1.4.1.1 Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng hình thành nên năng lực cạnh tranh, nguồn lực trong doanh nghiệp được chia thành 3 cấp: Quản trị viên cấp cao, quản trị viên cấp trung gian và đội ngũ nhân viên. Các quản trị viên cấp cao có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định quản lý doanh nghiệp. Nếu họ có trình độ quản lý cao, có nhiều kinh nghiệm trên thị trường, khả năng đánh giá và có mối quan hệ đối ngoại tốt thì doanh nghiệp đó sẽ có sức cạnh tranh cao. Quản trị viên cấp trung gian là những người thực thi các quyết định của nhà quản trị cấp cao. Sự tích cực, sáng tạo của những nhà quản trị viên cấp trung gian giúp cho các nhà quản trị cấp cao có được những quyết định, chiến lược tốt tạo nên sự vận hành năng động và hiệu quả của doanh nghiệp.
Đội ngũ công nhân là lực lượng trực tiếp sản xuất để tạo ra sản phẩm. Để một sản phẩm có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường thì tay nghề, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo trong công việc của đội ngũ công nhân là vô cùng quan trọng, điều này giúp doanh nghiệp không những giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm mà còn tạo ra được những sản phẩm mới lạ và độc đáo.
1.4.1.2 Cơ sở vật chất kỹ thuật
Cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, tiến tiến, công nghệ cao, phù hợp
cho phép rút ngắn thời gian sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiến hành sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật để ra.
1.4.1.3 Tài chính
Đây là nhân tố quan trọng quyết định khả năng sản xuất, đầu tư cũng như chỉ tiêu hàng đầu để đánh giá quy mô của doanh nghiệp. Bất cứ một hoạt động đầu tư, mua sắm hay phân phối, quảng cáo nhằm tạo ra sản phẩm và làm tăng sự hấp dẫn của sản phẩm đều phải tính toán dựa trên thực trạng tài chính của doanh nghiệp.
Năng lực tài chính thể hiện ở quy mô vốn, khả năng huy động và sử dụng vốn có hiệu quả, năng lực quản lý tài chính, trong việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp.
Năng lực tài chính gắn với vốn – là một yếu tố sản xuất cơ bản và là đầu vào của quá trình sản xuất. Do đó, sử dụng vốn có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm chi phí vốn, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, vốn còn là tiền đề của các yếu tố sản xuất khác. Việc huy động vốn kịp thời nhằm đáp ứng vật tư, nguyên liệu, thuê nhân công, mua sắm thiết bị công nghệ, tổ chức hệ thống bán lẻ. Sẽ giúp cho việc sản xuất sản phẩm được diễn ra bình thường, liên tục và hiệu quả kinh tế cao.
1.4.1.4 Tổ chức quản lý
Năng lực tổ chức quản lý được thể hiện thông qua cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, hệ thống thông tin quản lý, môi trường làm việc của doanh nghiệp. Nhà quản trị phải biết khai thác tốt nhất mọi nỗ lực của nhân viên khi họ tiến hành công việc thông qua hoạt động quản trị của mình. Mỗi nhân viên là một con người với nhận thức và tình cảm riêng biệt. Để đạt được hiệu quả cao trong công việc, mỗi nhà quản trị phải biết cách tạo ra sự tự nguyện, nhiệt tình, hăng say vì công việc của mỗi nhân viên. Đồng thời, nhà quản trị còn phải biết tạo ra và phát huy được yếu tố “ tự hào doanh nghiệp” trong đơn vị của mình. Đây là điều kiện nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường.
Năng lực tổ chức, quản lý doanh nghiệp được coi là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói chung cũng như năng lực cạnh tranh sản phẩm doanh nghiệp nói riêng.
Việc hình thành tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, nhẹ và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng không chỉ đảm bảo hiệu quả quản lý cao, ra quyết định nhanh chóng, chính xác, mà còn làm giảm tương đối chi phí quản lý của doanh nghiệp từ đó doanh nghiệp có thể xây dựng giá bán cạnh tranh trong ngắn hạn và dài hạn và do đó tác động tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.