Kết hợp đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng các đảng bộ xã, phường, thị trấn ở Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay (Trang 82 - 88)

Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cuộc vận động lớn trong toàn Đảng. Để tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động này, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU “Tạo bước chuyển biến mạnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn 2006 - 2010”. Chương trình yêu cầu:

Các cấp ủy đảng phải tập trung chỉ đạo, tiếp tục dành nhiều công sức hơn nữa cho nhiệm vụ xây dựng Đảng, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về công

tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, tổ chức và cán bộ, có phương thức lãnh đạo khoa học, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Từng tổ chức đảng phải là hạt nhân lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết thống nhất, có sức chiến đấu cao. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là một chiến sỹ tiên phong, gương mẫu, trung thực, liêm chính [38, tr.1].

Để thực hiện toàn diện nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt ba nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh; kiên quyết đấu tranh chống tham những, quan liêu, lãng phí và các biểu hiện suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ.

Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ. Xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, gắn với tập trung củng cố, giải quyết các cơ sở yếu kém; thực hiện tốt việc phân công cấp ủy chỉ đạo cơ sở, trước hết là đồng chí Bí thư, Phó bí thư, ủy viên thường vụ theo dõi phụ trách ở những cơ sở trọng điểm, các địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, những cơ sở đảng yếu kém, có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Hằng năm, vào dịp tổng kết cuối năm tiến hành phê bình tự phê bình trong chi bộ. Cấp ủy cấp trên phải trực tiếp chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và gợi ý cấp dưới kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ một cách chủ động, đồng bộ theo quy chế, quy trình chặt chẽ.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của công tác xây dựng Đảng, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) số 31 - Ctr/TU

ngày 07/4/2008 của Thành uỷ Hà Nội “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", Thành uỷ Hà Nội đặt ra mục tiêu:

Một là, tập trung sức để xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở thực sự là hạt nhân chính trị, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc xảy ra ở cơ sở.

Hai là, kiện toàn, sắp xếp các tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Tập trung xây dựng tổ chức đảng và kết nạp đảng viên ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khu vực kinh tế tập thể và các cơ sở sự nghiệp ngoài công lập nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các khu vực này. Bảo đảm các loại hình TCCSĐ đều có hướng dẫn thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc phù hợp.

Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, trước hết là bí thư cấp uỷ và cán bộ, đảng viên thật sự tiền phong, gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên [39, tr.2].

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình hành động cũng đưa ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó có nội dung:

- Hằng năm, các TCCSĐ phải đăng ký phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ với cấp uỷ cấp trên, trong đó, có nội dung cam kết không có cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cuối năm, cấp uỷ cấp trên căn cứ vào nội dung đăng ký để đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên.

- Thành uỷ và cấp uỷ cấp trên trực tiếp của TCCSĐ, hằng năm có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn các TCCSĐ thực hiện việc đánh giá phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm nguyên tắc, đúng quy trình, phản ánh sát với chất lượng thực tế. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của TCCSĐ kiểm tra, thẩm định chặt chẽ và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên [39, tr.7].

Như vậy, một trong những biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, đó là phải tiếp tục đổi mới công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên, bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình chặt chẽ, khách quan phản ánh đúng thực chất. Qua đó, mới có cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục số cơ sở đảng yếu kém và giúp đỡ đảng viên còn hạn chế bị xử lý kỷ luật sửa chữa khuyết điểm.

KẾT LUẬN

Lý luận và thực tiễn cho thấy, tổ chức đảng mạnh là nhân tố quan trọng tác động quyết định việc rèn luyện và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tổ chức đảng yếu kém, có thể làm cho Đảng “hòa tan” trong quần chúng. Khi một tổ chức đảng cùng đội ngũ đảng viên hòa tan vào trong quần chúng, Đảng sẽ không còn là đội tiên phong và người đảng viên cũng không còn xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong của giai cấp. Vì vậy, “nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ tính vững chắc, tính kiên định, tính trong sạch của Đảng ta. Chúng ta phải cố gắng làm cho danh hiệu và ý nghĩa của đảng viên ngày càng cao hơn lên mãi” [22, tr.354].

Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, công tác đánh giá đúng chất lượng TCCSĐ có ý nghĩa quan trọng. Quá trình xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng cần phải ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng. Đây là vấn đề vừa là sự đòi hỏi bức thiết của công tác xây dựng Đảng, vừa là yêu cầu khách quan của quá trình vận động đi lên của Đảng ta.

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng đề ra các chương trình, giải pháp nhằm năng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng, trong đó có biện pháp làm sao cho công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên phải đúng thực chất, sát với tình hình TCCSĐ ở địa phương. Muốn vậy, việc đánh giá chất lượng TCCSĐ cần phải có nguyên tắc, tuân theo quy trình, phương pháp thống nhất trong toàn Đảng, ở các cấp, các ngành.

Với tinh thần đó, luận văn đã làm rõ hơn cơ sở khoa học của việc đánh giá đúng chất lượng TCCSĐ xã, phường, thị trấn ở Đảng bộ thành phố Hà Nội và hệ thống những quan niệm về công tác đánh giá TCCSĐ; những quan điểm, chủ trương của Đảng ta và những quan điểm, chủ trương, kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về công tác này. Trong luận văn, tác giả đã nêu thực trạng công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ xã, phường, thị trấn và nêu những bài học kinh nghiệm bước đầu trong công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ ở Đảng bộ Hà Nội từ năm 2004 đến năm 2008.

Luận văn cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của công tác đánh giá TCCSĐ xã, phường, thị trấn, đảm bảo cho kết quả đánh giá ngày càng thực chất hơn. Tuy nhiên, những giải pháp đề ra chỉ là những vấn đề cơ bản nhất. Để thực sự nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu còn đòi hỏi quá trình phấn đấu không ngừng của các đảng bộ xã, phường, thị trấn và toàn thể đội ngũ đảng viên trong từng đảng bộ.

Đánh giá chất lượng TCCSĐ là một trong những nội dung của công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn cho thấy, đây là nội dung quan trọng nhưng để có kết quả đánh giá đúng, sát thực với tình hình tổ chức đảng ở cơ sở lại là công việc rất khó khăn. Vì vậy, khi nghiên cứu đề tài này luận văn không tránh khỏi những hạn chế. Tác giả kính mong được sự góp ý, chỉ dẫn của các nhà khoa học để luận văn đạt kết quả cao hơn nữa về nhiều mặt./.

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng các đảng bộ xã, phường, thị trấn ở Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay (Trang 82 - 88)