Giám sát lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm

Một phần của tài liệu tăng cường giám sát hệ thống tài chính việt nam (Trang 26 - 29)

II. Mô hình giám sát hệ thống tài chính của Việt Nam

3.Giám sát lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm

3.1. Bộ tài chính:

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tài chính (ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính giám sát lĩnh vực chứng khoán thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và lĩnh vực bảo hiểm thông qua Cục Bảo hiểm (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sửa đổi lại chức năng nhiệm vụ ngày 2/12//2009).

Chức năng giám sát trên TTTC: Kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức có kiên quan đến việc phát hành, kinh doanh dịch vụ chứng khoán. Kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát gồm hai cơ quan chính: Cục quản lý và giám sát bảo hiểm và Ủy ban chứng khoán nhà nước.

3.2. Giám sát trên TTCK:

a. Bộ máy giám sát:

Bộ máy giám sát TTCK được tổ chức thành 2 cấp như sau:

Các SGDCK là các đơn vị giám sát cấp thứ nhất, có nhiệm vụ giám sát trực tiếp diễn biến giao dịch hàng ngày và nhiều ngày; giám sát thành viên giao dịch, thành viên niêm yết, đăng ký giao dịch; giám sát công bố thông tin của các thành viên giao dịch, thành viên niêm yết và đăng ký giao dịch. Khi có những giao dịch bất thường hoặc hành vi vi phạm, SGDCK tiến hành lập hồ sơ xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền, nếu hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền, SGDCK báo cáo lên UBCKNN để tiếp tục xử lý các hành vi vi phạm. Bộ máy thực hiện công tác giám sát của SGDCK bao gồm: Phòng Quản lý Niêm yết, Phòng Quản lý Thành viên và Phòng Giám sát Giao dịch. Phòng Giám sát Giao dịch tại các SGDCK là đầu mối thực hiện công tác giám sát và báo cáo lên UBCKNN về hoạt động giám sát.

Ủy Ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là đơn vị giám sát cấp thứ hai, chính thức được thành lập vào ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của UBCKNN là quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trên TTCK và xử lý các vi phạm về hoạt động chứng khoán theo quy định của Pháp luật. Sau một thời gian hoạt động, Ủy ban này được Chính phủ chuyển vào Bộ Tài chính nhằm tăng cường hiệu quả điều phồi hoạt động của các bộ, ngành chức năng trong việc thúc đẩy TTCK phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của TTCK từ cuối năm 2006 đến nay dường như vượt quá năng lực quản lý của UBCKNN. Trên thực tế, cơ quan này còn non trẻ, chưa có đủ điều kiện cần thiết để quản lý và giám sát có hiệu quả hoạt động trên TTCK. Ngoài ra, TTCK phi tập trung (OTC) cũng đang hoạt động một cách tự phát, chưa được quản lý và bảo vệ, và không có được sự minh bạch như ở Trung tâm giao dịch chứng khoán. Trước tình hình như vậy, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải tăng cường quản lý, theo dõi, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo cho thị trường phát triển theo đúng định hướng đề ra, phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa những mặt tiêu cực đối với thị trường, không để xảy ra những biến động lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Chức năng giám sát trên TTTC: giám sát trực tiếp các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK), kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán của các SGDCK và TTLKCK, công ty chứng khoán, công ty đại chúng, các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ; giám sát diễn biến giao dịch hàng ngày, định kỳ, phát hiện, phân tích đánh giá các dấu hiệu giao dịch bất thường, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định, gian lận hoặc lừa đảo trong giao dịch chứng khoán, tiến hành lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát: có 5 đơn vị thực hiện chức năng giám sát trên TTCK, bao gồm Vụ Quản lý Phát hành, Vụ Quản lý Kinh doanh, Vụ Quản lý Quỹ và các Công ty Quản lý Quỹ, Vụ Giám sát Thị trường và Thanh tra Chứng khoán.

b. Khuôn khổ pháp lý:

Về cơ bản, hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát TTCK gồm:

Luật: Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Các công cụ chuyển nhượng.

Các Nghị định của Chính phủ liên quan đến chứng khoán và TTCK, công tác giám sát TTCK, xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực chứng khoán và TTCK,…

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN (Quyết định 112/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Các Thông tư, các Quyết định của Bộ Tài chính hoặc UBCKNN hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ liên quan đến chứng khoán và TTCK, trong đó có công tác, thẩm quyền, chế tài thanh tra, giám sát giao dịch chứng khoán và TTCK; cũng như trách nhiệm và hoạt động giám sát của UBCKNN đối với các SGDCK và TTLKCK.

Các Quy chế, Quy định do SGDCK và TTLKCK ban hành làm căn cứ pháp lý để SGDCK, TTLKCK thực hiện thẩm quyền quản lý, giám sát đối với các thành viên và thị trường; đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để SGDCK, TTLKCK xác định các hoạt động của tổ chức và cá nhân tham gia TTCK có tuân thủ luật pháp, đảm bảo sự lành mạnh, minh bạch của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không. Các quy chế, quy định này bao gồm: quy chế về thành viên; quy chế niêm yết/đăng ký giao dịch; quy chế về báo cáo, công bố thông tin; các quy định về giám sát giao dịch, tiêu chí giám sát tại thị trường SGDCK Hà Nội, SGDCK Tp. HCM; quy chế về thành viên lưu ký; quy chế đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ tại TTLKCK.

3.3. Giám sát lĩnh vực bảo hiểm:

a. Bộ máy giám sát:

Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm được thành lập theo Quyết định 288/QĐ- BTC ngày 12/2/2009 và Quyết định 1854/QĐ-BTC ngày 31/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước. Cụ thể là kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm Việt Nam, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và doanh nghiệp môi giới nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời phối hợp với Thanh tra Bộ trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Chức năng giám sát trên TTTC: Đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm. Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức KDBH. Bảo vệ người tiêu dùng (người mua hợp đồng bảo hiểm). Đảm bảo lành mạnh tài chính, an toàn của TTBH.

b. Khuôn khổ pháp lý:

Hệ thống khuôn khổ pháp quy điều chỉnh hoạt động giám sát bảo hiểm hiện nay bao gồm những văn bản chính sau:

Luật: Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Nghị định của Chính phủ: Các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính (trong đó có CQLGSBH); xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; về việc thi hành một số điều tại Luật kinh doanh bảo hiểm; quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Quyết định, Thông tư của Bộ Tài chính: Quyết định số 288/QĐ-BTC ngày 12/2/2009 của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CQLGSBH. Thông tư số 155/2007/TT-BTC ngày 22/12/2007 hướng dẫn Nghị Định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/3007 quy định chi tiết việc thi hành một số điều tại Luật kinh doanh bảo hiểm. Thông tư số 86/2009/TT-BTC ngày 28/4/2009 sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 155/2007/TT-BTC ngày 22/12/2007 hướng dẫn Nghị Định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/3007 qui định chi tiết việc thi hành một số điều tại Luật kinh doanh bảo hiểm. Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã có Quyết định 1853/QĐ-BTC bổ sung nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cho CQLGSBH. Ngày 7/12/2009, Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành Quyết định số 3069/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra CQLGSBH.

Một phần của tài liệu tăng cường giám sát hệ thống tài chính việt nam (Trang 26 - 29)