VI. Một số giải pháp phát triển thị trường nội địa các sản phẩm gỗ và lâm sản
6.2.7. Xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) trên thị trường nội địa
(TBT) trên thị trường nội địa
Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều cơ hội cho các sản phẩm gỗ nước ngoài xâm nhập vào thị trường nước ta. Các sản phẩm này ngoài các thế mạnh về thương hiệu, về hệ thống cung cấp, phân phối sản phẩm còn rất nhanh chóng thay đổi mẫu mã, thiết kế sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu từng phân khúc người tiêu dùng trong nước. Chính vì vây, việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm tạo ra một sự cạnh tranh công bằng không những đối với sản phẩm nhập ngoại mà còn cả đối với những doanh nghiệp chế biến đồ gỗ và lâm sản trong nước. Các doanh nghiệp bắt buộc phải cạnh tranh với nhau bằng chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và giá thành sản phẩm. Kết quả là giá của sản phẩm sẽ có điều kiện giảm xuống, các dịch vụ và chất lượng có cơ hội tốt hơn. Thị trường sẽ được điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, nhưng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm:
- Đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở các cấp độ đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản tham gia vào thị trường nội địa.
- Trước mắt chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn cho những sản phẩm chủ lực, có thị phần lớn trên thị trường nội địa và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho những sản phẩm có ảnh hưởng tới người tiêu dùng đối với nhóm sản phẩm hàng hóa nhóm II lĩnh vực lâm
nghiệp thuộc nhóm hóa chất, phụ gia trong chế biến lâm sản đối với ngưỡng an toàn về môi trường như sơn, véc ni, keo dán gỗ, thuốc bảo quản lâm sản… đặc biệt là ngưỡng phát thải formaldehyt đối với các loại ván gỗ nhân tạo (ván dăm, ván sợi, ván ghép thanh, gỗ dán,..), sản phẩm sản xuất từ các loại ván gỗ nhân tạo,…
- Nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) khác nhằm thực hiện bảo hộ sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ và lâm sản trong nước, giảm áp lực cạnh tranh của các sản phẩm ngoại nhập.
- Mở rộng phạm vi sử dụng sản phẩm gỗ và lâm sản chế biến từ rừng trồng trong nước đối với các hoạt động mua sắm công.