B. Về đơn kiện lại:
PHÁN QUYẾT SỐ 38 TRANH CHẤP VỀ SỬA ĐỔI GIÁ
TRANH CHẤP VỀ SỬA ĐỔI GIÁ TRONG HỢP ĐỒNG THẦU PHỤ XÂY DỰNG Các bên:
Nguyên đơn : Nhà thầu phụ Italia Bị đơn : Nhà thầu chính Libi
Các vấn đề được đề cập:
Sửa đổi giá quy định trong hợp đồng
Đơn phương ngừng công việc ở công trường đang xây dựng Nghĩa vụ hợp tác thiện chí
Áp dụng mọi biện pháp nhằm giảm thiệt hại
Tóm tắt vụ việc:
Nguyên đơn là một liên doanh được thành lập theo luật Italia với mục đích thực hiện công việc xây dựng dân dụng tại Libi. Bị đơn là một công ty cổ phần hoạt động theo luật Libi trong lĩnh vực xây dựng và xây dựng dân dụng tại Libi. Bị đơn được chọn để thực hiện một số công việc xây dựng cho Chủ Công trình Libi. Ngày 22 tháng 10 năm 1978, một hợp đồng thầu phụ được ký giữa Nguyên đơn và Bị đơn, theo đó Nguyên đơn được thầu lại một số công việc. Các bên đã quy định một giá khoán ấn định trong hợp đồng và giá của công trình “sẽ là giá cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng và không thể bị sửa đổi”. Hợp đồng chịu sự điều chỉnh của luật Libi và thời hạn thực hiện hợp đồng ấn định là 24 tháng, thời hạn bàn giao công trình là ngày 15 tháng 10 năm 1980.
Ngay từ khi bắt đầu công việc xây dựng đã gặp phải khó khăn do có một vài chậm trễ về thủ tục hành chính và do có khan hiếm về nguyên vật liệu. Sau khi cân nhắc các khó khăn này, Bị đơn yêu cầu Chủ công trình cho lùi thời gian bàn giao công trình lại 8 tháng so với dự tính ban đầu. Và Bị đơn cũng đã yêu cầu Chủ Công trình tăng giá công trình lên 30%, với lý do là giá gỗ, xi măng và cát đã tăng nhiều kể từ khi hợp đồng được ký kết.
Tới ngày 1 tháng 5 năm 1980, chỉ khoảng 10% tổng giá trị công việc được hoàn thành, điều này chứng tỏ công việc đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Các bên đã gặp đại diện của Chủ công trình nhiều lần để tìm ra giải pháp giải quyết những khó khăn liên quan đến việc hoàn thành công trình. Và cuối cùng Nguyên đơn và Bị đơn đã ký kết một văn bản sửa đổi đối với hợp đồng thầu phụ vào ngày 28 tháng 10 năm 1980, với các điều khoản sửa đổi cơ bản như sau:
Thời hạn bàn giao công trình được dời tới ngày 15 tháng 6 năm 1982, tức là 20 tháng kể từ ngày 15 tháng 10 năm 1980; Bị đơn chấp nhận về nguyên tắc sửa đổi giá của hợp đồng, với điều kiện là được sự đồng ý của Chủ Công trình; Bị đơn chấp nhận tạo điều kiện về tài chính cho Nguyên đơn để có thể tiếp tục công việc.
Trong thoả thuận khác được ký cùng ngày, Bị đơn cam kết đưa ra một “trả lời chính thức” trong vòng hai tháng về việc tăng giá hợp đồng, vấn đề mà các bên đã thỏa thuận được với nhau về mặt nguyên tắc.
Thực tế đến tận năm 1981 việc sửa đổi giá này vẫn không được thực hiện. Do đó Nguyên đơn đã có văn bản gửi Bị đơn nhắc lại việc sửa đổi giá công trình và Bị đơn đã gửi tới Chủ Công trình đề nghị tăng giá hợp đồng lên 45%. Trong khi đó, Nguyên đơn vẫn tiếp tục thực hiện công việc.
Tháng 12 năm 1981, Nguyên đơn và Bị đơn ký một thoả thuận quyết định tăng giá hợp đồng và việc thanh toán sẽ được thực hiện chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 1981. Thỏa thuận này kéo theo một số sửa đổi khác đối với hợp đồng vào tháng 1 năm
1982. Tuy nhiên, Bị đơn đã không hề ấn định khoản tiền sửa đổi là bao nhiêu cũng như thanh toán bất cứ một khoản tiền nào cho Nguyên đơn theo như thoả thuận về sửa đổi giá của hợp đồng vì thực tế, chủ công trình chưa từng chấp nhận sửa đổi giá của hợp đồng. Mặc dù vậy, Nguyên đơn vẫn tiếp tục các hoạt động của mình tại công trường vì Bị đơn trả lời rằng tình trạng nói trên chỉ là do quan liêu giấy tờ mà thôi.
Tháng 7 năm 1982, Nguyên đơn tiến hành rút nhân lực của mình khỏi công trường, không tiếp tục thực hiện các công việc trên công trường của mình với lý do Bị đơn chậm trễ trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết trong bản sửa đổi hợp đồng tháng 1 năm 1982. Đến thời điểm này, Nguyên đơn mới chỉ hoàn thành gần 20% giá trị công trình.
Sau khi cố gắng hoà giải nhưng không có kết quả, tháng 7 năm 1983, Bị đơn gửi công văn cho Nguyên đơn thông báo huỷ bỏ hợp đồng thầu phụ do lỗi của Nguyên đơn. Sau đó, Nguyên đơn đã trình lên Toà án trọng tài ICC yêu cầu giải quyết việc huỷ bỏ hợp đồng do lỗi nghiêm trọng của Bị đơn và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại mà Nguyên đơn phải chịu.
Phán quyết của trọng tài:
Toà án trọng tài quyết định luật áp dụng giải quyết tranh chấp này là luật Libi, trong trường hợp luật Libi không điều chỉnh hoặc không đầy đủ thì sẽ áp dụng lex mercatoria (thông lệ thương mại) và các nguyên tắc chung.
Toà án trọng tài cho rằng các bên đã thống nhất về những thay đổi đối với hợp đồng sau khi phát sinh những khó khăn đầu tiên, vì vậy thấy không cần thiết phải xem xét mức độ thiệt hại mà Nguyên đơn phải gánh chịu, trọng tài chỉ xem xét những vấn đề sau:
Vấn đề thứ nhất cần được xem xét là việc bất ngờ rút khỏi công trường vào tháng 6 và 7 năm 1982. Hành vi này là một căn cứ xác định lỗi của Nguyên đơn trong việc dừng thực hiện hợp đồng thầu phụ, trừ khi Nguyên đơn viện dẫn được họ thực hiện hành vi đó là do lỗi của Bị đơn.
Nguyên đơn khẳng định rằng Nguyên đơn có quyền rút khỏi công trường vào tháng 6 và 7 và huỷ bỏ hợp đồng thầu phụ vì Bị đơn không chấp hành các nghĩa vụ đã ký kết trong các văn bản sửa đổi về việc tăng giá của hợp đồng và thanh toán khoản tiền nợ.
Để bào chữa, một mặt Bị đơn lập luận rằng việc sửa đổi giá hợp đồng chỉ được thực hiện với điều kiện là phải được Chủ công trình chấp thuận, mà thực tế Chủ công trình chưa bao giờ chấp thuận, mặt khác Bị đơn cho rằng luật Libi loại trừ nguyên tắc sửa đổi giá đã được ấn định, vì vậy bất cứ thoả thuận nào về việc sửa đổi sẽ không có hiệu lực.
Về vấn đề thứ nhất, Uỷ ban trọng tài nhận thấy rằng đúng là thoả thuận ngày 28 tháng 10 năm 1980 thể hiện sự thống nhất của Bị đơn về nguyên tắc sửa đổi giá của hợp đồng được thực hiện với điều kiện có sự chấp thuận của Chủ công trình, nhưng trong các thoả thuận sửa đổi sau đó không hề nhắc đến điều kiện này. Hơn nữa, trong bản sửa đổi hợp đồng ngày 14 tháng 1 năm 1982 xác định nguyên tắc sửa đổi giá hợp đồng có nêu rõ rằng nguyên tắc này “đã được Chủ công trình thông qua”.
Ngoài ra, vì hợp đồng thầu chính giữa Chủ công trình và Bị đơn hoàn toàn độc lập với hợp đồng thầu phụ giữa Bị đơn và Nguyên đơn và trong các thỏa thuận sửa đổi hợp đồng Bị đơn đã cam kết tăng giá hợp đồng vô điều kiện, nhất trí thanh toán trong thời hạn xác định nên việc Chủ công trình có đồng ý với việc tăng giá hay không cũng không có ý nghĩa gì.
Về luận điểm thứ hai của Bị đơn, Điều 657 Luật dân sự Libi loại trừ trên nguyên tắc việc sửa đổi giá hợp đồng đã được ấn định, song Mục 4 của Điều này qui định về quyền tăng giá hoặc ngừng hợp đồng khi có những sự kiện không thể lường trước và ngoại lệ phát sinh sau khi hợp đồng được ký kết.
Về điểm này, Uỷ ban trọng tài cho rằng luật Libi cũng giống như luật quốc gia của Đức và luật của Thuỵ Sỹ hoặc thậm chí cũng như lex mercatoria, đưa ra thuyết về sự kiện không lường trước phát sinh và trong những trường hợp như vậy sẽ áp dụng nguyên tắc cao hơn, đó là nguyên tắc thiện chí.
Uỷ ban trọng tài cũng cho rằng luật Libi cũng như luật Thuỵ Sỹ và luật Đức, không chỉ quy định các bên phải hoàn thành nghĩa vụ của mình phù hợp với nguyên tắc thiện chí (như qui định tại Điều 148 Chương 1 Luật dân sự Libi), mà còn cấm lạm dụng luật (như qui định tại Điều 5 Luật dân sự Libi).
Như vậy, trái với những điểm bào chữa của Bị đơn, luật Libi không cấm việc sửa đổi giá đã được ấn định khi có những sự kiện không lường trước và bất thường xảy ra và trong những trường hợp như vậy cho phép tăng giá hợp đồng hoặc ngừng hợp đồng và lý luận này cũng được hệ thống pháp luật khác như luật Đức và Thuỵ Sỹ thừa nhận.
Điều đó có nghĩa là sửa đổi giá của hợp đồng trong một thời hạn ấn định và thanh toán khoản tiền chênh lệch do tăng giá là hợp pháp và vì vậy những sửa đổi này là hoàn toàn có hiệu lực.
Bị đơn cho rằng thoả thuận giữa các bên là không đầy đủ vì nó không đề cập yếu tố quan trọng của hợp đồng, đó là khoản tăng giá của hợp đồng. Còn Nguyên đơn lại cho rằng những khoản tăng đó đã được nêu ra ở trong bức thư do Bị đơn gửi cho Chủ công trình ngày 4 tháng 6 năm 1981 và một bản sao được gửi cho Nguyên đơn theo đó Bị đơn yêu cầu chủ công trình tăng 45% giá hợp đồng.
Trọng tài cho rằng không cần thiết phải xác định xem bức thư nói trên có phải là thoả thuận giữa các bên về khoản giá tăng hay không, bởi từ các tài liệu đưa ra trong vụ kiện này và đặc biệt là thông báo về tăng chi phí vật liệu, công việc, vận tải và các chi phí dịch vụ khác thì hoàn toàn có thể xác định khoản tăng giá một cách khách quan chỉ trên cơ sở các số liệu sẵn có mà không cần quyết định chủ quan của một bên nào cả.
Ngoài ra, Điều 7 văn bản sửa đổi ngày 4 tháng 1 năm 1982 đề cập đến nghĩa vụ xác định khoản tăng giá của Bị đơn trong thời hạn nhất định. Đây là nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng. Như vậy, việc không tiến hành các bước thích hợp để xác định việc tăng giá được coi như là một sự vi phạm nghĩa vụ từ phía Bị đơn và do đó Bị đơn phải chịu trách nhiệm về việc này.
Từ các phân tích nêu trên, Uỷ ban trọng tài chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của Nguyên đơn.
Về khoản thiệt hại, tức khoản bồi thường cho Nguyên đơn, khoản tiền này sẽ được xác định theo nguyên tắc tại Điều 224 Luật dân sự Libi. Theo đó, việc xác định mức độ thiệt hại sẽ căn cứ vào hoàn cảnh và mức độ nghiêm trọng của lỗi của Bị đơn vì trong vụ kiện này rõ ràng rằng Bị đơn đã không thực hiện nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bị đơn không cố ý gây thiệt hại cho Nguyên đơn mà họ còn cố gắng hợp tác với hy vọng hoàn thành công việc. Thực tế, Bị đơn đã nhất trí với Nguyên đơn về những khoản tiền ứng trước quan trọng mà không cần bất cứ nghĩa vụ hợp đồng nào và đó chính là bằng chứng rõ ràng về thái độ thiện chí, và nếu có áp dụng chế tài thì sẽ là chế tài không quá nghiêm khắc. Từ xem xét các yếu tố nói trên, uỷ ban trọng tài đã xác định khoản tiền hợp lý mà Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn.
PHÁN QUYẾT SỐ 39