Các nhân tố bên trong ngân hàng thương mại ảnh hưởng đến công tác xếp hạng tín dụng doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại đó là: lựa chọn hệ thống chỉ tiêu đánh giá, phương pháp xếp hạng tín dụng, mục đích xếp hạng tín dụng mà ngân hàng thương mại theo đuổi, quy mô tín dụng, năng lực của người thực hiện xếp hạng…
1.3.1.1. Hệ thống chỉ tiêu xếp hạng tín dụng
Hệ thống chỉ tiêu xếp hạng tín dụng có ảnh hưởng đến chi phí, thời gian và chiều sâu các đặc tính rủi ro của doanh nghiệp vay vốn mà ngân hàng muốn phản ánh. Trong xây dựng và lựa chọn hệ thống chỉ tiêu xếp
hạng, các ngân hàng luôn đứng trước việc cân nhắc giữa chi phí về thời gian, nguồn lực, nguồn số liệu với mức độ ảnh hưởng của các chỉ tiêu này đối với kết quả xếp hạng tín dụng.
1.3.1.2. Phương pháp và các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng tín dụng
Một ngân hàng thương mại có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các phương pháp xếp hạng tín dụng phù hợp với hệ thống các chỉ tiêu xếp hạng tín dụng. Ví dụ: đối với các chỉ tiêu tài chính, ngân hàng có thể lựa chọn phương pháp cho điểm theo tiêu chuẩn kết hợp phương pháp so sánh; đối với các chỉ tiêu phi tài chính, có thể lựa chọn phương pháp cho điểm theo tiêu chuẩn kết hợp phương pháp chuyên gia. Việc áp dụng các phương pháp khác nhau có thể dẫn tới kết quả đánh giá, xếp hạng khác nhau.
Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng tín dụng cũng phụ thuộc vào các tiêu chuẩn đánh giá. Nếu các tiêu chuẩn đánh giá càng rõ ràng, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì kết quả xếp hạng tín dụng càng chính xác, có khả năng so sánh cao. Khi xác định các tiêu chuẩn đánh giá, các ngân hàng cũng nên cân nhắc mức độ hợp lý giữa các tiêu chuẩn đánh giá và mục đích sử dụng kết quả xếp hạng tín dụng mà ngân hàng theo đuổi.
1.3.1.3. Mục đích của công tác xếp hạng tín dụng
Công tác xếp hạng tín dụng khách hàng của ngân hàng nhằm thực hiện nhiều mục đích khác nhau. Có thể chia thành 2 mảng chính là phân tích tín dụng và quản lý tín dụng.
- Mục đích sử dụng cho phân tích tín dụng bao gồm: báo cáo về cơ cấu rủi ro theo danh mục cho vay, trích lập dự phòng rủi ro khi cho vay, phân bổ danh mục cho vay, định giá sản phẩm.
- Mục đích sử dụng cho quản lý tín dụng bao gồm: xác lập các điều kiện quản lý rủi ro trước khi cho vay (điều kiện về lãi suất, tài sản bảo đảm,
vốn tự có tham gia dự án…), xác lập các điều kiện quản lý sau khi cho vay (phương thức cho vay, tần suất kiểm tra khách hàng, các yêu cầu về báo cáo bổ sung…).
Mục đích sử dụng kết quả xếp hạng tín dụng sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn hệ thống chỉ tiêu xếp hạng cũng như số lượng các thứ hạng. Kinh nghiệm cho thấy, các ngân hàng chú trọng mục đích phân tích tín dụng thường chi tiết hóa hệ thống chỉ tiêu và số lượng thứ hạng (thường trên 6 hạng) còn các ngân hàng theo đuổi mục đích quản lý tín dụng thường sử dụng số lượng thứ hạng ít hơn (thường dưới 5 hạng).
1.3.1.4. Quy mô tín dụng của ngân hàng
Quy mô tín dụng của ngân hàng có ảnh hưởng rõ đến công tác xếp hạng tín dụng khách hàng tại ngân hàng đó. Các ngân hàng có quy mô tín dụng lớn gồm: doanh nghiệp vay vốn có quy mô lớn, giá trị các khoản vay cao; mạng lưới hoạt động của ngân hàng rộng khắp. Các ngân hàng có quy mô tín dụng lớn thì mức độ yêu cầu và đòi hỏi về xếp hạng tín dụng khác với các ngân hàng có quy mô nhỏ. Đối với các khách hàng có quy mô lớn, nguồn thông tin mà ngân hàng có khả năng tiếp cận cũng nhiều hơn đối với các khách hàng có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, yêu cầu về bảo đảm tiền vay của các khách hàng quy mô lớn thường có phần ít hơn so với các khách hàng có quy mô nhỏ. Chính từ các đặc điểm như đã nêu trên, mức độ chi tiết và mức độ cập nhật về mức xếp hạng tín dụng doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng có quy mô lớn thường đòi hỏi chi tiết hơn. Đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ với thì thường cho vay phải có bảo đảm bằng tài sản nên yêu cầu về xếp hạng tín dụng cũng thường đơn giản hơn, mang tính tương đối và không đòi hỏi quá chi tiết.
1.3.1.5. Năng lực của người thực hiện xếp hạng tín dụng
Nhân tố con người luôn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác xếp hạng tín dụng. Một hệ thống chỉ tiêu đánh giá dù tốt đến đâu cũng chỉ phản
ánh được những nội dung cơ bản cho phần lớn các trường hợp xếp hạng tín dụng khách hàng vay vốn. Đó là công cụ để người phân tích sử dụng để đánh giá xếp hạng doanh nghiệp. Trong quá trình thao tác thực tế, người thực hiện công tác xếp hạng tín dụng phải hiểu được bản chất của vấn đề phân tích và nhận biết được tình huống trong từng điều kiện cụ thể, không máy móc áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá.