Nhìn chung, các tác giả nghiên cứu về biểu hiện nhiễm trùng cơ hội do giảm bạch cầu hạt đều thống nhất rằng SLBCHTT là chỉ số quan trọng nhất trong đánh giá nguy cơ nhiễm trùng cơ hội. Trong nghiên cứu này, chúng tôi theo dõi diễn biến của SLBCHTT trong liệu trình điều trị hoá chất và so sánh mức độ giảm bạch cầu hạt giữa các đợt điều trị.
Biểu đồ 3.9 cho thấy cũng như SLBC, SLBCHTT giảm nhanh và giảm rất nặng sau điều trị hoá chất. Trị số của SLBCHTT thường thấp nhất vào tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau điều trị. Hyper-CVAD là một phác đồ hoá chất liều rất cao, do vậy SLBCHTT giảm nặng ở mức xấp xỉ 0,5 G/l trong các đợt điều trị đầu và giảm dưới 0,5 G/l trong các đợt cuối của liệu trình điều trị (SLBCHTT thấp nhất tương ứng là 0,31 G/l và 0,34 G/l trong 2 đợt hoá chất cuối cùng). Một yếu tố gây quan ngại nữa được ghi nhận trong nghiên cứu của chúng tôi là SLBCHTT có xu hướng giảm ngày càng kéo dài và tuy trì ở mức rất thấp trong 7-14 ngày trong các đợt cuối của liệu trình điều trị. Trong 3 đợt điều trị cuối cùng, SLBCHTT giảm rất thấp kéo dài từ cuối tuần thứ 2 (ngày thứ 14) đến tận giữa tuần thứ 4 sau điều trị (ngày thứ 24) với trị số trung bình xấp xỉ hoặc thấp hơn 0,5 G/l.
Như vậy, có thể thấy bệnh nhân ALL tái phát điều trị phác đồ hyper- CVAD có nguy cơ nhiễm trùng cơ hội rất cao do mức độ và thời gian giảm BCHTT kéo dài. Thời điểm tuần thứ 2-4 sau điều trị là quang thời gian nhạy cảm nhất và bệnh nhân cần được theo dõi sát cả về lâm sàng và xét nghiệm. Ngoài ra, do SLBCHTT là một chỉ số ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hỗ trợ thông thường và phản ánh khá chính xác tình trạng suy tuỷ nên có thể sử dụng để theo dõi biến chứng này.