CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CẤU TRÚC TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN VINCOM
3.1.1. Môi trường kinh doanh
3.1.1.1.Tình hình kinh tế thế giới
Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới 2008 bắt nguồn từ nước Mỹ đã qua đi nhưng hậu quả của nó để lại là hết sức nặng nề. Cuộc khủng hoảng này khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng cho vay bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ, nhưng lý do sâu xa của nó là sự mất cân bằng quốc tế của các khu vực trụ cột trên thế giới và những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu. Sau 4 năm kể từ cuộc khủng hoảng, nhiều nước vẫn phải gồng mình gánh chịu với những khó khăn mà nó để lại. Nước Mỹ bước vào thời kỳ tồi tệ nhất từ sau cuộc suy thoái 1929 – 1933. Hàng loạt các ngân hàng lớn tuyên bố phá sản. Năm 2013 được đánh giá là năm “bản lề” đối với nền kinh tế thế giới bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu được xem là đã chạm đáy, mức tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ khiến Ngân hàng dự trữ liên bang có thể ngừng chương trình kích thích kinh tế, trong khi chương trình cải cách của Nhật Bản bước đầu đạt kết quả tích cực. Sự chuyển mình theo hướng tích cực của một số nền kinh tế sau khủng hoảng khiến các chuyên gia thừa nhận hiện có thể là thời điểm chuyển giao của nền kinh tế thế giới, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài nhất trong gần một thế kỷ qua để trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
3.1.1.2. Tình hình kinh tế Việt Nam
Việt Nam là một trong số những nước ít phải chịu ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân là do nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nước ta, mà cuộc khủng hoảng 2008 là cuộc khủng hoảng tài chính. Những ảnh hưởng có chăng chỉ là những nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài như FDI và vốn đầu tư gián tiếp. Năm 2012 là năm đầy biến động đối với nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ lạm phát lên tới 18%/năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nền kinh tế vĩ mô rơi vào tình trạng hết sức bất ổn. Theo thống kê cho thấy có khoảng 50.000 doanh nghiệp đã lâm vào cảnh phá sản, khả năng tiếp cận vốn bị suy giảm do lãi suất tín dụng trở nên đắt đỏ và nguồn vốn khan hiếm. Có thể thấy rằng Việt Nam vẫn chưa thể rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế 2008. Những gì đã xảy ra trên nước Mỹ dường như đang được tái hiện lại ở Việt Nam. Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đã khá ổn định trở lại sau hàng loạt những biện pháp cải cách cứu trợ của nhà nước, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều thách thức đặt ra. Nguy cơ lạm phát cao có khả năng quay trở lại kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Tình hình nợ xấu vẫn chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, các doanh nghiệp hầu hết rơi vào tình trạng thiếu vốn. Những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại ngay kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Một khi thanh khoản của thị trường bất động sản chưa cải thiện thì việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.