Giải pháp về hành lang pháp lý

Một phần của tài liệu Vấn đề xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình của đài phát thanh và truyền hình hà nội (Trang 76 - 80)

Có thể nói, việc xã hội hoá truyền hình ở Việt Nam đang tiến triển khá tốt tuy nhiên, trong những bước đi chập chững này, ranh giới của sự thành bại cũng rất mong manh. Truyền thông là công cụ đắc lực chi phối và có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế; văn hoá, xã hội. Được coi là “ông vua” của các thể loại báo chí, bởi vậy, truyền hình còn có uy lực rất lớn trong việc tuyên truyền về một vấn đề nào đó. Đồng thời, doanh thu quảng cáo hàng ngàn tỷ đồng trong một năm cũng là món lời không nhỏ để các nhà đầu tư nhạy bén nghệ đến việc tung vốn lên sóng truyền hình.

Để cho ra đời một kênh truyền hình xã hội hóa, công ty truyền thông tư nhân cần phải có đủ vốn xây dựng kênh (khá lớn) trong thời gian 2 năm để khán giả biết đến và phải có nghề làm kênh. Nhưng điều đáng quan tâm nhất chính là sự bền vững về mặt pháp lý đối với kênh truyền hình xã hội hóa và việc cụ thể hóa những tiêu chí trong sản xuất chương trình như: Những điều cấm, những quy định về thuần phong mỹ tục, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến văn hóa phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, quy định về sản xuất các chương trình, thời lượng quảng cáo, chất lượng chương trình . . . Đặc biệt là cần sớm có chế tài cho việc bán sóng truyền hình hay hợp tác sản xuất chương trình để tránh tình trạng thương mại hoá truyền hình - hay thực chất là “đầu nậu” giống như các báo, các nhà xuất bản xin giấy phép ra phụ trương rồi bán giấy phép này cho các công ty tư nhân. Tạo ra môi trường truyền hình có tổ chức, có hướng dẫn trên cơ sở luật pháp.

Trước tháng 5-2009 gần như không có văn bản pháp luật nào điều chỉnh, cho phép các hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực truyền hình. Lâu nay, việc hợp tác đầu tư như vậy thường được hiểu như là một phần chủ trương khuyến khích xã hội hóa của Nhà nước. Thế nhưng, nếu nghiên cứu kỹ tinh thần của các văn bản quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa, từ Nghị quyết số 90- CP ngày 21-8-1997 đến các Nghị định 73/1999/NĐ-CP, 53/2006/NĐ-CP và mới

nhất là Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ đều thấy rằng truyền hình không thuộc diện được Nhà nước khuyến khích xã hội hóa.

Tuy nhiên, phong trào hợp tác đầu tư vốn trong lĩnh vực truyền hình thời gian qua vẫn rộ lên rất mạnh, điều đó cho thấy nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực truyền hình rất cao trong khi “cung” pháp lý đã không đáp ứng kịp.

Phong trào xã hội hóa lĩnh vực truyền hình đã được “cứu nguy” bằng Thông tư 19/2009/TT-BTTTT ngày 28-5-2009 của Bộ Thông tin Truyền thông. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên tạo cơ sở pháp lý, đồng thời chấm dứt một thời kỳ hợp tác đầu tư “công-tư” theo kiểu “tranh tối tranh sáng” trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam. Các đài truyền hình thở phào. Hơn nữa, văn bản này tỏ ra cởi mở khi cho phép các doanh nghiệp “có tư cách pháp nhân và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam” được hợp tác với đài truyền hình để sản xuất không chỉ một phần mà toàn bộ kênh chương trình truyền hình, áp dụng không chỉ truyền hình trả tiền mà cả với truyền hình không trả tiền, phạm vi điều chỉnh không chỉ truyền hình mà cả với lĩnh vực phát thanh. Đài truyền hình muốn thực hiện hợp tác chỉ cần làm thủ tục đăng ký hoặc thông báo với Bộ Thông tin Truyền thông.

Trong khi đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. Cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư 19/2009/TT-BTTTT là Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ- CP hướng dẫn chi tiết Luật Báo chí . Tuy nhiên, pháp luật về báo chí hiện chỉ mới cho phép cơ quan báo chí được “tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực in ấn, chế bản, phát hành sách, quảng cáo, quay phim, nhiếp ảnh và kinh doanh vật tư thiết bị liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ báo chí để tạo nguồn thu đầu tư trở lại cho sự nghiệp phát triển báo chí” (khoản 2, điều 7, Nghị định 51/2002/NĐ-CP).

Như vậy, hợp tác để sản xuất chương trình truyền hình có thuộc diện được phép nói trên? Theo các ý kiến, vấn đề này cần được điều chỉnh bởi một văn bản

luật có giá trị pháp lý cao hơn, tốt nhất là bổ sung, đưa vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi hiện đang lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, nội dung Thông tư 19/2009/TT-BTTTT vẫn còn một số điểm cần làm rõ. Chẳng hạn, doanh nghiệp “có tư cách pháp nhân và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam” được hợp tác với đài truyền hình có bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Theo quy định của Luật Đầu tư, văn hóa, thông tin, báo chí… là những lĩnh vực đầu tư có điều kiện và nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia.

Trong khi đó, theo cam kết của Việt Nam với WTO, lĩnh vực nghe nhìn (sản xuất, phát hành và chiếu các chương trình truyền hình, tác phẩm điện ảnh) vẫn chưa được mở cửa và nếu mở thì chỉ ở mức độ các hiệp định song phương nhằm thúc đẩy văn hóa giữa hai nước, đồng thời thuộc danh mục được phép miễn trừ đối xử tối huệ quốc (không áp dụng cho các thành viên khác thuộc WTO). Thực tế, hiện nay chỉ mới có một doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực truyền hình là Tập đoàn Canal (Pháp). Vậy liên doanh này được thành lập trên cơ sở nào? “Tất cả những vấn đề này cần được quy định cụ thể và minh bạch” .

Tuy nhiên, với những nhận định tính đúng đắn của hướng đi này, chủ trương xã hội hóa truyền hình được Nhà nước ta hoàn toàn khuyến khích. Thông tư ra đời ngày 28/05/2009, chưa phải là một khoảng thời gian dài, nhưng cũng đã đủ để nhìn lại, để có thể đánh giá bước đầu về những gì đã làm được, khi văn bản từ con chữ trên giấy đi vào thực tế cuộc sống.

Điều 10, Chương II của Thông tư đã quy định về quyền và nghĩa vụ của đài như sau: “Tổng Giám đốc, Giám đốc đài phát thanh - truyền hình có hoạt động liên kết phải chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung các sản phẩm liên kết và hoạt động khai thác sản phẩm liên kết theo quy định của pháp luật về báo chí”. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch, qui định đơn vị báo chí - đài truyền hình

phải chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung chương trình, bất kể họ liên kết với ai, sản xuất những nội dung gì.

Chủ trương chung là khuyến khích, nhưng quá trình xem xét, cân nhắc những điều kiện cần và đủ để cho ra đời một kênh truyền hình trả tiền mới phải vô cùng chặt chẽ và nghiêm túc. Hồ sơ đăng ký phải bao gồm các thông tin đầy đủ (tên, nội dung, định dạng chương trình, thời điểm, thời lượng, kênh phát sóng, địa chỉ và năng lực của đối tác liên kết, hình thức liên kết…). Lộ trình cấp phép ra kênh truyền hình trả tiền đã được Bộ Thông tin - Truyền thông công khai thủ tục hành chính. Trường hơp không chấp thuận, Bộ phải nêu rõ lý do. Và từ đó sẽ cố gắng có được một tỷ lệ hài hòa giữa các nhóm kênh tổng hợp - phim truyện - thể thao - ca nhạc - chuyên đề … Sự mất cân đối, vì thế, sẽ hạn chế được.

Làm chặt khâu đầu, chúng ta sẽ tránh được những trường hợp lạm dụng chủ trương khuyến khích của Nhà nước như xin phép rồi để kênh tồn tại lay lắt, bán lại giấy phép hoặc cấp phép cho những đơn vị không đủ năng lực.

Chúng ta luôn phải phân biệt rõ ràng hai lĩnh vực: xây dựng chính sách - tổ chức thực thi. Chính sách đúng nhưng thực thi không tốt đồng nghĩa với văn bản pháp luật không đi được vào cuộc sống. Chỉ khi chính sách đúng - thực hiện đúng thì chúng ta mới đạt được hiệu quả cao nhất. Trong thực tế, thường xảy ra độ vênh và không đồng bộ giữa hai lĩnh vực này. Vì vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ngoài xây dựng và ban hành chính sách, còn phải liên tục thanh kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có).

Như ông Đào Văn Kính - Giám đốc công ty quảng cáo Đất Việt, một đơn vị có nhiều chương trình hợp tác sản xuất với đài truyền hình nói“Về mặt pháp

lý, Nhà nước đã cho phép thành lập các công ty tư nhân về sản xuất phim và như thế họ có chức năng sản xuất là chuyện được Nhà Nước công nhận. Thứ hai, những sản phẩm hợp tác đã được kiểm duyệt bởi đài truyền hình. Vì hệ, xã hội hoá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía khi cùng phối hợp, cùng tạo động lực

để giúp nhau cùng phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí truyền hình của người xem”.

Trên cơ sở đó, các đài được tổ chức kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật để tạo nguồn thu, giúp các đài chủ động hơn nữa trong việc đầu tư trở lại cho sự nghiệp phát triển ngành truyền hình.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông nên tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các đài. Từ đó kiến nghị những giải pháp để việc chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của các đài có trọng điểm, hiệu quả hơn, tránh đầu tư tràn lan như hiện nay.

Với những chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn của Đảng - Nhà nước về xu hướng xã hội hóa truyền hình, tạo điều kiện cho các đài truyền hình Việt Nam nói chung và Đài PTTH Hà Nội nói riêng được hoạt động có hiệu quả và tích cực hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.

Một phần của tài liệu Vấn đề xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình của đài phát thanh và truyền hình hà nội (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w