Tăng cường năng lực giám sát chuyên ngành

Một phần của tài liệu tăng cường giám sát hệ thống tài chính việt nam (Trang 47 - 48)

II. Đề xuất kiến nghị nhằm tăng cường giám sát HTTC

3. Tăng cường năng lực giám sát chuyên ngành

3.1. Yêu cầu về nguồn nhân sự giám sát tài chính:

Để đáp ứng được các yêu cầu cảnh báo, dự báo, yêu cầu về nguồn nhân lực giám sát tài chính chuyên nghiệp, đủ năng lực lại là một trong những điều kiện tiên quyết. Với mục tiêu hướng tới một mô hình giám sát tài chính hợp nhất trong điều kiện hội nhập quốc tế, những yêu cầu cơ bản đối với nguồn nhân lực dành cho hệ thống giám sát tài chính là nắm vững kiến thức kinh tế vĩ mô, kiến thức về tài chính (hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), có kiến thức chuyên sâu về giám sát tài chính, sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học. Có thể nói mô hình tổ chức là bộ khung và con người chính là yếu tố tạo ra phần hồn cho bộ khung đó. Để mô hình giám sát tài chính hợp nhất vận hành hiệu quả, thông suốt thì yêu cầu về nguồn nhân lực giám sát tài chính chuyên nghiệp đủ năng lực có ý nghĩa sống còn.

3.2. Yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin:

Hạ tầng công nghệ thông tin được xem là yếu tố quan trọng góp phần quyết định hiệu quả của hệ thống giám sát tài chính của mọi quốc gia. Trong quá trình xây dựng hoàn thiện mô hình giám sát tài chính hợp nhất, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

Phải xây dựng được hệ thống giám sát các tổ chức tài chính theo thời gian thực. Điều này cho phép cơ quan giám sát có thể thu thập được thông tin và dữ liệu cần thiết cho hoạt động giám sát ở bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó, việc thiết lập được một quy trình thu thập thông tin, dữ liệu có tính hệ thống và kịp thời như vậy còn giúp giảm được đáng kể gánh nặng đối với các nhân viên giám sát cũng như chi phí hành chính trong hoạt động giám sát. Tuy nhiên việc xây dựng một hệ thống giám sát như vậy không hề đơn giản (ngay cả nhiều quốc gia phát triển cũng đã và đang gặp phải khó khăn khi xây dựng hệ thống này) và nó liên quan đến các vấn đề phức tạp như: thống nhất chế độ báo cáo, hệ thống phân tích báo cáo tự động; phát triển hệ thống cảnh báo sớm v.v...

Đảm bảo tính đồng bộ của công nghệ. Đây là điều rất quan trọng, chúng ta cần thận trọng nghiên cứu mức độ tác động của hệ thống công nghệ thông tin mới tới các tổ chức tài chính, sự đồng bộ của hệ thống công nghệ của cơ quan giám sát tài chính với hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức tài chính. Về vấn đề này, chúng ta đã có bài học về sự không đồng bộ giữa phần mềm của Sở Giao dịch chứng khoán Tp Hồ Chí Minh với phần mềm giao dịch của các công ty chứng khoán. Chính vì vậy chiến lược xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho giám sát tài chính hợp nhất phải thực hiện thận trọng, từng bước, sau mỗi bước cần thực hiện xem xét đánh giá lại tính hiệu quả và đồng bộ trước khi chuyển sang bước tiếp theo.

Phải đảm bảo dữ liệu được quản lý một cách hiệu quả theo từng khu vực (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) cũng như theo chức năng (thanh tra, giám sát) và xây dựng được kho dữ liệu. Đương nhiên kho dữ liệu này phải được sử dụng và khai thác hiệu quả, tối ưu hóa việc phân tích dữ liệu bằng cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu mới và hiện đại.

Phải thuận tiện cho người sử dụng đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo mật. Một trong những vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong giám sát tài chính là phải đảm bảo cho người sử dụng tiếp cận thông tin mà họ cần một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất nhưng vẫn phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân hóa cao.

Một phần của tài liệu tăng cường giám sát hệ thống tài chính việt nam (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(53 trang)
w