Thực tiễn việc dạy học lịch sử ở các trường tiểu học hiện nay

Một phần của tài liệu ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HOÁ HỮU CƠ Ở CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG THEO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰ ÁN (Trang 37 - 38)

II. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

2.1.Thực tiễn việc dạy học lịch sử ở các trường tiểu học hiện nay

Những năm gần đây, thông qua các đợt triển khai bồi dưỡng giáo viên tiểu học dạy chương trình sách giáo khoa mới, theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, và qui định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét các môn học, bao gồm Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, nên việc dạy học lịch sử đã có nhiều tiến bộ về nhận thức, nội dung và phương pháp dạy học. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề tồn tại như:

Nhiều giáo viên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử và hướng đổi mới là phát huy tính tích cực, độc lập nhận thức của học sinh. Song, về biện pháp phát huy tính tích cực trong nhận thức của học sinh, cần phải khoa học hơn. Thay vì lối dạy truyền thụ một chiều, áp đặt thì một số giáo viên quan niệm rằng, học theo nhóm và đặt nhiều câu hỏi là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Vì vậy, giờ học biến thành giờ thảo luận của các nhóm, mà chủ yếu là “hỏi-đáp” những câu hỏi trong sách giáo khoa, rồi sau đó đại diện các nhóm đọc những điều đã ghi chép được trong bảng nhóm. Hình thức ấy thường đơn điệu, khô khan, không phù hợp với đặc trưng của môn Lịch sử, không tái tạo được quá khứ, làm

cho học sinh ít hứng thú học tập, không kích thích được lòng ham muốn tìm hiểu về các nhân vật, các sự kiện lịch sử, giảm tính giáo dục lịch sử đối với các em. Như vậy, muốn phát huy cách dạy này phải kết hợp với các phương pháp khác, nhất là đối với môn lịch sử phải rất chú trọng phương pháp đặc thù của bộ môn là tường thuật, miêu tả.

Sách giáo khoa biên soạn theo tinh thần đổi mới, có tính gợi mở, kênh hình tăng lên so với sách cũ. Song, một bộ phận giáo viên chưa đủ độ sâu về kiến thức để hướng dẫn học sinh tự học, chưa hiểu hết nội dung kênh hình, nên hiệu quả sử dụng chưa cao.

Ở các trường hiện nay, chỉ mới tập trung vào các giờ trên lớp theo phân phối chương trình, ít tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Hầu hết giáo viên chưa quan tâm đúng mức việc dạy học lịch sử địa phương. Trong khi đó, lịch sử địa phương là một bộ phận quan trọng, của lịch sử nước nhà. Tìm hiểu lịch sử địa phương sẽ giúp cho học sinh yêu quê hương, tự hào hơn về quê hương của mình, đó chính là cơ sở của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Việc kiểm tra, đánh giá học sinh còn nặng về ghi nhớ sự kiện một cách cách máy móc, thuộc lòng, ít chú ý đến các kỹ năng phân tích, đánh giá, rút ra nhận xét, kết luận. Việc kiểm tra chỉ mới hướng đến cho điểm, chưa đánh giá được nhận thức lịch sử của học sinh, nên ít tạo được hứng thú học tập và hạn chế về ý nghĩa giáo dục lịch sử cho các em.

Một phần của tài liệu ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HOÁ HỮU CƠ Ở CÁCTRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG THEO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰ ÁN (Trang 37 - 38)