B. Về đơn kiện lại:
TRANH CHẤP TRONG LIÊN DOANH Các bên:
Các bên:
Nguyên đơn : Một công ty Trung Quốc Bị đơn : Một công ty Pháp
Các vấn đề được đề cập:
- Thành lập một phòng ban trong Liên doanh
- Hành động của Chủ tịch Hội đồng quản trị mà không có sự nhất trí của toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị
- Thiệt hại
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 16 tháng 5 năm 1992, Nguyên đơn, Bị đơn và hai bên khác ký hợp đồng Liên doanh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thượng Hải chuyên sản xuất quần áo. Văn bản chấp thuận thành lập Liên doanh được ban hành ngày 21 tháng 5 năm 1992 và giấy phép kinh doanh được cấp ngày 2 tháng 6 năm 1992. Ngày 25 tháng 8 năm 1992, Liên doanh bắt đầu hoạt động.
Ngày 15 tháng 10 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên doanh, một thành viên Hội đồng quản trị do Bị đơn chỉ định và một số người khác đến Phòng kinh doanh của Liên doanh lấy đi giắc cắm điện thoại và tuyên bố Liên doanh ngừng hoạt động để tiến hành một số điều chỉnh. Họ cũng niêm phong két an toàn và ba ngăn kéo bên trái bàn làm việc của nhân viên phụ trách tài chính, giữ chìa khoá ô tô của Liên doanh và bằng lái xe của người lái xe. Sáng ngày 16 tháng 10 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng quản trị cử đại diện đến ngân hàng để đóng tài khoản của Liên doanh nhưng đã bị ngân hàng từ chối. Ngày hôm sau, tài khoản của Liên doanh ở Chi nhánh Thượng Hải - Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc đã bị đóng. Vì vậy, mọi hoạt động của Liên doanh bị ngừng lại.
Nguyên đơn kiện Bị đơn vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại 960.000 Nhân dân tệ cho Liên doanh. Theo Điều 43 của Hợp đồng Liên doanh, bất kỳ bên nào cản trở việc thực hiện các điều khoản hợp đồng và các phụ lục kèm theo sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng. Điều 54 của Điều lệ Liên doanh quy định Nguyên đơn được hưởng lợi nhuận từ hoạt động của liên doanh theo tỷ lệ đóng góp vào vốn điều lệ của Liên doanh, tức 15% lãi thu được của Liên doanh. Vì vậy, hành vi của Bị đơn gây thiệt hại cho Nguyên đơn 144.000 Nhân dân tệ và Nguyên đơn đã kiện Bị đơn ra Văn phòng Thượng Hải của Uỷ ban trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc (CIETAC) theo Điều 46 của Hợp đồng Liên doanh yêu cầu:
1. Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn 144.000 Nhân dân tệ.
2. Phí trọng tài do Bị đơn chịu.
3. Bị đơn phải trả 3.700 Nhân dân tệ chi phí pháp lý.
Bị đơn lập luận rằng Phòng kinh doanh của Liên doanh thực tế đã được Tổng giám đốc và một thành viên Hội đồng quản trị thành lập một cách bất hợp pháp. Tổng giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị đó đều do Nguyên đơn chỉ định. Việc thành lập Phòng kinh doanh không chỉ vi phạm Hợp đồng Liên doanh, Điều lệ Liên doanh mà còn vi phạm các bộ luật và quy định thương mại và công nghiệp của Trung Quốc. Hơn nữa, hành động của Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên doanh (do chính Nguyên đơn chỉ định) vào ngày 15 tháng 10 năm 1992 và những ngày sau đó không phải chỉ là hành động đơn phương của Bị đơn. Hành động này được tiến hành theo quyết định chung của năm thành viên Hội đồng quản trị trên cơ sở yêu cầu khẩn cấp của hơn 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị. Quyết định này của các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Liên doanh (tất cả những người này đều do Bị đơn chỉ định) được đưa ra do họ đã bị mua chuộc và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ được giao. Những hành vi này của họ gây tổn thất cho Liên doanh nhưng đã được thực hiện và được Hội đồng quản trị phê chuẩn sau đó bằng quyết định ngày 21 tháng 10 năm 1992.
Phán quyết của trọng tài:
1. Phòng kinh doanh của Liên doanh là một bộ phận nội tại chứ không phải là một chi nhánh của Liên doanh. Theo Quy định về quản lý thương mại và công nghiệp và ý kiến của Sở thương mại và công nghiệp Thượng Hải, không cần thẩm tra, phê chuẩn và cũng không cần đăng ký với sở thương mại và công nghiệp địa phương khi thành lập một phòng ban của Liên doanh.
2. Hành động của Chủ tịch Hội đồng quản trị do Nguyên đơn chỉ định vào ngày 15 tháng 10 năm 1992 và những ngày sau đó không được toàn bộ hội đồng quản trị thông qua, mà chỉ được sự đồng ý của một số thành viên hội đồng quản trị. Sau đó, hành động này đã được thông qua bằng một nghị quyết của Hội đồng quản trị vào ngày 21 tháng 10 năm 1992 nhưng chỉ có một vài thành viên Hội đồng quản trị tham dự cuộc họp. Vì hành động đã không được toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị thông qua nên nó hoàn toàn trái với các điều khoản trong Hợp đồng Liên doanh và Điều lệ Liên doanh.
3. Trong thời gian từ 28 tháng 8 năm 1992 (khi Liên doanh bắt đầu hoạt đồng) cho đến ngày bắt đầu tố tụng trọng tài, Liên doanh không chính thức sản xuất hay ký kết hợp đồng với bất kỳ khách hàng nào. Vì vậy, yêu cầu của Nguyên đơn đòi bồi thường 144.000 Nhân dân tệ không có đủ chứng cứ và đã bị Uỷ ban trọng tài bác.
4. Xét thấy cả Nguyên đơn và Bị đơn đều không yêu cầu huỷ Hợp đồng Liên doanh, Uỷ ban trọng tài đề nghị cả Nguyên đơn và Bị đơn và hai bên kia tuân thủ các điều khoản của Hợp đồng Liên doanh và Điều lệ Liên doanh, Luật Liên doanh với nước ngoài của Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Quy định về việc thi hành Luật Liên doanh với nước ngoài của Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tất cả các vấn đề của Liên doanh phải được xem xét và quyết định bởi Hội đồng quản trị Liên doanh. Nếu tranh chấp phát sinh thì phải báo cáo cho cơ quan chính phủ có liên quan hoặc giải quyết thông qua tư vấn hay hoà giải của bên thứ ba.
5. Phí trọng tài sẽ do cả Nguyên đơn và Bị đơn trả. Nguyên đơn trả 35% phí trọng tài và phần còn lại do Bị đơn trả.
6. Các loại chi phí pháp lý của Nguyên đơn sẽ do Nguyên đơn tự trả.
Phán quyết:
1. Bác khiếu kiện của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường 144.000 Nhân dân tệ.
2. Phí trọng tài do cả Nguyên đơn và Bị đơn trả. Nguyên đơn trả 35% phí trọng tài và phần còn lại do Bị đơn trả.
3. Bác khiếu kiện của Nguyên đơn đòi Bị đơn thanh toán về phí pháp lý. Phán quyết này có giá trị chung thẩm.
PHÁN QUYẾT SỐ 50