảnh thế giới và tình hình Châu Á – Thái Bình Dương.
- Nhân tố chủ quan: là các tính toán lợi ích của Hoa Kỳ và của Việt Nam trong quan hệ hai nước.
Về nhân tố khách quan: bối cảnh quốc tế đang có những chiều hướng thuận lợi cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Hiện tại cũng như tương lai, xu thế hoà bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Phát triển kinh tế vẫn tiếp tục là ưu tiên của các quốc gia, mặt khác sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, EU sẽ là những thách thức đối với Hoa Kỳ.
Đối với Hoa Kỳ, chính sách với Việt Nam nằm trong tổng thể chính sách Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời có tính đến những đặc điểm địa chính trị thuận lợi của Việt Nam trong khu vực.
“Ngày 8/2/2011 Hoa Kỳ đã chính thức công bố văn kiện về Chiến lược An ninh Quốc gia 2011 với mục đích đưa sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ thích
ứng với những thách thức, diễn biến nhanh chóng, năng động trong tương lai. Chiến lược này thúc đẩy 3 chủ đề chính:
1. Xác định những lợi ích quốc gia và mục tiêu quân sự lâu dài. Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết mục tiêu quân sự quốc gia bao gồm:
- Chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực
- Ngăn chặn và đánh bại các hành động gây hấn
- Tăng cường an ninh quốc tế và khu vực
- Định hình lực lượng tương lai
2. Mở rộng quan hệ an ninh đồng minh, đối tác đa dạng. Trong đó đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ xác định “… Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ởĐông Bắc Á như trong nhiều thập kỷ. Nhưng Hoa Kỳ cũng sẽ đầu tư hơn nữa sự chú ý vào Đông Nam Á và Nam Á, các tổ chức như ASEAN và các diễn đàn đa phương khác nhằm duy trì một sự hiện diện bền vững, đa dạng và sự tiếp cận đầy đủ trong các hoạt động của khu vực. Hoa Kỳ cũng tìm kiếm mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc nhằm mở rộng các khu vực lợi ích và sử dụng
ảnh hưởng của nước này với Bắc Triều Tiên.”
3. Sự chuẩn bị khả năng và tính sẵn sàng cho quân đội Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh”. [85, tr.66]
Về nhân tố chủ quan: Trong bối cảnh hiện nay, Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố và sự nổi lên của nhân tố Trung Quốc, Hoa Kỳ mong muốn tìm kiếm hơn nữa sự hợp tác của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Một nước Việt Nam ổn định và phát triển cũng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Việc phát triển quan hệ với Việt Nam sẽ đem lại cho Hoa Kỳ các lợi ích chính
trị, chiến lược, kinh tế đáng kể. Là một siêu cường với những lợi ích toàn cầu, Hoa Kỳ luôn nhìn quan hệ với Việt Nam từ góc độ lợi ích chiến lược.
Tháng 11/2011, APEC 2011 - Hội nghị cấp cao lần thứ 19 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Honolulu, Hawaii – Hoa Kỳ với mục tiêu định hình kiến trúc tương lai của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực lên một tầm cao mới. Với chủ đề: “21 nền kinh tế cho thế kỷ 21 - Chương trình nghị sự về tăng trưởng và tạo ra việc làm”, Ngoại trưởng Hilary Clinton khẳng định tại Hội nghị "Cũng như cách mà Hoa Kỳ đã đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành nên cấu trúc trên khắp Đại Tây Dương – và để đảm bảo rằng nó hiệu quả cho chúng tôi và tất cả mọi người – chúng tôi giờ đây triển khai điều tương tự với Thái Bình Dương.” Chiến lược này của Hoa Kỳ dựa trên 6 trụ cột: i) Tăng cường các quan hệ đồng minh song phương; ii) Tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi (trong đó có các nước ASEAN và Trung Quốc); iii) Tăng cường can dự tại các thể chế khu vực (ASEAN, ARF…); iv) Mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực; v) Tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực; vi) Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. “Tuyên bố Honollu - hướng tới một nền kinh tế khu vực” đã được các lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thông qua ngày 14/11/2011 trong đó thống nhất giảm thuế hải quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. [117]
Như vậy có thể thấy Chính quyền B.Obama tiếp tục theo đuổi mục tiêu: (i) Tăng cường vị thế, ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng; (ii) Ngăn các nước lớn khác giành ảnh hưởng và đe doạ lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực.