Tình hình sử dụng ODA ở tỉnh Ninh Bình

Một phần của tài liệu Thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ở tỉnh Ninh Bình (Trang 65 - 79)

1. Vốn cân đối ngân

2.2.3. Tình hình sử dụng ODA ở tỉnh Ninh Bình

Việc sử dụng vốn ODA tại Ninh Bình trong những năm gần đây đã bước đầu được chú trọng. Các chương trình, dự án được ưu tiên cho lĩnh vực đầu tư phát triển thông qua các dự án xây dựng các công trình hạ tầng của tỉnh như: Giao thông, thuỷ lợi, mạng lưới điện hạ áp, y tế, môi trường, ...

Có thể nói rằng, trước đây hầu hết các dự án ODA triển khai tại tỉnh Ninh Bình thường có quy mô nhỏ, phần lớn các dự án có tổng mức đầu tư dưới 500 nghìn USD, bởi các dự án của JBIC hỗ trợ hay chia tách thành từng dự án riêng lẻ như xây dựng trường học, giao thông nông thôn, nông nghiệp nên kinh phí cấp cho một dự án là rất ít. Khu vực hưởng lợi từ các dự án này nếu tính riêng từng dự án thì trong một không gian rất hẹp, thường chỉ gọn trong một xã, một khu vực dân cư. Điều này được thể hiện rõ nhất đối với các dự án cấp điện và các dự án giao thông nông thôn. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, quy mô vốn ODA đối với từng dự án đã có xu hướng tăng lên.

Trên cơ sở những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ và chính sách của từng nhà tài trợ, tỉnh Ninh Bình cũng như các địa phương khác được thụ hưởng vốn ODA thể hiện ở 3 hình thức chủ yếu sau:

- Các chương trình, dự án mà tỉnh được thụ hưởng trực tiếp và làm chủ quản dự án (Dự án cấp nước Nho Quan, Tam Điệp, dự án Hỗ trợ xây dựng làng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam tại Ninh Bình).

- Các dự án do các cơ quan trung ương làm chủ quản phối hợp với tỉnh Ninh Bình để thực hiện và được trực tiếp thụ hưởng dự án dưới dạng dự án thành phần (Dự án Thí điểm cải cách hành chính, 8 dự án điện nông thôn, 12 dự án đường giao thông, 2 dự án ngành Y tế, 2 dự án ngành nông nghiệp, dự án cấp nước thị xã Ninh Bình - ADB, dự án phát triển nước ngầm, dự án xây dựng các trường tiểu học, 3 dự án cấp nước sử dụng vốn OECF).

- Các dự án thuộc các cơ quan trung ương làm chủ quản đầu tư nhưng thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tỉnh được thụ hưởng trực tiếp một phần dự án hoặc gián tiếp lợi ích do dự án đem lại (Dự án Nâng cấp Quốc lộ 1A, Cải tạo Quốc lộ 10, Cải tạo Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình).

Trong giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh đã thu hút được 12 dự án với tổng số vốn ODA cam kết 1.249,9 tỷ đồng. Trong đó, các dự án tập trung vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp: 03 dự án (vốn ODA: 205,5 tỷ đồng); Công nghiệp: 02 dự án (vốn ODA: 805,3 tỷ đồng); Giao thông: 03 dự án (vốn ODA: 130,8 tỷ đồng); Cộng đồng: 01 dự án (vốn ODA: 23,1 tỷ đồng); Y tế: 03 dự án (vốn ODA: 85,2 tỷ đồng); số dự án ODA do địa phương trực tiếp quản lý (UBND tỉnh là cơ quan chủ quản): 08 dự án với tổng số vốn ODA là: 989,1 tỷ đồng; số dự án ODA do Trung ương là cơ quan chủ quản (địa phương là bên thụ hưởng): 04 dự án với tổng số vốn ODA là: 260,8 tỷ đồng.

Hình 2.8: Tình hình giải ngân vốn ODA ở Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2011

Đến nay, đã có 09 dự án hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng; số vốn ODA đã được giải ngân là: 706,6 tỷ đồng (đạt 56,5%), số vốn ODA chưa giải ngân là 543,3 tỷ đồng (43,5%) (Hình 2.8).

2.2.3.1. Cơ cấu vốn ODA theo ngành 1- Dự án về phát triển cơ sở hạ tầng * Các dự án đường giao thông

Sau 16 năm hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh, Ninh Bình được trả lại với tên gọi cũ, hệ thống cơ sở hạ tầng gần như con số không. Hệ thống giao thông đường bộ gồm 4 tuyến quốc lộ (1A, 10, 45, 12B) với tổng chiều dài trên 110 km; 16 tuyến tỉnh lộ dài 215,7 km; các đường chính của các huyện, thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp dài 157 km; đường giao thông nông thôn dài 1.338 km. Trong 5 năm (2006 - 2010) tỉnh đã chủ động nâng cấp, xây dựng mới khoảng 100 km đường quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ. Con số đó là quá ít so với tổng chiều dài các tuyến đường của tỉnh, trong khi đó một số tuyến quan trọng như tuyến quốc lộ 1A hay 12B thì chưa được nâng cấp hay xây dựng mới. Chính điều đó đã làm giảm đi lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển ngành du lịch. Ý thức được tầm quan trọng của ngành giao thông vận tải nên tỉnh Ninh Bình đã tập trung ưu tiên cho các dự án sử dụng vốn ODA vào lĩnh vực này. Ngoại trừ 2 dự án lớn của quốc gia là dự án nâng cấp Quốc lộ 1A và 10A (Ninh Bình là một trong số những địa phương hưởng lợi) không được nghiên cứu trong khuôn khổ luận văn này, Ninh Bình có 18 dự án hạng mục về giao thông được triển khai, chủ yếu tại khu vực nông thôn.

Đây là các dự án sử dụng vốn vay JBIC và được điều phối bởi Ban quản lý dự án tín dụng chuyên ngành, thuộc Vụ Thương mại - dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhà tài trợ là Chính phủ Nhật Bản, thực hiện thông qua JBIC (trước đây là OECF). Cơ quan tư vấn được lựa chọn là OPMAC & Associates. Trong thời gian qua Tư vấn đã đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa tỉnh Ninh Bình với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nhà tài trợ. Một mặt giúp địa phương tiếp cận nguồn tài trợ, mặt khác Tư vấn đã giúp cho JBIC tìm hiểu và đánh giá được nhu cầu của địa phương đối với nguồn vốn này.

Cho đến nay, tất cả các dự án này đều đã kết thúc, thời gian triển khai rải đều từ năm 1994 - 2011 và đạt hiệu quả khá cao với tỷ lệ giải ngân đạt 88,2%, trong đó có 5 dự án giải ngân với tỷ lệ 100%. Có thể đưa ra một số dự án giao thông nông thôn như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường Khánh Ninh - Chợ Lồng dài 5 km với tổng vốn đầu tư là 30,7 tỷ đồng do Nhật Bản (JBIC) tài trợ; Dự án giao thông nông thôn tỉnh Ninh Bình dài 8 km có tổng vốn đầu tư là 43,5 tỷ đồng do WB tài trợ; Dự án xây dựng, nâng cấp đường 5 xã Gia Lâm, Gia Sơn, Xích Thổ, Phú Sơn, Thạch Bình huyện Nho Quan do Nhật Bản (JBIC) tài trợ, tổng vốn đầu tư là 56,6 tỷ đồng có chiều dài khoảng 12 km. Các dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, một số trục đường liên thôn, liên xã đã được kiên cố hoá bằng bê tông và nhựa Atphalt, góp phần nâng cao năng lực của ngành giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại nhất là khu vực nông thôn vùng miền núi của huyện Nho Quan. Mới đây nhất, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bãi Lóng - Tiền Phong đến trung tâm xã Thạch Bình và đường Hùng Sơn đến trung tâm xã Xích Thổ của huyện Nho Quan với vốn đầu tư 32,4 tỷ đồng do Nhật Bản (JICA) tài trợ có chiều dài khoảng 4 km.

Việc triển khai các dự án này tuơng đối thuận lợi do các dự án đều là nâng cấp, cải tạo hoặc làm mới mặt đường nên không phải thực hiện khâu giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lại ở chỗ việc thông báo sử dụng vốn được thực hiện giống như phân bổ kế hoạch vốn ngân sách hàng năm nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian triển khai mặc dù quy mô dự án nhỏ; Giải ngân vốn thông qua Ban quản lý dự án Tín dụng chuyên ngành và Bộ Tài chính với cơ chế phức tạp, rườm rà. Cá biệt có một số dự án như: Đường Quy Hậu - Đò Mười, đường Thượng Hoà - Thanh Lạc - Sơn Thành, Đường Thống Nhất, đường 59B quy mô vốn đối ứng lại quá cao, thậm chí còn chiếm tỷ trọng cao hơn vốn ODA.

Mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án này đã mang lại đối với khu vực nông thôn là rất đáng kể, những con đường bê tông đã góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân, tăng cường giao lưu trao đổi giữa các vùng với nhau và với bên ngoài.

* Các dự án cấp nước

Các nhà tài trợ quốc tế đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực cấp nước cho sinh hoạt của người dân. Đã có 6 dự án cấp nước được triển khai chủ yếu tập trung ở thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp; hai địa phương còn lại là huyện miền biển Kim Sơn và huyện miền núi Nho Quan. Cho đến hết 31/12/2011 đã có 5 dự án kết thúc còn lại 1 dự án đang trong giai đoạn thực hiện.

Dự án cấp nước và vệ sinh thành phố Ninh Bình là dự án có quy mô lớn 69 tỷ đồng (tương đương với 5,1 triệu USD, tỷ giá thực tế tại thời điểm ký Hiệp định VND/USD = 13.730) với tổng công suất lên đến gần 20.000 m3/ngày đêm. Đây là dự án đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, đa mục tiêu bao gồm: Nâng cấp hệ thống cũ, xây dựng một số tuyến cấp nước mới, cải thiện vệ sinh môi trường đô thị bằng cách hỗ trợ nhân dân vay vốn quay vòng không lãi suất để xây hố xí tự hoại (1,8 triệu VNĐ/hộ) và xây dựng hệ thống thoát nước đô thị. Đến nay, Dự án đã kết thúc và được triển khai khá tốt.

Dự án phát triển nước ngầm tại 3 xã miền núi (Quang Sơn, Yên Thắng và Đồng Phong) sử dụng vốn vay JBIC (75 tỷ đồng) cũng được gấp rút triển khai và cũng đã hoàn thành đúng như kế hoạch. Đến nay, dự án phát triển nước ngầm cung cấp nước sạch cho 3 xã miền núi đã giải ngân được 70 tỷ đồng, đạt 93,3 % chỉ trong thời gian chưa đầy một năm. Đây cũng là dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhất do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vận động và triển khai tại Ninh Bình. Bởi khâu giải phóng mặt bằng đã được tỉnh Ninh Bình triển khai nhanh chóng, các thủ tục chuẩn bị đầu tư đã được cơ quan tư vấn cùng chủ đầu tư phối hợp nhịp nhàng đã góp phần tạo nên thành công của dự án.

Các dự án: Cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước sạch Tam Điệp (22,52 tỷ đồng, có công suất 12.000 m3/ngày đêm); Cấp nước sạch tại thị trấn Nho Quan (7,19 tỷ đồng, có công suất 2.000 m3/ngày đêm) sử dụng vốn DANIDA (Hộp 1).

Đây là hai dự án được triển khai do Ninh Bình chủ động vận động tài trợ và tham gia từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối của một chu trình thực hiện dự án ODA. Đến nay, cả hai dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khối lượng vốn ODA đã giải ngân xong, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch ở thành phố, thị xã và thị trấn đạt 90%.

Hộp 1: Dự án Cấp nƣớc thị trấn Nho Quan - Mô hình tiêu biểu của vận động tài trợ ODA của tỉnh Ninh Bình

Đây có thể coi là dự án ODA “đầu tay” đúng nghĩa, bởi vì lần đầu tiên Ninh Bình là chủ đầu tư một dự án thực sự mà không do các Bộ, ngành ở trung ương triển khai tại Ninh Bình. Mặc dù quy mô của dự án nhỏ (7,19 tỷ VND vốn ODA) nhưng dự án lại mang nét đặc thù riêng. Do đây là thị trấn miền núi nên sau khi Hiệp định được ký kết, khoản vay nợ từ DANIDA này đã được Chính phủ đã đồng ý cho dự án được thực hiện theo chế độ cấp phát như vốn ngân sách mà không phải vay lại như các dự án thông thường.

Mục tiêu của dự án là cung cấp nước sạch cho hơn 10 nghìn dân tại thị trấn Nho Quan và một số xã lân cận. Đây là vùng núi nhưng lại là nơi chịu ngập lụt nhiều nhất do nằm trong vùng phân lũ sông Hoàng Long, nên nhu cầu sử dụng nước sạch luôn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương. Ngay từ khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án cũng đã được DANIDA rất quan tâm, đặc biệt là về khía cạnh xã hội của nó. Điều cũng rất đáng nói là đơn vị thụ hưởng dự án lại là một Ban quản lý do Uỷ ban nhân dân huyện Nho Quan thành lập, với trình độ năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiêm nhưng do chủ động phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan chức năng và các nhà thầu nên đã hạn chế được rất nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình hơn 2 năm triển khai dự án. Cho đến nay dự án đã được hoàn thành và thành công của dự án có thể thấy rõ đối với người dân ở đây là: Được sử dụng nguồn nước sạch, giảm nguy cơ dịch bệnh cho nhân dân nhất là mùa lũ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Ngoài ra, Dự án cấp nước Đồng bằng Sông Hồng, dự án thành phần tỉnh Ninh Bình do WB tài trợ với số vốn lên đến 449,2 tỷ đồng cũng đang trong quá trình thực hiện. Thời gian thực hiện dự án từ 2006 đến năm 2013 là hoàn thành. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tình hình giải ngân của dự án là chậm so với các dự án khác (khoảng 40%).

Những dự án cấp nước sử dụng vốn ODA được triển khai đã cung cấp đủ nước sạch cho người dân dùng, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt của hộ dân nhất là người dân vùng lũ như huyện Nho Quan.

* Các dự án ngành điện

Với 8 dự án ngành điện được triển khai ở các xã nghèo của tỉnh Ninh Bình, tổng vốn ODA ký kết là 17 tỷ đồng. Mặc dù các dự án đã kết thúc từ năm 1998, nhưng đây lại là điển hình của sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa địa phương và cơ quan vận động ODA (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Đây cũng là các dự án thuộc Dự án tín dụng chuyên ngành, nằm trong chương trình “Điện khí hoá” của Trung ương, vay vốn JBIC để bổ sung vào ngân sách nhà nước và thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thực tế giải ngân cho thấy, nguồn vốn ODA chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư cho các dự án (khoảng 20%). Phần lớn các dự án đều đạt tỷ lệ giải ngân ODA từ 10 - 20%, đặc biệt có 2 dự án giải ngân được 60% (Hệ thống điện xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan và xã Gia Hoà, huyện Gia Viễn). Có rất nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng này và không phải chỉ riêng các dự án của Ninh Bình mà còn xuất hiện ở hầu hết các địa phương sử dụng vốn ODA tín dụng chuyên ngành, cụ thể là:

- Khâu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện quá sớm nhằm “đón” nguồn vốn nên mức lùi thực thi các dự án từ 2 - 3 năm kể từ khi ghi vốn OECF (JBIC) và 3 - 4 năm cho đến khi nghiệm thu thanh toán dẫn đến tình trạng báo cáo nghiên cứu khả thi không đáp ứng được yêu cầu của tỉnh.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai ở quá nhiều tỉnh trong cả nước, do nhu cầu của các địa phương nhiều và do phát triển lưới điện trung thế quá dài mà không phát triển cân xứng với lưới điện hạ thế và dịch vụ cấp điện vào từng hộ dân.

- Nguyên tắc của OECF là việc đấu nối từ đường hạ thế vào hộ dân do dân tự lo (đây là phần nhân dân tự bỏ ra không tính vào vốn đối ứng của dự án). Nguyên tắc này quá cứng nhắc và khó thực hiện nhất là đối với những xã nghèo (nhân dân đã phải đóng góp một phần trong tổng vốn đối ứng để xây dựng đường hạ thế).

- Chủ đầu tư được giao cho Uỷ ban nhân dân các xã, thường không đảm bảo về năng lực dẫn đến chất lượng không cao, thời gian thi công kéo dài.

Một phần của tài liệu Thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ở tỉnh Ninh Bình (Trang 65 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)