Đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, chú trọng hình thành năng lực tự học của học sinh

Một phần của tài liệu ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HOÁ HỮU CƠ Ở CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG THEO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰ ÁN (Trang 38 - 42)

II. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

2.2. Đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, chú trọng hình thành năng lực tự học của học sinh

chú trọng hình thành năng lực tự học của học sinh

2.2.1 Nắm vững nội dung, cấu trúc sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5 để đạt hiệu quả cao trong mỗi bài dạy

Phần Lịch sử lớp 4, lớp 5 không trình bày lịch sử theo một hệ thống chặt chẽ các sự kiện của tiến trình lịch sử dân tộc. Mỗi bài học là một sự kiện, hiện tượng hay nhân vật lịch sử tiêu biểu cho một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, mỗi một sự kiện, hiện tượng hay nhân vật lịch sử luôn gắn liền với một bối cảnh lịch sử cụ thể. Vì vậy, giáo viên cần nắm vững toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Trước mỗi bài dạy, cần giới thiệu sơ lược về bối cảnh lịch sử để tạo hứng thú và dẫn dắt học sinh vào bài. Cần tăng cường sử dụng tài liệu tham khảo để cung cấp thêm tư liệu lịch sử phong phú, làm sáng tỏ những kiến thức cơ bản, làm cho bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn, đồng thời hướng dẫn, gợi mở để học sinh làm việc với nguồn tư liệu, rút ra các kiến thức cần thiết. Ví dụ khi dạy bài “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (Lịch sử và Địa lí lớp 5), giáo viên có thể xen vào vài đoạn thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, giúp học sinh thấy rõ tinh thần chiến đấu dũng cảm, quên mình của cha ông để làm nên chiến thắng. Giáo viên cũng cần xác định phương pháp dạy học chủ yếu phù hợp với từng loại bài. Ví dụ, bài có những tình tiết liên quan đến yếu tố thời gian như trận đánh, cuộc

kháng chiến, cuộc khởi nghĩa hay về nhân vật lịch sử nên sử dụng phương pháp kể chuyện. Bài ôn tập, lồng kiến thức lịch sử địa phương thì sử dụng phương pháp điều tra, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu…

Mặt khác, Lịch sử và Địa lý đều giúp học sinh có những hiểu biết về con người với những hoạt động về mọi mặt trong những không gian và thời gian nhất định. Ở bậc tiểu học, Lịch sử và Địa lý là một môn học theo hình thức liên môn, nhằm tối ưu hoá khối lượng kiến thức cần truyền thụ và đạt hiệu quả hơn trong việc tích hợp các kỹ năng. Tuy cách trình bày nội dung phần Lịch sử và Địa lý vẫn tách riêng, để đảm bảo tính hệ thống của lôgic khoa học từng bộ môn, nhưng tính liên môn thể hiện trong phân phối chương trình một cách linh hoạt. Do đó, có thể dạy bài “Trung du Bắc Bộ” trước khi dạy bài “Nước Văn Lang”. Hoặc, khi dạy nội dung về “Thiên nhiên về hoạt động của con người ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng” có thể liên hệ với nội dung “Lý do nhà Lý dời đô ra Thăng Long”. Hay, có thể ghép để dạy cùng bài “Kinh thành Huế” của phần Lịch sử với bài “Thành phố Huế” của phần Địa lý ...

2.2.2. Đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở nắm vững đặc trưng của bộ môn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, chú trọng hình thành năng lực tự học của học sinh. Khác với việc nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, có thể trực tiếp quan sát ở thiên nhiên hoặc ở trong phòng thí nghiệm, lịch sử loài người không thể trực tiếp quan sát những gì thuộc về quá khứ và cũng không thể khôi phục lại diễn biến của nó trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên là phải tái tạo lịch sử. Việc tái tạo lịch sử cần chú trọng đến đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học là gắn với hình tượng cụ thể, nên khi trình bày phải coi trọng việc tạo biểu tượng cụ thể, có hình ảnh và chính xác cho học sinh.

Để dựng lại bức tranh quá khứ, trước hết dựa vào lời nói sinh động, giàu hình ảnh của giáo viên thông qua việc miêu tả, kể chuyện, làm cho học sinh xúc động, như được sống lại với sự kiện ấy. Ngôn ngữ của giáo viên vừa phải mang tính khái quát, vừa mang tính cụ thể, kết hợp lời nói với điệu bộ, sắc thái nét mặt. Chất giọng có lúc trang nghiêm thành kính, có lúc hồ hởi tươi vui, có lúc đau buồn trầm lắng, khêu gợi cảm xúc của học sinh. Bên cạnh lời nói, cần kết hợp với việc sử dụng các đồ dùng trực quan như hiện vật, tài liệu, bản đồ, tranh ảnh, phim đèn chiếu, phim video. Các phương tiện trực quan có ưu thế là tạo ra hình ảnh lịch sử cụ thể, sinh động, chính xác hơn, thuận lợi hơn trong việc tạo biểu tượng và tránh tình trạng hiện đại hoá lịch sử. “Cái gì học được ở tuổi thơ thì còn mãi”, hình ảnh để lại dấu ấn sâu đậm, khó phai mờ và lưu giữ khá lâu. Tranh ảnh về Quang Trung sẽ giúp học sinh có biểu tượng về nhân vật anh hùng này một cách cụ thể, chứ không liên tưởng tới bước chân thần tốc của Quang Trung sẽ phải đi giày ADIDAT. Việc tìm hiểu kênh hình ở một số bài cũng nhằm phát triển nhận thức

của học sinh. Ví dụ: “Quan sát đoàn xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ em có nhận xét gì?”; “Đường Trường Sơn gợi cho em suy nghĩ gì?”. Quan sát các hình ảnh, hiện vật cụ thể còn tạo cho các em lòng ham hiểu biết, nảy sinh các xúc cảm lịch sử yêu ghét, kính trọng, ham muốn noi gương, hình thành tình cảm tự nhiên, không gượng ép.

Học lịch sử là để hình dung rõ ràng, giải thích đúng, có cơ sở khoa học về lịch sử, nắm được bản chất các sự kiện lịch sử, hình thành các khái niệm lịch sử, rút ra bài học lịch sử. Nhưng các sự kiện, hiện tượng lịch sử không phải xuất hiện một cách tuỳ ý, hoàn toàn ngẫu nhiên mà chính là sản phẩm của những điều kiện lịch sử nhất định, tuân theo những quy luật nhất định. Do vậy, thay vì áp đặt những kết luận sẵn có, trên cơ sở sử liệu đã được lĩnh hội, cần tổ chức bài học thành những vấn đề học tập phát huy tính tự giác, sáng tạo của học sinh. Trong nhiều trường hợp, khi tổ chức cho học sinh phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử, có thể nêu ra nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ những cơ sở khác nhau để học sinh lựa chọn hoặc đưa ý kiến riêng của mình. Ví dụ: Bài “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần hai (1075-1077)” (Lịch sử và Địa lí lớp 4), có thể đặt vấn đề để học sinh thảo luận: “Có ý kiến cho rằng Lý Thường Kiệt đi xâm lược nhà Tống. Có ý kiến khác lại cho rằng ông cho quân tiến sang đất Tống để phá âm mưu của nhà Tống, chặn thế mạnh của giặc. Theo các em ý kiến nào đúng? Vì sao?”. Trên cơ sở hoạt động nhóm, thông qua các câu hỏi phụ, học sinh sẽ độc lập suy nghĩ, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến của bạn, cùng với sự gợi ý, bổ sung của giáo viên, các em sẽ hiểu rõ mục đích tiến sang đất Tống của Lý Thường Kiệt là phá âm mưu của nhà Tống, chặn thế mạnh của giặc, tạo thế chủ động trên chiến trường. Ở một số nội dung, có thể tổ chức thành các trò chơi, có tác dụng phát huy tính tích cực nhận thức, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Phương pháp này phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học và làm cho việc lĩnh hội kiến thức lịch sử nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả hơn. Thông qua trò chơi sẽ làm sống lại những sự kiện, nhân vật lịch sử, quá khứ anh hùng của dân tộc một cách tự nhiên, chân thực, giúp các em hiểu lịch sử sâu sắc hơn, tránh sự gò bó, áp đặt. Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của bài học, giáo viên có thể lựa chọn trò chơi cho phù hợp, đa dạng như các trò chơi “Đi tìm sự kiện”, “Thi đố kiến thức về lịch sử”, “Ô chữ”, “Lập niên biểu” hay “Đóng vai”. Ví dụ: Bài “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên” (Lịch sử và Địa lí lớp 4). Phần đầu của bài, có nhiều lời thoại có thể xây dựng thành một kịch bản. Cho học sinh đóng các vai như Vua Trần, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, các vị bô lão, các binh sĩ cùng người dẫn chuyện. Sau khi xem các “đoàn” “diễn kịch”, cùng với dẫn dắt của giáo viên thông qua các câu hỏi về câu nói của Trần Thủ Độ với vua Trần “Đầu tôi chưa rớt xin bệ hạ đừng lo”; lời hịch của Trần Quốc Tuấn; hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay của các binh sĩ; tiếng hô “Đánh” của các vị bô lão ở điện Diên Hồng; hành động bóp nát quả cam và đội quân gia nô với lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch,

báo hoàng ân” của người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, không chỉ hình thành ở học sinh biểu tượng cụ thể về các nhân vật lịch sử, mà còn giúp các em hiểu rõ ý chí quyết tâm giết giặc cứu nước từ triều đình đến nhân dân, từ già đến trẻ của vua tôi nhà Trần. Vài năm lại đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thông tin xét duyệt, hỗ trợ“Đưa kịch thiếu nhi về đề tài lịch sử Việt Nam vào các trường tiểu học”. Những buổi diễn kịch của “Sân khấu Kịch IDECAF” tại các trường tiểu học, nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của phụ huỵnh, học sinh và giáo viên. Sau khi xem kịch xong, học sinh còn được tổ chức các trò chơi mang tính vận động như Trần Quốc Toản kết hợp những người bạn tập võ; Lê Lợi biết kiên trì, nhẫn nại, tập hợp người tài. Chúng tôi rất mong muốn, việc xem kịch lịch sử của học sinh tiểu học sẽ được tiến hành thường xuyên ở các thành phố lớn, và sẽ được các ban ngành cũng như các bậc phụ huynh của các tỉnh trong toàn quốc quan tâm, để việc học lịch sử của các em sinh động, gần gũi và có ý nghĩa thiết thực hơn.

Lịch sử qua đi nhưng không hoàn toàn biến mất mà còn để lại “dấu vết” qua văn học dân gian, phong tục tập quán, lễ hội, thành quách, nhà cửa, đình, chùa, đền, miếu, qua ghi chép của người xưa, qua tên đất, tên làng, tên đường phố, qua tranh ảnh, báo chí và những ngày kỷ niệm, những ngày lễ lớn. Vì vậy, cần phải hết sức quan tâm đến các hình thức tổ chức dạy học lịch sử đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với các nguồn sử liệu nói trên. Ngoài tiết học trên lớp, có thể tổ chức cho học sinh được nghe các nhân vật lịch sử, các nhân chứng kể lại các sự kiện lịch sử. Sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với những người đã từng chứng kiến, tham dự các sự kiện trọng đại của đất nước, có tác dụng giáo dục rất lớn với học sinh về lòng khâm phục, biết ơn và noi gương. Ví dụ nhân dịp kỉ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng, hòa cùng với không khí lễ hội của tỉnh, thì đây là dịp hết sức có ý nghĩa để cho học sinh được nghe những người anh hùng kể về cuộc chiến đấu trên quê hương mình, nghe bà Ngô Thị Tuyển kể chuyện tải đạn phục vụ bộ đội và sự kiện vác hai hòm đạn gấp đôi trọng lượng cơ thể mình. Có thể đưa học sinh đến chùa Mật Đa, nghe các nhà sư kể chuyện sư Đàm Xuân đã biến nhà chùa thành nơi cứu chữa thương binh và cùng với nhân dân tiếp tế cơm nước cho bộ đội trên trận địa. Việc tiếp xúc với người thật, việc thật có sức thuyết phục mạnh hơn bất cứ phương tiện dạy học nào khác, sẽ để lại trong trái tim các em những ấn tượng hết sức sâu sắc. Niềm đam mê, yêu thích khám phá lịch sử nhiều khi bắt nguồn từ sự khâm phục, tự hào về những nhân vật mà mình đã biết. Và, để tránh tình trạng học sinh đọc lèo lèo tên các vị vua Trung Quốc mà chỉ biết mang máng về nhân vật lịch sử mà trường mình mang tên. Hằng năm, các trường cũng nên mở các cuộc thi tìm hiểu về những đóng góp của các nhân vật lịch sử gắn liền với tên trường, với địa phương hay đất nước. Bên cạnh những tiết học trên lớp, nên tổ chức việc học tập ở hiện trường, bảo tàng, tham quan các di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm lịch sử địa phương. Hà Nội là thành phố

đầu tiên trong cả nước đưa chuyên đề lịch sử địa phương vào giảng dạy trong nhà trường. Văn phòng Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai công tác biên soạn chương trình và tổ chức dạy học lịch sử Thăng Long-Hà Nội trong các trường tiểu học và phổ thông. Sau Hà Nội, mong rằng không chỉ học sinh thủ đô mà học sinh tiểu học cả nước cũng sẽ được tìm hiểu các nhân vật lịch sử, di tích danh thắng, văn hóa ẩm thực, trang phục của người dân ở địa phương mình. Các em sẽ hiểu rõ hơn những đóng góp của địa phương mình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, tự hào với truyền thống quê hương, có hành động thiết thực trong việc giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử ở địa phương, có ý thức trách nhiệm trong việc phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương mình.

Một phần của tài liệu ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HOÁ HỮU CƠ Ở CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG THEO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰ ÁN (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w