Vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là yêu cầu sống còn của Đảng ta, trong đó công tác đánh giá đúng chất lượng TCCSĐ và đảng viên luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Đánh giá đúng là căn cứ để đề ra chủ trương, giải pháp nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và giáo dục, rèn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; đánh giá không đúng sẽ không kịp thời đưa ra các biện pháp uốn nắn, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, làm cho TCCSĐ ngày càng yếu đi, dẫn đến giảm sút niềm tin của quần chúng đối với Đảng, thậm chí có thể gây ra những phức tạp trong nội bộ TCCSĐ và đảng viên.
Đánh giá TCCSĐ phải dựa trên những quan điểm, nguyên tắc, tiêu chuẩn nhất định, và đặc biệt phải tuân theo một quy trình, phương pháp nhất định. Nó phải hạn chế được thấp nhất các yếu tố cảm tính, chủ quan, tuỳ tiện, phiến diện. Đánh giá là sản phẩm chủ quan (dù là của một tập thể), vì vậy cần chú ý tới quy trình, phương pháp sao cho nó phản ánh sát với khách thể đánh giá là các TCCSĐ là một yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Đánh giá TCCSĐ là một việc khó bởi nhiều lý do:
Thứ nhất, nó là kết quả chủ quan của một người hay một tập thể về một TCCSĐ (là một tập thể).
Thứ hai, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng TCCSĐ cũng thường xuyên thay đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế, bên cạnh đó là những thay đổi trong nhận thức của cấp uỷ và từng đảng viên trong chi bộ;
Thứ ba, mỗi một giai đoạn cách mạng cụ thể, có những tiêu chí đánh giá cụ thể. Đánh giá TCCSĐ là đánh giá một tập thể, do vậy, đánh giá phải là một quá trình biện chứng, thống nhất, có sự kết hợp giữa khả năng và hiện thực, hiện tượng và bản chất, giữa tính hiện thực và tính lý tưởng hoá… Tuy nhiên, đánh giá chất lượng TCCSĐ không phải chỉ làm một lần là xong, mà phải làm thường xuyên hằng năm, không bảo lưu kết quả đánh giá của những lần trước.
Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ phải trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, kết luận theo đa số.