Các độc tính khác của thuốc

Một phần của tài liệu BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ LƠXÊMI CẤP DÒNG LYMPHO TÁI PHÁT Ở NGƯỜI LỚN BẰNG PHÁC ĐỒ HYPER - CVAD (Trang 79 - 82)

d. Diễn biến số lượng tiểu cầu

4.3.8.3. Các độc tính khác của thuốc

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tác dụng không mong muốn của thuốc gặp nhiều nhất là rụng tóc (100% bệnh nhân), buồn nôn và nôn trong những ngày điều trị hoá chất (88,9% bệnh nhân), suy tuỷ sau điều trị (100% bệnh nhân). Một số tác dụng phụ khác cũng được ghi nhận trong một số trường hợp, bao gồm: ngứa và nổi ban (16,7% bệnh nhân), viêm kết mạc (13,9% bệnh nhân).

Trong nghiên cứu này, chúng tôi chưa phát hiện thấy độc tính của thuốc hoá chất lên tim, biểu hiện bằng bất thường chức năng tâm thu, loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tim. Điều này cũng là hợp lý vì thuốc doxorubicin sử dụng trong nghiên cứu của chúng tôi chưa tới liều tới hạn có thể gây độc cơ tim [33].

Chúng tôi cũng không ghi nhận trường hợp nào có các biểu hiện tác dụng không mong muốn của thuốc hoá chất khác như viêm bàng quang chảy máu do cyclophosphamid hay tổn thương nao do cytarabin liều cao v.v…

Như vậy, các tác dụng không mong muốn liên quan đến loại thuốc và liều thuốc sử dụng chỉ gặp trên một tỷ lệ bệnh nhân không lớn và chúng tôi không ghi nhận trường hợp nào phải giảm liều hoặc dừng phác đồ điều trị do tác dụng không mong muốn của thuốc. Việc sử dụng phối hợp mesna để hạn chế độc tính lên thận và biểu mô bàng quang của cyclophosphamid, leucovorin để hạn chế độc tính của methotrexate lên tế bào bình thường có lẽ cũng góp phần đáng kể trong việc hạn chế các tác dụng không mong muốn của các thuốc hoá chất này, đặc biệt là khi sử dụng với liều rất cao trong phác đồ hyper-CVAD [58], [76].

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 36 bệnh nhân lơxêmi cấp dòng lympho (ALL) tái phát điều trị phác đồ hyper-CVAD tại Khoa Bệnh máu C8, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ tháng 1/2006 - 8/2008, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:

1. Phác đồ hyper-CVAD có hiệu quả trong điều trị ALL tái phát, giúp

đạt tỷ lệ LBHT trên 36,1% bệnh nhân; 19,4% bệnh nhân đạt LBMP. Tỷ lệ lui bệnh đạt cao nhất ở các đợt sau cùng của liệu trình điều trị (đợt 5 – 38,7% LBHT, đợt 6 – 43,3% LBHT).

2. Phác đồ hyper-CVAD gây tình trạng suy tuỷ nặng nề, có xu hướng tăng dần trong liệu trình điều trị, thể hiện bởi:

(1) Suy tuỷ rất nặng với các chỉ số tế bào máu như SLBCHTT giảm dưới 0,5 G/l có thể gây tai biến nhiễm trùng cơ hội nghiêm trọng; SLTC giảm nặng làm tăng nguy cơ xuất huyết nội tạng gây tử vong; tình trạng này kéo dài trong ít nhất 1 tuần (SLBCHTT thấp nhất là 0,31 G/l; SLTC thấp nhất là 12,1 G/l);

(2) Suy tuỷ có xu hướng nặng hơn và kéo dài hơn trong các đợt cuối của liệu trình điều trị (đợt 4, 5, 6); thời điểm các chỉ số tế bào máu ngoại vi giảm thấp nhất được ghi nhận ở tuần thứ 3-4 sau điều trị (21-24 ngày).

3. Tỷ lệ nhiễm trùng sau điều trị rất cao và có xu hướng tăng trong các đợt điều trị cuối của liệu trình (cao nhất là 86,7%), khởi phát chủ yếu vào cuối tuần thứ 1 đến đầu tuần thứ 2 sau điều trị hoá chất. Tác nhân nhiễm trùng gặp nhiều nhất là vi khuẩn Gram (-) chiếm 80,5% trong đó E.Coli chiếm 31,7%.

Kiến nghị

1. Suy tuỷ sau điều trị, đặc biệt là tỷ lệ nhiễm trùng cơ hội do giảm bạch cầu hạt sau điều trị phác đồ hyper-CVAD rất cao, là nguyên nhân chính gây tử vong cho bệnh nhân. Vì vậy bác sĩ điều trị cần nắm được xác suất thời điểm SLBCHTT giảm nặng nhất để phát hiện sớm, nhằm phòng ngừa và điều trị kịp thời biểu hiện nhiễm trùng.

2. Bước đầu chúng tôi thấy tỷ lệ LBHT sau điều trị bằng phác đồ hyper-CVAD trong điều trị ALL tái phát là khả quan và tương đương với nghiên cứu của các tác giả nước ngoài. Chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu tiếp với số lượng bệnh nhân lớn hơn để đánh giá hiệu quả của phác đồ này xét về thời gian sống thêm trong từng nhóm nguy cơ cụ thể.

Một phần của tài liệu BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ LƠXÊMI CẤP DÒNG LYMPHO TÁI PHÁT Ở NGƯỜI LỚN BẰNG PHÁC ĐỒ HYPER - CVAD (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(91 trang)
w