Các hình thức huy động vốn

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế việt nam (VIB) (Trang 26 - 30)

Hiện nay các THTM huy động vốn dưới bốn hình thức. Đó là:

1.2.3.1. Vốn chủ sở hữu - Vốn cổ phần

+ Vốn tự có, gồm: (1) Vốn điều lệ: là khoản vốn thuộc sở hữu của ngân hàng, được ghi rõ trong điều lệ hoạt động của ngân hàng và được hình thành ngay từ khi NHTM được thành lập. Vốn điều lệ có thể được điều chỉnh trong quá trình hoạt động của ngân hàng, và (2) Quỹ dự trữ: được hình thành từ 2 quỹ là quỹ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự trữ đặc biệt để bù đắp rủi ro. Các quỹ này được trích từ lợi nhuận ròng hàng năm của ngân hàng. Việc hình thành các quỹ này nhằm làm tăng vốn tự có của Ngân hàng, đồng thời đảm bảo an toàn trong kinh doanh.

+ Vốn coi như tự có, bao gồm các khoản vốn tạm thời nhàn rỗi của ngân hàng. Đây là những khoản vốn đã được phân bổ cho những mục đích chi tiêu nhất định nhưng tạm thời chưa được sử dụng, ví dụ: lợi nhuận chờ phân bổ, tiền lương chưa đến hạn thanh toán hoặc các quỹ chuyên dùng chưa sử dụng đến như quỹ phát triển nghiệp vụ ngân hàng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ khấu hao tài sản cố định…

1.2.3.2. Vốn huy động

Đây là nguồn vốn quan trọng nhất trong số vốn thu hút từ bên ngoài của các NHTM, bao gồm:

+ Tiền gửi không kỳ hạn (demand deposit): Là loại tiền gửi mà người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào. Đây là loại tiền gửi được để trong các tài khoản vãng lai (current account). Với hình thức này, người gửi tiền có thể gửi thêm tiền vào hoặc rút tiền ra khỏi tài khoản bất cứ lúc nào. Lãi suất trên tiền gửi này thường rất thấp hoặc không được trả lãi, tuy nhiên người gửi tiền được sử dụng các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Với loại tiền gửi này, người gửi không nhằm mục đích hưởng lãi suất mà chủ yếu là nhằm đảm bảo an toàn cho khoản tiền và thực hiện các hoạt động thanh toán qua ngân hàng. Chính vì vậy mà loại tiền gửi này còn được gọi là tiền gửi thanh toán.

+ Tiền gửi có kỳ hạn (time deposit): là loại tiền gửi mà người gửi tiền chỉ được rút ra sau một thời hạn nhất định từ một vài tháng đến vài năm. Mức lãi suất của tiền gửi có kỳ hạn thường cao hơn tiền gửi không kỳ hạn. Mục

đích chủ yếu của những người gửi tiền có kỳ hạn là để lấy lãi. Về nguyên tắc, tiền gửi có kỳ hạn không được rút ra trước thời hạn. Trong trường hợp cần rút trước hạn thì khách hàng chỉ được hưởng lãi suất bằng lãi suất của tiền gửi không kỳ hạn hoặc không được hưởng lãi.

+ Tiền gửi tiết kiệm (savings deposit): Là khoản tiền để dành của cá nhân được gửi vào ngân hàng nhằm mục đích hưởng lãi theo định kỳ. Các mức lãi suất tương ứng với từng kỳ hạn gửi được ngân hàng công bố sẵn. Để ghi nhận đã nhận tiền gửi, các NHTM cấp cho khách hàng một cuốn sổ tiết kiệm. Ngoài ra còn có những hình thức khác như chứng chỉ tiết kiệm và trái phiếu tiết kiệm.

Tiền gửi kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn là nguồn vốn quan trọng nhất của NHTM. Đây là nguồn vốn tương đối ổn định vì ngân hàng nắm được những kỳ luân chuyển của vốn, vì vậy ngân hàng có thể dùng để cho vay ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn.

Vốn tiền gửi là nguồn vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số nguồn vốn, là nguồn vốn chủ yếu để các NHTM sử dụng trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của mình. Nó phản ánh một chức năng quan trọng của ngân hàng là đi vay để cho vay.

1.2.3.3. Vốn đi vay (Borrowings)

Trong quá trình hoạt động, NHTM còn có thể vay vốn từ NHTW, các tổ chức tín dụng khác, hoặc từ thị trường tài chính trong và ngoài nước. Nguồn vốn vay được sử dụng để bổ sung vào vốn huy động của các NHTM khi đã sử dụng hết vốn khả dụng mà vẫn không đủ vốn hoạt động, hay nói cách khác tạm thiếu vốn khả dụng.

+ Vay từ NHTW: Hiện NHTW cấp tín dụng cho các NHTM trong trường hợp các NHTM thiếu hụt dự trữ hay quá thiếu tiền mặt, hình thức cấp tín dụng bao gồm: (1) Chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác; và (2) Cho vay có đảm bảo bằng cầm cố thương phiếu

và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác; và (3) Cho vay lại theo hồ sơ tín dụng như thu mua lương thực, nông sản; dự trữ vật tư, nguyên liệu; sản xuất hàng hóa xuất khẩu thuộc diện ưu tiên…NHNN điều hành vay mượn này một cách chặt chẽ, tùy thuộc chính sách tiền tệ từng thời kỳ mà NHTM phải thực hiện các điều kiện đảm bảo và kiểm soát nhất định. Tuy nhiên, để tránh xảy ra khủng hoảng tài chính không đáng có, các NHTW đều có các biện pháp thực hiện tốt chức năng “là người cho vay cuối cùng” đối với các NHTM.

+ Vay ngắn hạn các khoản dự trữ từ các TCTD khác: Mục đích chính của loại vay này là nhằm đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định của NHTW hoặc các mục đích chi trả cấp bách. Khi đó NHTM thiếu hụt dự trữ sẽ đi vay của NHTM có dự trữ dư thừa. Thời hạn của loại cho vay ngày rất ngắn, thường không quá một tuần.

+ Vay từ các công ty, gồm 2 hình thức là: (1) Vay ngắn hạn bằng các Hợp đồng mua lại: Hợp đồng mua lại là hợp đồng trong đó NHTM bán các tín phiếu kho bạc mà mình đang nắm giữ cho các tổ chức kinh tế đang tạm thời thừa tiền mặt, có kèm theo điều khoản mua lại số tín phiếu đó sau một vài ngày hay một vài tuần với mức giá cao hơn. Đây chính là một công cụ vay nợ ngắn hạn thế chấp bằng tín phiếu kho bạc. Lượng tiền mặt thu được từ hợp đồng mua lại được xem như một khoản vay nợ ngắn hạn. Và (2) Vay từ công ty mẹ: áp dụng cho trường hợp NHTM thuộc sở hữu hoặc có cổ phần bị chi phối bởi một tổ chức kinh tế. Để giảm thiểu các thủ tục và những ràng buộc từ NHTW, các công ty mẹ của NHTM thường thay thế nó phát hành trái phiếu, cổ phiếu công ty hay các loại thương phiếu để huy động vốn, sau đó chuyển vốn huy động được về cho ngân hàng hoạt động dưới hình thức cho vay lại.

+ Vay từ thị trường tài chính trong nước: việc vay vốn được thực hiện thông qua phát hành các chứng từ có giá như: (1) Chứng chỉ tiền gửi có khả năng chuyển nhượng: Đây là các chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá lớn và có thể mua đi bán lại trên thị trường khi chưa đáo hạn. Thời gian đáo hạn của loại

chứng chỉ này thường không quá 6 tháng kể từ ngày phát hành. Và (2) Trái phiếu ngân hàng: Đây là công cụ vay nợ dài hạn của NHTM từ thị trường chứng khoán. Thời hạn vay thường từ 2 năm trở lên. Loại này có thể mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán khi chưa đáo hạn.

+ Vay nước ngoài: Các NHTM có thể tìm kiếm nguồn vốn hoạt động từ việc phát hành phiếu nợ để vay tiền ở nước ngoài (từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính, chính phủ…). Do loại tiền sử dụng trong thanh toán quốc tế hiện nay là USD nên vay tiền ở nước ngoài thường vay bằng USD.

1.2.3.4. Các nguồn vốn khác

Bao gồm:

+ Vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác đầu tư để cho vay theo các chương trình, dự án xây dựng…

+ Vốn hình thành trong quá trình hoạt động của ngân hàng: chủ yếu là các khoản tiền gửi tạm thời của cá nhân/tổ chức nhằm mục đích thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, như tiền gửi của các NHTM khác để nhờ thanh toán hộ, hoặc tiền ký quỹ của khách hàng để đảm bảo thanh toán trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ…

Như vậy, thông qua các hình thức huy động vốn trên có thể thấy rằng các NHTM huy động vốn chủ yếu qua hình thức nhận tiền để khai thác lượng tiền tạm thời nhàn rỗi của khách hàng. Trường hợp mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn có thể vay vốn tại các TCTD hoặc dưới hình thức chiếu khấu của NHTW để tài trợ cho danh mục tài sản. Trong số các phương thức này, huy động thông qua nguồn tiền gửi giữ vai trò quan trọng nhất do hình thức này cho phép khai thác và phát huy năng lực kinh doanh của các NHTM, đồng thời nguồn ngày thường có chi phí thấp hơn so với nguồn khác vì vốn này nhận được trực tiếp từ người gửi tiền.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế việt nam (VIB) (Trang 26 - 30)