Chiều hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những năm đầu thế kỷ XXI d.PDF (Trang 89 - 92)

5. Cấu trúc Luận văn

3.1.2 Chiều hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam

Về tình hình thế giới những năm tới, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/2011) nêu dự báo: “Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe doạ an ninh, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường … còn tiếp tục gia tăng.

Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế. Toàn cầu hoá và cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn; chủ nghĩa bảo hộ phát triển dưới nhiều hình thức; cơ cấu lại thể chế, các ngành, lĩnh vực kinh tế diễn ra mạnh mẽ ở các nước; tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn có quan hệ ảnh hưởng nhiều với nước ta, có nhiều thay đổi. Cạnh tranh về kinh tế - thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao … giữa các nước ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội tiếp tục phát triển.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây

mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới. ASEAN tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực”. [10, tr.184]

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình,

độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. [10, tr.235 - 236] Căn cứ vào các cơ sở lợi ích và chính sách nêu trên cho thấy, việc phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là nhu cầu chung của cả hai bên. Hoa Kỳ có lợi ích khi quan hệ với một nước Việt Nam phát triển ổn định, độc lập, mở cửa và hội nhập khu vực và thế giới. Việt Nam có quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ sẽ có lợi trên nhiều mặt, trong đó có cả chống khủng bố và bảo đảm ổn định, an ninh trong khu vực. Việt Nam tiếp tục coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược. Việt Nam cần mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ, ngược lại Hoa Kỳ cũng coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Những phát triển trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không tách khỏi bối cảnh thuận lợi trong khu vực và quốc tế. Hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là dòng chảy chính tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên của các tổ chức và

diễn đàn hợp tác đa phương trong khu vực như APEC, ARF, ASEM… Bối cảnh khu vực có nhiều thuận lợi nhưng để đẩy nhanh quan hệ hai nước, cần nỗ lực của cả hai bên.

Trên thực tế, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, và là nền tảng để đi tới một dạng quan hệ hợp tác cao hơn. Ngày 17/6/2011 Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ tư đã được tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ để thảo luận các vấn đề an ninh song phương và khu vực. Hai bên cũng thảo luận việc nâng tầm quan hệ song phương hướng tới quan hệ đối tác chiến lược, một chủ đề về quan hệ đã được tái khẳng định trong chuyến thăm của Ngoại trưởng H.Clinton tại Việt Nam vào tháng 10/2010. [57] Trong Tuyên bố nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/2011) Ngoại trưởng Hoa Kỳ H.Clinton viết: "Mối quan hệ của chúng ta (Hoa Kỳ và Việt Nam) dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau cam kết tăng cường ổn định và thịnh vượng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là bạn và đối tác của Việt Nam khi chúng ta cùng tạo ra một tương lai mới cho sự hợp tác của khu vực và toàn cầu để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức đặt ra đối với chúng ta”. [89] Tại Hội nghị APEC 19 (tháng 11/2011), Chủ tịch nước Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hai bên cùng mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. [117] Để tiến trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng lòng tin giữa hai nước. Hai bên cần có sự tin cậy lẫn nhau, tiến hành trao đổi thẳng thắn về nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hợp tác quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những năm đầu thế kỷ XXI d.PDF (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)