Người môi giới thực chất là làm việc trực tiếp với công ty quản lý mình chứ không phải là Hiệp hội BĐS. Vì vậy, các công ty môi giới BĐS cần xây dựng cho riêng mình những quy định về đạo đức hành nghề nhưng phải dựa trên cơ sở Bản quy tắc đạo đức của Hiệp hội BĐS để đảm bảo tính thống nhất. Các quy định cần phải chi tiết và rõ ràng hơn, cũng như phải dựa trên tình hình, đặc điểm và văn hóa làm việc của công ty.
Bên cạnh việc đưa ra tiêu chuẩn đạo đức hành nghề cho nhân viên, các công ty cũng cần chú ý đến các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm ĐĐNN đó. Một quy tắc chỉ thực sự hữu ích khi được áp dụng đúng vào thực tế và nội dung xử phạt là yếu tố quan trọng giúp việc áp dụng được tiến hành nghiêm túc. Nội dung xử phạt cần có tính chất răn đe mạnh mẽ và có nhiều mức độ để phù hợp với hậu quả của hành vi vi phạm. Thông thường, quy tắc xử phạt của doanh nghiệp sẽ có các mức độ là: Cảnh cáo nhắc nhở bằng miệng (đối với những hành vi vi phạm
lần đầu, không gây ra nhiều hậu quả); cảnh cáo, nhắc nhở bằng văn bản (đối với hành vi tái phạm và có dấu hiệu gây hậu quả lớn); xử phạt hành chính (có thể bằng tiền mặt hoặc trừ lương, giảm thưởng khi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần); kỷ luật, cách chức và cuối cùng là sa thải (đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng, hình ảnh, uy tín, lợi ích kinh tế của công ty). Các doanh nghiệp sẽ quy định mức độ xử phạt tùy thuộc vào quy mô, tình hình hoạt động của họ những cũng cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định xử phạt này, tránh tình trạng dung túng, bỏ qua lỗi của nhân viên.
Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi để các công ty có thể giải quyết tận gốc vấn đề thực hiện ĐĐNN khi hành nghề chính là trình độ nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên. Các công ty cần tuyển chọn đầu vào kỹ càng để chọn được những người môi giới có trình độ nhất định, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của công việc về cả chuyên môn và đạo đức. Ngoài ra, các công ty cần thường xuyên tổ chức các lớp học, khóa đào tạo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho người môi giới; cập nhật thông tin, kiến thức về nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng trong và ngoài nước, cũng như phổ biến các nội dung mới có liên quan đến hoạt động môi giới như luật, nghị định, chính sách, các quy hoạch nhà đất, xây dựng,…
Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi cần thiết như báo cáo tình hình áp dụng đạo đức hành nghề khi được Hiệp hội yêu cầu (đối với những công ty là thành viên của Hiệp hội); đặc biệt là cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án khi nhân viên có dấu hiệu vi phạm đạo đức gây ra những hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến lợi ích nhiều bên và bị khởi tố. Tích cực hợp tác với Hiệp hội BĐS và các thành viên khác của Hiệp hội để đưa ĐĐNN vào thực tế có hiệu quả cao nhất
Về cơ bản, các công ty môi giới là đơn vị trực tiếp quản lý những người môi giới vì vậy cần quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ việc thực hiện ĐĐNN khi hành nghề. Nâng cao trình độ, ý thức và nhận thức cho người môi giới về ĐĐNN và xử phạt nghiêm đối với những cá nhân không tuân thủ quy định của công ty về vấn đề này