Giải pháp về khai thác và sử dụng rừng ngập mặn

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆN TRẠNG KHAI THÁC VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG NGẬP MẶN VEN BIỂN TỈNH NINH BÌNH (Trang 60 - 63)

Để khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng ngập mặn ven biển tỉnh Ninh Bình hiện nay đang là một trong những yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực ven biển Kim Sơn trong thời gian tới. Để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng ngập mặn cần tập trung áp dụng các giải pháp sau đây:

- Công tác nghiên cứu, quy hoạch:

+ Quy hoạch môi trường trong phát triển kinh tế xã hội ở vùng ven biển, đặc biệt là quy hoạch môi trường cho bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng ven biển tỉnh Ninh Bình, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong khu vực. Phân vùng sinh thái trong quy hoạch bảo tồn và phát triển các vùng đất ven biển, trong đó tập trung tiếp cận tổng hợp đa ngành, đa mục tiêu nông-lâm-ngư và bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

+ Cần cấp thiết xây dựng một quy hoạch tổng thể sử dụng các vùng rừng ngập mặn, tiến hành khảo sát và nghiên cứu chi tiết về tình trạng hiện thời của rừng ngập mặn, diện tích ao nuôi tôm, diện tích đất lở, đất bồi ở tất cả các tỉnh ven biển có rừng ngập mặn thông qua ảnh vệ tinh, ảnh máy bay và nghiên cứu thực địa thực hiện bởi cán bộ chuyên môn. Các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho quy hoạch tổng thể sử dụng đất, tài nguyên một cách hợp lý và bền vững ở các vùng ven biển.

+ Nghiên cứu phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển như nuôi sò, nuôi vạng hoặc các loài cá có giá trị kinh tế cao để dần dần thay thế cho nghề nuôi tôm ở các vùng rừng ngập mặn. Cũng cần thiết phải cải thiện cơ cấu và đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản để đáp ứng nhu cầu khắt khe.

+ Bên cạnh đó, cần đi đôi giữa việc bảo vệ và phát triển rừng với các biện pháp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội như: chiến lược về giải quyết việc làm với chính sách ưu tiên thu hút lao động dư thừa ở nông thôn (trẻ tuổi, học vấn thấp, không có nghề); đẩy mạnh khai thác tài nguyên du lịch ở các vùng RNM ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia để tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đồng bằng.

- Đẩy mạnh công tác giao rừng:

+ Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích RNM trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, ngành chức năng trong thời gian tới là phải nhanh chóng tiến hành giao RNM cho các hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để mọi diện tích RNM đều có chủ quản lý thực sự; đồng thời cần phải có cơ chế chính sách hưởng lợi hợp lý, gắn trách nhiệm vật chất của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng.

+ Ưu tiên giao đất giao rừng cho người dân địa phương theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng; không giao các khu RNM xung yếu tại các vùng cửa sông, cửa biển, vùng trước đê và dọc theo bờ biển gần các khu dân cư nơi dễ bị xói mòn hay thường bị bão và siêu bão tấn công cho các hộ gia đình và cá nhân, mà giao cho cộng đồng người dân địa phương kết hợp với cơ quan chuyên trách của Nhà nước quản lý.

+ Rà soát và thu hồi lại những diện tích đất lâm nghiệp giao không đúng đối tượng, vượt quá hạn điền hoặc sử dụng không đúng mục đích để điều chỉnh giao cho các hộ chưa có đất canh tác phát triển sản xuất ổn định đời sống. Toàn bộ diện tích RNM do UBND xã đang quản lý phải có chủ quản lý cụ thể, chủ rừng chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn.

- Đẩy mạnh công tác quản lý rừng:

+ Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp, môi trường trong công tác bảo vệ và phát triển hiệu quả hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển ở khu vực ven biển tỉnh Ninh Bình. Nhà nước cần phải nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác gỗ

ở các vùng rừng tự nhiên. Mọi hành vi phá rừng bừa bãi phải được xử phạt thích đáng.

+ Phân cấp trách nhiệm quản lý rừng đến cấp huyện, xã, thôn theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong việc bảo vệ rừng. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền các cấp. Những địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép thì người đứng đầu cấp ủy Đảng, chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

+ Phân định rõ ràng phạm vi ranh giới quản lý của các chủ rừng trên thực địa; xác lập cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng; nâng cao trách nhiệm của chủ rừng trong việc bảo vệ rừng; chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ rừng được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định hiện hành của pháp luật.

+ Thiết lập cơ chế, tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo ngành và liên ngành hợp lý để quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả; tăng cường sự hỗ trợ và phối hợp thường xuyên của lực lượng công an, cơ quan kiểm soát nhân dân với lực lượng kiểm lâm theo một cơ chế thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt là trong việc rà soát, xử lý dứt điểm các vụ án hình sự tồn đọng trong lĩnh vực bảo vệ rừng.

+ Củng cố, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm; đổi mới tổ chức lực lượng kiểm lâm trên tinh thần kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng; bố trí đủ kiểm lâm địa bàn ở 100% xã có rừng để tham mưu cho chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về rừng; theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu những vụ vi phạm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền:

+ Thông qua các hình thức như: báo chí, phát thanh và truyền hình, hội nghị tập huấn, mít tinh, sân khấu hóa, xe cổ động, băng rôn ... truyền tải những thông tin về vai trò của RNM đối với đời sống của cộng đồng dân cư ven biển; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý tài

nguyên và bảo vệ môi trường biển, về tác động của hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu ...

+ Xây dựng các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng; sử dụng hương ước để cộng đồng dân cư cùng tham gia quản lý rừng.

- Giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội trong vùng rừng ngập mặn

+ Rà soát, quy hoạch lại dân cư ven biển, hạn chế di cư tự do trong vùng rừng ngập mặn.

+ Quy hoạch lại dân cư ven biển, hạn chế di cư tự do trong vùng rừng ngập mặn vì nguồn lợi về nuôi tôm ở vùng rừng ngập mặn lớn đã thu hút một số lao động từ nhiều nơi đến phá rừng để nuôi tôm; mặt khác, nhiều người dân đã bỏ các nghề truyền thống để làm đầm tôm quảng canh, dẫn đến tình trạng ở phân tán ngày càng tăng, nếu để tình trạng này kéo dài thì rừng tiếp tục bị tàn phá, nguồn hải sản giảm sút nhanh chóng.

+ Tránh tình trạng đưa dân ra xây dựng vùng kinh tế mới ven biển khi chưa có quy hoạch cụ thể cho việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn.

+ Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng rừng ngập mặn.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU HIỆN TRẠNG KHAI THÁC VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG NGẬP MẶN VEN BIỂN TỈNH NINH BÌNH (Trang 60 - 63)