NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.2.1. Môi trường hoạt động kinh doanh
Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại Châu Á với tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2002 – 2010 đạt 7,3%/năm. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Việt Nam vẫn thu hút đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI giải ngân liên tục giữ tốc độ ổn định: Năm 2009 là 10 tỷ USD, năm 2010 và 2011 là 11 tỷ USD góp phần quan trọng trong ổn định cán cân thanh toán tổng thể.
Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 và sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới năm 2011 đang trong quá trình hồi phục nhưng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái mới khi lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, khủng hoảng nợ công Châu Âu lan rộng, thảm họa tại Nhật Bản, bất ổn chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông đã tác động bất lợi đến quá trình phục hồi của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, xu hướng chung của các nước trên thế giới là tăng cường hợp tác quốc tế, thắt chặt quản lý ngân sách, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và hệ thống tài chính.
Cùng với tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, môi trường kinh tế trong nước gặp phải không ít những khó khăn, thách thức: Lạm phát năm 2011 ở mức hai con số 18,12% và gần đến mức đỉnh 22% năm 2008; Thị trường chứng khoán và bất động sản tụt dốc, VN – Index giảm mất hơn 100 điểm, HNX – Index mất khoảng 50 điểm trong năm 2011; Thị trường tiền tệ căng thẳng với diễn biến phức tạp của lãi suất và khó khăn về thanh khoản của các ngân hàng. Tuy nhiên với việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết 11/NQ-CP, từ Quý 3 – 2011, kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng tín dụng cả năm gần đạt 6% (5,89%), lạm phát kiểm soát ở mức 18,12%, tốc độ tăng CPI từ tháng 8 được duy trì dưới 1%, xuất khẩu đạt trên 96 tỷ USD (tăng 33,3%), nhập siêu giảm 32% so với kế hoạch đề ra, kiều hối đạt 9 tỷ USD (tăng 1,5 tỷUSD), góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Xuyên suốt năm 2011, NHNN đã nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu theo Nghị Quyết 11. Trong 8 tháng đầu năm thị trường tài chính tiền tệ còn những bất ổn khi thanh khoản thị trường căng thẳng, tình trạng vượt trần lãi suất huy động là phổ biến nhưng NHNN chưa có biện pháp chấn chỉnh, xử phạt kịp thời, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tăng trưởng tín dụng không phản ánh đúng thực tế do còn tình trạng lách quy định bằng hình thức gia tăng khoản phải thu, ủy thác đầu tư, tín dụng ngoại tệ tăng cao. Kể từ tháng 9, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chấn chỉnh lại kỷ cương, lập lại sự ổn định của hệ thống ngân hàng, những chính sách điều hành trong 4 tháng cuối
năm đã góp phần lớn vào kết quả chung của cả hệ thống ngân hàng năm 2011. Đến 31/12/2011, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 10%, tín dụng tăng 12%, mức thấp nhất trong 10 năm qua (bình quân 10 năm là 29,4%) nhưng cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất tăng 18% (trong đó nông nghiệp nông thôn tăng 25%, xuất khẩu tăng 58%), trong khi lĩnh vực phi sản xuất giảm 20%, tín dụng ngoại tệ có xu hướng tăng chậm lại, các mức lãi suất trên thị trường về cuối năm đã được điều chỉnh giảm hợp lý, thanh khoản thị trường được đảm bảo, ổn định tỷ giá, giá vàng trong nước.
Tuy nhiên, những khó khăn trong hoạt động huy động vốn, đảm bảo thanh khoản VND và kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn là những vấn đề quan ngại của hệ thống ngân hàng. Những tháng cuối năm 2011, NHNN phải thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường liên ngân hàng, giám sát chặt chẽ các NHTM gặp khó khăn về thanh khoản, hỗ trợ kịp thời cho vay tái cấp vốn, tăng cung thông qua nghiệp vụ thị trường mở, bước đầu triển khai tái cơ cấu hệ thống NHTM với động thái đầu tiên là sáp nhập 3 NHTMCP Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn.
BIDV đã trực tiếp tham gia vào lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Cụ thể, BIDV đã được NHNN tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng nói trên, thể hiện thông qua việc giám sát, hỗ trợ nguồn vốn khi cần thiết để chi trả tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và trật tự xã hội; Cử nhân sự tham gia vào Ban điều hành, các Phòng nghiệp vụ quan trọng để giám sát và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ngân hàng sau hợp nhất; Sử dụng vốn do NHNN cấp để cho vay ngân hàng trước và sau hợp nhất theo cơ chế cho vay đặc biệt quy định tại Điều 151 Luật các tổ chức tín dụng17.
Mới đây nhất là đề xuất sáp nhập NHTMCP Nhà Hà Nội – Habubank và NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội – SHB, trong đó BIDV được NHNN chỉ định tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau sáp nhập với tư cách đại diện vốn Nhà nước.
Nhìn chung, môi trường hoạt động kinh doanh vẫn biến động và vô cùng nhạy cảm, đặc biệt từ đầu năm 2012 sau khi NHNN phân loại 4 nhóm ngân hàng với các tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương ứng là 17%, 15%, 8%, 0% thì công tác
17 Theo Khoản 1, Điều 151, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (Luật số: 47/2010/QH12) – Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của NHNN và các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp sau đây: (i) Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; (ii) Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác.
thẩm định tín dụng càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Trong hoạt động thẩm định tín dụng, các ngân hàng luôn là người có ít thông tin về dự án, về mục đích sử dụng khoản tín dụng được cấp hơn khách hàng. Do đó để đảm bảo an toàn trong hoạt động của mình, bản thân các ngân hàng phải chủ động xử lý thông tin bất cân xứng để hạn chế lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức nhằm cho vay đúng người đúng đối tượng và giám sát chặt chẽ để khách hàng vay vốn có hành vi đúng đắn nhằm đảm bảo việc thu hồi cả gốc và lãi khoản tín dụng đã cấp ra.
Kỹ thuật phân tích tín dụng của các NHTM Việt Nam hiện nay vẫn còn sơ sài, bộc lộ nhiều yếu điểm, phương pháp phân tích cũ mòn và chưa được đổi mới… Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng là một trong những nhiệm vụ then chốt giúp các NHTM vững tay chèo qua cơn bão khủng hoảng. Để làm được điều đó, đòi hỏi các ngân hàng phải thực sự có ý thức trong việc thanh lọc bộ máy hoạt động, tăng trưởng bền vững theo chiều sâu chứ không phải chạy theo những mục tiêu lợi nhuận trước mắt.