Trên thực tế còn xảy ra tình trạng một số cán bộ khi thực thi nhiệm vụ thiếu khả năng thuyết phục quần chúng hoặc có biểu hiện chưa đúng mực gây ức chế cho người dân, dẫn đến một số vụ chống người thi hành công vụ. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tác phong làm việc của đội ngũ công vụ, trên thực tế, một phần không nhỏ nguyên nhân dẫn đến những hành vi chống người thi hành công vụ có lỗi xuất phát từ chính những người thực thi pháp luật. Thái độ của họ lúc làm việc với người dân rất hách dịch, cửa quyền, đã thế còn không liêm minh, “chí công vô tư”, thậm chí có những trường hợp còn lợi dụng công vụ, quyền hạn để trục lợi… . Qua quan sát thực tiễn cuộc sống và những phản ánh của người dân, hiện nay có một bộ phận không nhỏ những người thi hành công vụ, mà cụ thể là lực lượng Công an giao thông, các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự còn không chấp hành pháp luật, hay nói cách khác những người thi hành công vụ tự bao che, phớt lờ hành vi vi phạm của người trong ngành. Trên mặt trận an toàn giao thông, có khá nhiều người mặc quân phục công an, cảnh sát ngang nhiên vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm ngay trước mặt lực lượng thi hành công vụ hoặc khi vi phạm chỉ cần đưa “thẻ ngành” là mọi chuyện lại ổn thỏa. Chính những người thực thi pháp luật còn không tôn trọng pháp luật, tuân thủ những quy định mà họ buộc người dân phải tuân thủ thì làm sao họ có thể có tiếng nói trước người dân, làm sao người dân tin tưởng và chấp hành theo mệnh lệnh của họ.
Những vấn nạn ấy đã tạo ra một cái nhìn phản cảm về người thi hành công vụ trong một bộ phận người dân, khiến họ không tôn trọng, không tin tưởng và không phục những người thi hành công vụ, từ đó tạo tiền đề cho những hành vi chống đối. Điển hình như vụ án “Chống người thi hành công vụ” và “Giết người” của gia đình ông Đoàn Văn Vương ở Tiên Lãng, Hải Phòng liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống của các nhà lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã dấn đến hành vi chống người thi hành công vụ và tội danh “Giết người” đối với những người nông dân vì không được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nên họ buộc phải có những hành vi sai phạm. Vụ án trên gây rất nhiều tranh cãi trong dự luận, đa số đều bất bình với những sai phạm của Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng và cách xét xử, định tội danh và khung hình phạt mà Toàn Án nhân dân Hải Phòng đưa ra. Phía sau một vài sai phạm của người dân, là một thực trạng đáng lên án về hàng loạt sai phạm của những người thi hành công vụ, những người được giao nhiệm vụ phục vụ lợi ích của nhân dân.
Việc xử lý nghiêm minh, triệt để, những sai phạm bắt nguồn từ đội ngũ những người thi hành công vụ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đấu tranh phòng chống Tội chống người thi hành công vụ nói riêng và những tội phạm khác nói chung. Các nhà làm luật cần ban hành một văn bản pháp luật, quy định và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về những hành vi sẽ bị xử lý của những người thi hành công vụ nếu họ làm sai, làm quá, làm trái, hoặc lợi dụng công vụ để thực hiện với những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi vi phạm của người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện công vụ của mình đối với người dân phải xử lý thật nghiêm minh, với mức hình phạt gấp đôi những hành vi vi phạm của người dân đối với lực lượng thi hành công vụ.
Bên cạnh đó việc tổ chức đào tạo, bồ dưỡng nâng cao trình độ chính trị, pháp luật và năng lực quản lý xã hội cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hợp tình hợp lý cho đội ngũ thi hành công vụ cần được chú trọng. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao cũng như để bảo vệ danh dự, sức khỏe và tính mạng của bản thân mình, những người thi hành công vụ phải là những người đầu tiên nắm vững công việc, hiểu rõ và vận dụng chính xác những quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Hiện nay pháp luật cũng đã có những quy định cho phép người thi hành công vụ sử dụng các biện pháp mạnh, cho phép nổ súng vào những đối tượng nguy hiểm “sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác” (Pháp lệnh mang số 16/2011/UBTVQH12 của Quốc Hội về vấn đề Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ), điều quan trọng là lực lượng lực thi hành công vụ cần phải nắm chắc các quy định này để áp dụng chuẩn xác trong khi thi hành công vụ. Còn nếu như chính người thi hành công vụ, không nắm rõ pháp luật, không biết cách sử dụng những quyền lợi mà luật pháp trao cho mình, không am hiểu về pháp luật thì các văn bản, nghị định ban hành chỉ là những “tờ giấy” mà thôi. Vấn đề quan trọng ở đây, không phải là có bao nhiêu văn bản hướng dẫn, hướng dẫn thi hành như thế nào? Mà quan trọng là lực lượng thi hành công vụ “hiểu” và nắm vững như thế nào về những văn bản ấy.
Chính vì vậy đội ngũ thi hành công vụ phải nắm thật rõ những quy định của pháp luật để áp dụng một cách khoa học và triệt để đối với những hành vi vi phạm, tránh bỏ lọt tội phạm đồng thời việc am hiểm pháp luật sẽ là biện pháp hỗ trợ đắc lực nhất để những người thi hành công vụ tự bảo vệ bản thân cũng như đồng nghiệp trước những đối tượng hung hãn, sử dụng vũ khí, dùng vũ lực nhằm gây thương tích hoặc tước đoạt tính mạng của họ trong quá trình thi hành công vụ.
Quá trình xử lý các vụ việc vi phạm phải bình tĩnh, tránh bị kích động, hiểu được tâm lý của người vi phạm để đưa ra cách giải quyết phù hợp và đúng với những quy định của pháp luật. Tuy nhiên đối với những trường hợp mà tội phạm có hành vi chống đối nghiêm trọng thì phải chiến đấu anh dũng, mưu trí và chủ động phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Tác phong làm việc phải nghiêm túc, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết, hợp với lòng dân để từ đó tạo sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân, được nhân dân ủng hộ tạo sức mạnh uy hiếp bọn tội phạm.