SỰ CẦN THIẾT PHẢI BỔ SUNG KHÁI NIỆM TƯ DUY PHÊ PHÁN VÀO THANG ĐÁNH GIÁ KỸ NĂNG TƯ DUY CỦA SINH VIÊN Ở NHÀ TRƯỜNG

Một phần của tài liệu ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HOÁ HỮU CƠ Ở CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG THEO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰ ÁN (Trang 26 - 28)

THANG ĐÁNH GIÁ KỸ NĂNG TƯ DUY CỦA SINH VIÊN Ở NHÀ TRƯỜNG VIỆT NAM

Trong tiếng Việt, phê phán có nghĩa là “vạch ra cái sai trái để tỏ thái độ không đồng tình hoặc lên án” [5, tr 776], là “phân tích một cách hệ thống để phủ định cái sai trái” [3, tr 270]. Trước đây, khái niệm tư duy phê phán ít được sử dụng trong tiếng Việt, hoặc nếu có thì cũng thường được hiểu với nghĩa là sự phê bình gay gắt, sự không đồng tình, thậm chí là “chê bai, miệt thị, coi thường” [9].

Trong tiếng Anh, tư duy phê phán (critical thinking) không có nghĩa chỉ là phê phán, lên án. Nó được dùng với một hàm nghĩa rất rộng. Đó là khả năng phát hiện vấn đề, khả năng phân tích và tổng hợp thông tin để giải quyết vấn đề; là nỗ lực nhìn nhận lại vấn đề/quan điểm/ý kiến từ một góc tiếp cận mới; là sự xem xét vấn đề từ nhiều quan điểm, nhiều góc độ, phương diện. Theo quan niệm này, mục đích của tư duy phê phán không chỉ là sự phủ nhận, từ chối cái sai mà còn là sự khẳng định, chấp nhận cái đúng. Quá trình tư duy phê phán, do vậy, không đơn giản chỉ là quá trình vạch ra cái sai trái và bày tỏ thái độ không đồng tình hoặc lên án mà là một quá trình tư duy phức hợp bao gồm nhiều thao tác, nhiều kĩ năng lớn nhỏ: thuyết minh (phân loại, giải mã ý nghĩa, làm sáng tỏ các ý nghĩa); phân tích (xem xét ý tưởng, xác định luận cứ, phân tích luận cứ); đánh giá (đánh giá khẳng định, đánh giá luận cứ); suy luận (hỏi chứng cứ, phỏng đoán các lựa chọn khác, rút ra kết luận); giảng giải (trình bày kết quả, chứng minh tiến trình, trình bày luận cứ) và tự điều chỉnh (tự kiểm tra, tự điều chỉnh) [6], [8]. Nói cách khác, tư duy phê phán bao gồm cả kĩ năng lập luận lẫn kĩ năng giải quyết vấn đề.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta thường hay nói đến tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, tư duy khái quát, tư duy trừu tượng, tư duy logic, tư duy hình tượng... nhưng tư duy phê phán thì mãi mấy năm gần đây mới được sử dụng trong một số bài viết và được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh - critical thinking. Nói như vậy không có nghĩa là từ trước đến nay, trong cuộc sống cũng như trong học thuật, chúng ta không có tư duy phê phán, ngược lại, chúng ta thường xuyên sử dụng nó, chỉ có điều không gọi tên nó hoặc hàm chỉ nó trong nhiều thuật ngữ khác như tư duy phân tích, tư duy logic, tư duy sáng tạo...

Để hướng đích tốt hơn cho quá trình nghiên cứu cũng như thực tiễn dạy học trong nhà trường, việc làm rõ nội hàm một khái niệm khoa học là điều kiện tiên quyết. Đã từng có nhiều cách phân loại tư duy. Nhưng tựu chung, theo Colin Rose và Malcolm J.Nicholl (1997), có hai kiểu tư duy chủ yếu là tư duy sáng tạo và tư duy phân tích. Tư duy sáng tạo là kiểu tư duy nhằm “đưa ra những ý tưởng và sản phẩm mới. Phát hiện ra một kiểu mẫu hoặc một mối quan hệ mới giữa các ý tưởng vốn không rõ ràng. Tìm ra cách thức mới để đưa ra ý tưởng. Kết hợp những ý tưởng hiện có để đưa ra một ý tưởng mới tốt hơn”. Còn tư duy phân tích là “đưa ra một tình huống, vấn đề, chủ đề hay quyết

định để từng bước kiểm tra cặn kẽ và logic. Kiểm định các luận điểm hoặc bằng chứng hoặc đề xuất với các tiêu chuẩn mục tiêu. Xem xét nguyên nhân gốc, cốt lõi của vấn đề. Đánh giá và quyết định dựa trên tính logic và nhận diện sự thiên kiến.” [2,tr 315]

Trong cách phát biểu của Rose và Nicholl, khái niệm “tư duy phân tích” rất gần với “tư duy phê phán” (critical thinking). Hai ông này cũng cho rằng, hai phương pháp tư duy trên không hề đối lập mà luôn đan xen lẫn nhau. [2, tr 315]

Theo từ điển tiếng Việt, phân tích có nghĩa là chia, tách ra từng phần để nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn. Thuật ngữ phân tích trong tiếng Việt, do vậy, khó có thể bao trùm các thao tác của tư duy phân tích theo quan niệm của Rose và Nicholl và càng không thể thay thế khái niệm tư duy phê phán (critical thinking) được sử dụng rộng rãi trong tiếng Anh.

Thực ra, trong từ điển tiếng Việt, từ có nghĩa gần nhất với critical thinking là “phê bình”. Phê bình nghĩa là “chỉ ra cái hay, cái dở, tìm nguyên nhân để phát huy hay khắc phục” [3, tr270]. Tuy nhiên, theo nghĩa này, phê bình thường được dùng để chỉ nội dung, hoạt động trong lĩnh vực công tác tư tưởng hơn là một quá trình tư duy. Còn trong nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học, phê bình thường được sử dụng với nghĩa vừa là một hoạt động “phán đoán, phẩm bình, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học” vừa là một bộ môn khoa học nghiên cứu về văn học [4, tr168-169], khái niệm phê bình với tư cách là một quá trình, thao tác tư duy hầu như chưa được nhấn mạnh về mặt lí luận.

Đối chiếu một số thuật ngữ trên cho thấy, tư duy phê phán là một khái niệm còn nhiều mới mẻ đối với nhà trường Việt Nam. Với đặc trưng là xem xét vấn đề từ nhiều góc độ; kiểm định, đánh giá, tranh luận và quyết định dựa trên tính logic; nhận diện và loại trừ sự thiên kiến, tư duy phê phán là một kĩ năng mà theo Tama, M.Carrol (1989), việc rèn luyện và phát triển nó cần phải được xem là một mục tiêu quan trọng của tất cả các môn học trong nhà trường nếu chúng ta muốn đào tạo những công dân mà “những quyết định và lựa chọn của họ sau này luôn được dựa trên những suy nghĩ cẩn trọng, có tính phê phán” [6, tr1]. Đứng trước một vấn đề, người có tư duy phê phán luôn đặt câu hỏi “tại sao?”, sau đó chú ý tìm kiếm những thông tin có liên quan, đánh giá thận trọng và khách quan chất lượng thông tin, sẵn sàng thay đổi tư duy khi thông tin mới đáng tin cậy xuất hiện, dự kiến và phân tích triệt để tất cả các tình huống (bao gồm cả những tình huống xấu) có thể xảy ra. Nhờ đó, những suy nghĩ, niềm tin, sự lựa chọn hay quyết định cuối cùng của họ thường trở nên hợp lí và chính xác hơn. Người có tư duy phê phán cũng là người có bản lĩnh, có khả năng đương đầu với thách thức, có động cơ thôi thúc đi tìm chân lí và là người không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Như vậy, tư duy phê phán là một khái niệm có ý nghĩa, đặc biệt trong phạm vi nhà trường. Nó là tiền đề, dấu hiệu của tư duy sáng tạo; là thước đo năng lực tư duy của SV nói chung. Vì vậy, đối với nhà trường Việt Nam, việc bổ sung, cụ thể hoá khái niệm tư duy phê phán, coi đó như một kết quả đầu ra cần đạt được của SV, chí ít là SV các ngành khoa học Xã hội và nhân văn, theo tôi, là cần thiết và có ý nghĩa.

Một phần của tài liệu ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HOÁ HỮU CƠ Ở CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG THEO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰ ÁN (Trang 26 - 28)