6. Kết cấu của luận văn
3.1.1 Định hướng phát triển của BHXH Việt Nam
Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngày 26/5/1997 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 15/CT-TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện chế độ BHXH đã chỉ rõ: “BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [12]
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Khẩn trương mở rộng hệ thống BHXH và an sinh xã hội. Sớm xây dựng, thực hiện chính sách BHXH đối với NLĐ thất nghiệp... Thực hiện các chính sách xã hội bảo đảm an toàn cuộc sống mọi thành viên cộng đồng, bao gồm BHXH đối với NLĐ thuộc các thành phần kinh tế, cứu trợ xã hội những người gặp rủi ro, bất hạnh”. Theo đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, Đảng ta đã xác định: “Từng bước mở rộng vững chắc hệ thống BH và an sinh xã hội. Tiến tới áp dụng chế độ BH cho mọi NLĐ, mọi tầng lớp nhân dân”. [10]
Trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới và trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, BHXH cần tiếp tục có những đổi mới cả về giác độ hoạch định chính sách và giác ngộ thực thi chính sách. Đảng ta đã chỉ rõ, đẩy mạnh CNH-HĐH và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết việc làm, khuyến khích làm giàu hợp pháp... phát triển hệ thống an sinh xã hội ...” [11, tr.187]. Điều này cũng là một trong những định hướng chiến lược của Đảng ta, đó là: " Tiếp tục hoàn chỉnh thể thế thị trường lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và
người sử dụng lao động. Đổi mới hệ thống BHXH, đa dạng hoá hình thức BHXH và phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng chế độ BHTN..." [11, trang 216].
Sự phát triển của sự nghiệp BHXH phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của nền kinh tế, do vậy chương trình phát triển ngành BHXH Việt Nam phải được xây dựng trên cơ sở chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng như của mỗi địa phương. Vì vậy, chương trình phát triển ngành BHXH Việt Nam tập trung vào những định hướng sau [23]:
- Xây dựng hệ thống pháp luật chính sách BHXH áp dụng với mọi người lao động trong các thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo thành một mạng lưới an toàn xã hội rộng khắp để đảm bảo ổn định cuộc sống cho mọi đối tượng, phát triển và mở rộng hơn nữa phạm vi BHXH.
- Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp tới mọi NLĐ trong bất cứ ngành nghề nào, thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Từng bước hiện đại hóa phương tiện quản lý của ngành, hòa nhập với xu thế quản lý thu, chi BHXH của các nước tiên tiến trên thế giới. Bộ máy quản lý cần tinh giản, gọn nhẹ, đa chức năng.
- Cán bộ, công chức, viên chức của ngành cần được đào tạo và đào tạo lại một cách cơ bản và hệ thống về chuyên môn và nghiệp vụ, cũng như nhận thức tư tưởng, đạo đức, thấm nhuần sâu sắc quan điểm phục vụ NLĐ. Làm tốt công tác cán bộ từ khâu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đến khâu đãi ngộ để phát huy hết năng lực, sở trường của họ.
- Thực hiện tốt các biện pháp bảo toàn và đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH. Quỹ BHXH được quản lý tập trung thống nhất, không thành lập, chia tách nhỏ các quỹ thành phần, để tạo ra một quỹ tài chính mạnh, tăng khả năng chi trả và cân đối quỹ.
- Mở rộng mối quan hệ mật thiết giữa cơ quan BHXH với các cơ quan hữu quan, với các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường và mở rộng mối quan hệ hợp tác, học hỏi giữa BHXH Việt nam với các tổ chức BHXH, An sinh xã hội quốc tế, hội nhập với các nước trong khu vực.