e. Nhân vật là đồ chơi, đồ dùng học tập
3.2.2.2. Hình thành và phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng phong phú
Như vậy, nghiên cứu thế giới nghệ thuật truyện đồng thoại của Trần Hoài Dương, chúng tôi chỉ ra được giá trị, vẻ đẹp ngôn từ của các tác phẩm
trong tập truyện Cô bé mảnh khảnh và những trích đoạn trong sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học. Góp phần giúp học sinh biết vận dụng ngôn ngữ của nghệ sĩ vào cách viết văn, hỗ trợ cho việc học các môn học khác và phục vụ cho hoạt động giao tiếp lứa tuổi.
3.2.2.2. Hình thành và phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng phong phú phú
Từ việc khảo sát tập truyện đồng thoại Cô bé mảnh khảnh và những trích đoạn, ngữ liệu của Trần Hoài Dương trong sách Tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy một trong những đặc trưng cơ bản của đồng thoại chính là sự liên tưởng, tưởng tượng của nhà văn. Từ những nhân vật nhỏ bé, hiền lành, gần
gũi, tác giả đã hư cấu, tưởng tượng để tạo ra thế giới nhân vật ngộ nghĩnh đáng yêu. Chúng đáng yêu bởi vì vẻ đẹp ngoại hình và nét “tính cách” đáng quý. Cho dù là loại nhân vật nào, sống ở môi trường nào thì các con vật hiện lên đều ấn tượng qua các “hành động”, qua “suy nghĩ”, qua “tính cách”, qua đời sống của nó. Chúng đã được nhân cách hóa để trở nên gần gũi hấp dẫn đối với trẻ nhỏ.
Ở chương I, chúng tôi đã tìm hiểu yếu tố hư cấu tưởng tượng trong tập truyện Cô bé mảnh khảnh. Vì vậy, chương III chúng tôi chỉ tìm hiểu yếu tố này trong việc hình thành và bồi dưỡng năng lực cuộc sống, trí tưởng tượng trong các trích đoạn ở sáchTiếng Việt Tiểu học.
Với tài quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, tác giả Trần Hoài Dương miêu tả Cánh rừng mùa đông Tiếng Việt 5 (phân môn Chính tả). Sự khắc nghiệt của mùa đông đối với muôn loài, ngòi bút đã lựa chọn không gian của một khu rừng. Sự quan sát tinh tế ấy được miêu tả bằng một đoạn văn ngắn với câu chữ giàu hình ảnh, hàm súc. Đó là những gì mà lăng kính con mắt của tác giả đã quan sát, chọn lọc lấy. nhà văn quan sát khu rừng từ bao quát đến cụ thể. Bao trùm đó là sự “trơ trụi” của cả khu rừng. đến giới thực vật với “thân cây khẳng khiu vươn nhánh cành khô xác trên nền trời xám xịt”. Thế giới động vật cũng được tác giả quan sát và miêu tả những nét rất cụ thể tiêu biểu. Đó là những gia đình họa mi, chim gõ kiến: “gầy xơ xác” với những “cặp mắt ngơ ngác buồn”. Những bác gấu được miêu tả, so sánh nhìn từ quá khứ đến hiện tại. Hồi cuối thu bác gấu “béo núng nính, lông mượt, da căng trông như trái sim chín” còn bây giờ “teo tóp, lông lởm chởm trông thật tội nghiệp”. Tác giả đã quan sát miêu tả không gian nối tiếp từ quá khứ đến hiện tại để làm rõ bức tranh của một khu rừng bị mùa đông tàn phá. Sự thành công trong cách quan sát và miêu tả qua đoạn trích đã được lựa chọn đưa vào trong sáchTiếng Việt làm ngữ liệu giúp học sinh hiểu và học cách quan sát,
miêu tả trong quá trình tạo lập văn bản. Qua những trích đoạn, giúp các em biết cách quan sát thế giới xung quanh khi viết văn cũng như khám phá cuộc sống. Từ đó, các em biết cách phân tích, tổng hợp những sự vật, sự việc, sự kiện, mình đã nhìn thấy, để tư duy chúng và dùng ngôn ngữ để diễn đạt chúng. Mặt khác, qua ngữ liệu của Trần Hoài Dương, các em học được cách viết những văn bản đi từ khái quát đến cụ thể để móc nối các sự vật, sự việc với nhau. Các em biết cách liên tưởng, so sánh để có được những đoạn văn hay, hàm súc. Cũng thông qua trích đoạn này, phép tu từ nhân hóa, giúp trẻ hình dung ra cả khu rừng như một ngôi làng với biết bao gia đình. Với cách xưng hô như con người: “ bác Gấu”, “ gia đình gõ kiến” với “ cặp mắt ngơ ngác buồn” khiến các con vật giống như những người bạn thân thiết của trẻ thơ.
Với trích đoạn Chiếc lá được đưa vào sách Tiếng Việt 4 ( Tâp 2) phép tu từ nhân hóa đã biến những loài vật trở nên có tính cách tâm lí. Tác giả hư cấu nên cuộc trò chuyện giữa Chim Sâu với Lá : “Lá ơi, hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi”. Rồi nhà văn để cho Lá tự nói về mình “Cuộc đời tôi rất bình thường”. tác giả đã để cho Hoa là người trung gian nói về vai trò vĩ đại của lá cây đối với chúng qua tâm trạng, cảm xúc, đầy tự hào. Đó chính là nét độc đáo khi Trần Hoài Dương viết truyện. Nhà văn giúp các em phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự thông minh và cả sự hài hước khi quan sát thế giới. Nó giúp trẻ thêm yêu thiên nhiên hơn, gần gũi, đồng cảm với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh . Với sự sáng tạo trong miêu tả, quan sát, sự hư cấu, tưởng tượng người nghệ sĩ góp phần làm giàu, làm phong phú thế giới tâm hồn của trẻ thơ. Nó giúp các em biết học cách vận dụng chúng khi tạo lập văn bản.
Tiểu kết chương 3:
Như vậy,đồng thoại của Trần Hoài Dương được các em yêu thích bởi tác giả đã xây dựng được những cốt truyện hay phù hợp với tâm sinh lí trẻ thơ. Tác phẩm của ông luôn thấm đượm tình người và những bài học nhân văn sâu sắc. Qua những trang văn hay, đẹp, thực sự đã giúp cho trí tưởng tượng của trẻ được bay bổng. Với lời văn giàu hình ảnh kết hợp biện pháp so sánh, nhân hóa tài tình, khéo léo nên dù với những kiến thức tự nhiên, xã hội mới mẻ nhưng độc giả cũng rất dễ dàng tiếp thu, đón nhận. Truyện đồng thoại của Trần Hoài Dương là những tác phẩm có giá trị lớn về nội dung cũng như nghệ thuật sâu sắc. Đó là những tác phẩm mang đến cho các em những bài học giáo dục toàn diện.
Thể loại đồng thoại nói chung và đồng thoại của trần hoài Dương nói riêng, là loại truyện viết về thế giới loài vật để nói chuyện con người. Với cách viết truyện hay trong cách hư cấu, tưởng tượng nên đồng thoại phù hợp với tâm lí tiếp nhận của trẻ thơ. Đồng thoại được đưa nhiều vào sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học. Các tác phẩm của Trần Hoài Dương được lựa chọn vào sách giáo khoa chiếm số lượng đáng kể. Đó đều là những văn bản có giá trị giúp giáo viên hình thành kiến thức cho học sinh ở các phân môn Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu từ lớp 3 đến lớp 5.
Truyện đồng thoại của ông không chỉ mang lại những giá trị nhận thức cho trẻ, mà thông qua mỗi câu chuyện, mỗi số phận nhân vật, trẻ lại rút ra những bài học bổ ích để phát triển và hoàn thiện nhân cách. Đó là những bài học về tình yêu thiên nhiên, loài vật, yêu cỏ cây, hoa lá; đó còn là những bài học tu dưỡng bản thân; bài học về cách ứng xử trong xã hội. Qua những trang văn hay, giàu cảm xúc, các em cảm thụ được vẻ đẹp của ngôn từ văn chương.
KẾT LUẬN
1. Có những năm tháng mỗi con người đều đã trải qua, hẳn sẽ không thể quên được đó chính là tuổi thơ của mình. Có những người bạn nhỏ bé đồng hành khó có thể thiếu trong mỗi con người đó chính là những trang sách. Truyện viết cho thiếu nhi có nhiều trang sách đẹp mà mỗi khi ta đọc nó, mỗi người như được trở về với tuổi thơ của chính mình.
Nghiên cứu thế giới nghệ thuật truyện đồng thoại của Trần Hoài Dương, tác giả luận văn tìm hiểu thể loại này với những nét đặc điểm chung của các thể loại văn học thiếu nhi, để từ đó khẳng định được những nét đặc trưng của thể loại đồng thoại. Do vậy, ở chương 1, chúng tôi nêu ra những vấn đề chung của truyện viết cho thiếu nhi về đề tài, chủ đề đến hình thức thể hiện. Trên cơ sở đó, chúng tôi chỉ ra những đặc điểm riêng của thể loại đồng thoại, giải thích vì sao đồng thoại lại có vị trí đặc biệt trong lòng mỗi độc giả nhỏ tuổi và khái quát về cuộc đời, sự nghiệp văn chương của nhà văn dành trọn cả đời mình để viết cho trẻ thơ- Trần Hoài Dương. Trên cơ sở những vấn đề này làm nền tảng, cơ sở quan trọng để chúng tôi triển khai các chương tiếp theo đạt hiệu quả.
2. Những thành công lớn của các nhà văn viết đồng thoại phải kể đến Tô Hoài với lối viết truyện tự nhiên, dí dỏm; cách viết của Nguyễn Kiên chân thật, sâu sắc; Ngọc Giao mềm mại, giàu cảm xúc; thì Trần Hoài Dương có cách viết truyện ngắn gọn, nhẹ nhàng, giản dị phù hợp với cách tiếp nhận của trẻ thơ. Khảo sát tập truyện Cô bé mảnh khảnh, luận văn khẳng định được tài năng viết truyện đồng thoại của Trần Hoài Dương. Ông thật xứng đáng với tên gọi mà những người bạn trong nghề đặt cho: Nhà văn cả đời viết cho thiếu
nhi. Đọc các tác phẩm của ông, độc giả được sống cùng với thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, gần gũi. Ta được chứng kiến nhiều tình huống bất ngờ.
Bên cạnh đó là những không gian nghệ thuật được trải rộng. Cách hư cấu truyện độc đáo thông qua biện pháp tu từ nhân hóa.
Từ việc dựa trên những quan niệm về thế giới nghệ thuật nói chung, chúng tôi xem xét thế giới nghệ thuật truyện đồng thoại của trần Hoài Dương trên những mặt cụ thể.
Luận văn khảo sát những chủ đề chính trong tập truyện Cô bé mảnh khảnh. Các chủ đề nổi bật trong tập truyện gắn liền với cuộc sống sinh hoạt
của các em đến những mối quan hệ xung quanh trẻ. Đó là những chủ đề xoay quanh tình bạn, tình thầy trò; chủ đề gia đình và tình yêu thiên nhiên, loài vật.
Bên cạnh các chủ đề chính, luận văn xem xét các loại nhân vật trong đồng thoại. Ta có thể khẳng định rằng, thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại đa dạng, phong phú. Dựa vào đặc điểm và môi trường sống của loài vật mà Trần hoài Dương đã hư cấu thành nhiều nhân vật: Từ nhân vật sống dưới
nước, nhân vật sống trong sân vườn, hang hốc đến nhân vật trong rừng sâu;
Từ nhân vật là các loài chim đến nhân vật là những hiện tượng thiên nhiên
quanh ta. nhưng nhân vật chính vẫn là trẻ em. Có thể thấy rằng, truyện Đồng thoại của Trần Hoài Dương đã đem đến cho độc giả nhỏ tuổi những món quà quý giá trong đời sống tinh thần của các em.
3. Với việc khảo sát đồng thoại của Trần Hoài Dương từ những trích dẫn, ngữ liệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học, luận văn đã chứng minh được những giá trị của nó đối với học sinh qua những nhân vật và hình thức nghệ thuật. Đồng thoại của tác giả góp phần giáo dục nhận thức, giáo dục nhân cách và bồi dưỡng năng lực văn cho các em, phần nào đó gợi ý cho giáo viên có cách dạy tốt những tri thức về ngôn ngữ Tiếng Việt cho học sinh. Với những giá trị chúng tôi đã tìm hiểu về đồng thoại của Trần Hoài Dương, có thể khẳng định: ông là nhà văn của trẻ thơ.
Nghiên cứu thế giới nghệ thuật truyện đồng thoại của trần Hoài Dương
và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh Tiểu học. Chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm
một cái nhìn sâu sắc về thế giới nghệ thuật truyện đồng thoại đối với lứa tuổi học sinh Tiểu học và một cơ sở khoa học giúp cho sự đánh giá về vị trí của Trần Hoài Dương trong nền văn học thiếu nhi của đân tộc.