Những biến đổi về cách thưởng thức các tác phẩm Mỹ thuật

Một phần của tài liệu Mỹ thuật Việt Nam Những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin (Trang 106 - 111)

CNTT tác động không chỉ vào đời sống xã hội, vào con người mà còn tác động vào nghệ thuật, vào chính người nghệ sỹ và người thưởng thức. Các phương tiện truyền thông như tivi, điện thoại thông minh, mạng internet… cũng góp phần làm biến đổi thẩm mỹ của công chúng. Từ khi có CNTT phương pháp sáng tác của các nghệ sỹ đã biến đổi rất nhiều và việc giới thiệu tác phẩm của họ cũng khác trước rất nhiều.

Quá trình giới thiệu tác phẩm không chỉ đơn thuần là một tác phẩm độc lập, và người xem hoàn toàn thụ động, ngày nay sự tương tác giữa tác phẩm và người thưởng thức đã có những sự thay đổi, vô tình hay hữu ý, chủ động hay thụ động đều tham gia vào quá trình thẩm mỹ mới. Sự tham gia đó thực ra là ý thức tập thể của con người xã hội đương đại, mà nó xuất hiện bởi chính tác động của xã hội CNTT. Các phương tiện truyền thông điện tử có mặt ở khắp mọi nơi, như mạng internet, điện thoại di động, truyền hình… đã biến trái đất thành như một ngôi làng.

Dưới thời đại CNTT thì các tác phẩm nghệ thuật của nhiều loại hình đã được pha trộn với nhau bằng nhiều hình thức nhằm chuyển tải những ý tưởng, những thái độ của người nghệ sỹ đến với người xem một cách khác. Khi một tác phẩm có ứng dụng CNTT như Video Art, nghệ thuật âm thanh, sắp đặt… ngoài những sự sắp đặt các hình ảnh với những hình ảnh động có thể thấy trên những màn hình hoặc những hình ảnh chiếu trên các vật thể, hoặc trên máy tính, người xem đã có thể bị tác động ngay bởi hình thức trình bày, có thể bằng sự tham gia của mình qua động tác nhấn chuột máy tính, thậm chí cùng bước vào tác phẩm. Đó cũng là một yếu tố tạo nên cái nhìn mới, thưởng thức mới, khác hẳn với lối thưởng thức quen thuộc khi người ta xem một bức tranh, hay một bức tượng trước kia.

Các sản phẩm CNTT đã giúp cho con người đến được với các thông tin và đến với các tác phẩm nghệ thuật một cách dễ dàng hơn khi họ đã quen sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin – truyền thông. Đây cũng là một cơ hội để các nghệ sỹ có thể thả sức sáng tạo, khi đã có đủ khả năng và trí tuệ để điều khiển các loại phương tiện mới này, và dễ dàng trình bày những tư tưởng cũng như các cách thức mà nhờ có phương tiện công nghệ cao đem lại bởi họ có một lượng khán giả cũng có khả năng tiếp nhận những kỹ thuật của công nghệ cao. Bản thân trong quá trình sáng tác khi người nghệ sỹ thấy một hiện tượng trong xã hội, họ ghi lại bằng phương tiện CNTT rất sống động thì bản thân những sự kiện ấy trở thành tác phẩm và giới thiệu với công chúng. Và khi người thưởng thức xem lại họ dường như thấy được chính mình trong tác phẩm và thậm chí người ta không phải là những nhân vật ấy nhưng vì những hành động của những đối tượng trên hình ảnh tác phẩm cũng nhắc nhở người ta đấy là họ. Khi hình ảnh trong tác phẩm trở thành hình tượng điển hình thì nó sẽ tác động đến đông đảo công chúng để họ tự ngẫm về những hành động của chính mình. Như hành động vứt một bao ny lon xuống hồ thì mọi người đều có thể làm như một việc rất bình thường, nhưng khi xem tác phẩm với hình ảnh những bao ny lon vứt xuống hồ làm ô nhiễm môi trường, những con cá ngạt thở, thoi thóp trong đống nylon trên mặt hồ, làm người xem phải suy nghĩ về hành động của mình như chính họ cũng đã là những kẻ làm ô nhiễm môi trường, đã giết hại những con vật nhỏ bé đó. Đây cũng chính là một cách thưởng thức mới, tương tác với người xem.

Khi xuất hiện các phương tiện truyền hình, máy tính, điện thoại thông minh… thì nó cũng giúp con người có một cách thưởng thức mới chỉ bằng những cái điều khiển, hay là những nút nhấn chuột. Nhờ có các phương tiện này mà việc thưởng thức không còn gói gọn trong các nhà hát, rạp chiếu phim, các phòng tranh hay bảo tàng mà họ có thể thưởng thức nghệ thuật ở

mọi nơi. Thậm chí người ta còn trực tiếp tham gia vào tác phẩm như các loại hình Internet Art, Video Art, Sắp đặt... Nghệ thuật vốn là một sản phẩm sáng tạo của con người, nên muốn đáp ứng được những thẩm mỹ mới đó, nghệ thuật phải tìm cách để thay đổi hình thức thể hiện. CNTT đã tác động vào công việc sáng tạo của người nghệ sỹ và người nghệ sỹ sử dụng CNTT để giúp cho phương thức truyền tải ý tưởng của các cá nhân nghệ sỹ đến với người thưởng thức nghệ thuật theo cách mới.

Tại Việt Nam, với sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật mới có tính tương tác cao, đã dẫn đến những thay đổi về cách thức thưởng thức tác phẩm của người xem. Ví như trong triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ 2011, với tác phẩm Trái đất xanh [PL 1, H.46, tr 171], tác giả Lê Trần Hậu Anh đã tạo nên một cách thưởng thức mới đối với nguời xem, khiến cho người thưởng thức cũng trở thành một phần làm nên sự thành công của tác phẩm, việc mọi người, già trẻ, lớn bé chỉ có thể xem được bên trong tác phẩm (phần chính) qua hai lỗ nhỏ ở giữa mà người cao lớn phải cúi xuống, trẻ em thấp thì phải dướn lên, đã làm tăng sự tập trung của người xem đối với vấn đề mà tác giả đề cập đến. Ngoài ra tính tương tác của tác phẩm cũng còn thể hiện ở việc mỗi người xem gắn một ngôi sao vào bầu trời xanh của tác phẩm. Mỗi người tự chọn một vị trí nhất định cho ngôi sao của mình trên đó như là mong muốn vị trí của mình trong cuộc sống.

Tính tương tác đã thể hiện ở rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại khác ở Việt Nam như tại triển lãm Đối thoại với Đình làng 2013, tác phẩm

Video sắp đặt Đối thoại [PL 1, H.50, tr 173] của nghệ sỹ Lưu Chí Hiếu. Tác phẩm này như một câu hỏi của nghệ sỹ “Đối thoại với đình làng” phải chăng là sự đối thoại với cá nhân chúng ta về di sản? Tác phẩm được thể hiện trong một không gian khoảng 15m2, một khay chứa đầy các quả trứng thạch cao trắng to như quả trứng đà điểu đặt ở giữa không gian tác phẩm, những hình

ảnh video với các hiệu ứng hình ảnh về con người, cảnh vật của lễ hội làng được chiếu vào những quả trứng và kéo dài lên tận tường của không gian trưng bày. Sự tương tác của người thưởng thức đối với tác phẩm này đó là ngoài việc xem những hình ảnh từ video thì mỗi người còn viết lên các quả trứng những dòng cảm xúc, những suy nghĩ của mình về điều mà tác giả tác phẩm đưa ra.

Cũng trong triển lãm này, một tác phẩm sắp đặt khác cũng có sự tương tác cao giữa tác phẩm và người xem là tác phẩm Ký tự [PL1, H.51, tr.173] của tác giả Đặng Thị Khuê. Tác phẩm dẫn dắt người xem vào bên trong của kiến trúc đình làng, khu vườn tri thức của người xưa. Với cách trình bày để giới thiệu cho người xem có thể thấy các giải pháp kỹ thuật về không gian, cách xử lý chất liệu, trang trí, tỷ lệ và thẩm mỹ của người xưa. Tác giả còn mong muốn mỗi người soi mình trong văn hoá bằng con mắt nhân loại, ở đây tác giả có một góc trải nghiệm nghệ thuật với mục đích để người xem thực hành in bản rập các chạm khắc đình làng theo phương pháp truyền thống. Góc trải nghiệm nghệ thuật này đã thu hút được nhiều đối tượng thưởng thức, cả người lớn và trẻ em. Theo thống kê của hoạ sỹ Đặng Thị Khuê, đã có hơn 600 bản rập những hình chạm khắc đình làng đi vào các gia đình.

Khát vọng đổi mới luôn là nhu cầu của con người, sự mong muốn làm đẹp, sự mong muốn thưởng thức cái đẹp của con người cũng luôn phụ thuộc vào sự phát triển của văn minh xã hội. CNTT ra đời là một bước nhảy vọt của khoa học và công nghệ, người ta thấy rõ ràng CNTT đã trở thành một phương tiện hết sức hữu hiệu để phục vụ đời sống con người, nâng cao chất lượng sống của con người. Nó làm thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có cả nghệ thuật. Trước khi có CNTT, nhiều loại hình nghệ thuật thường bị giới hạn trong phạm vi hạn hẹp của một đối tượng công chúng nhất định, các tác phẩm chỉ giới hạn trong phòng trưng bày, nhà triển lãm hay bảo

tàng, thì ngày nay với các sản phẩm của CNTT – truyền thông thì chúng đã được phổ biến rộng rãi vì các tác phẩm nghệ thuật không chỉ trưng bày tại các nhà triển lãm hay bảo tàng mà còn có mặt ở những nơi công cộng hay trên những máy tính, tivi ở mỗi gia đình, không những thế nhờ sự kết nối của mạng thông tin toàn cầu, những chiếc máy tính đã có thể đưa các tác phẩm nghệ thuật đến với mọi nơi trên thế giới, số lượng người thưởng thức nghệ thuật là vô hạn. CNTT đã thay đổi thẩm mỹ của công chúng và người nghệ sỹ đã cùng chia sẻ những thông điệp nghệ thuật của mình trong thế giới CNTT đó. Chính điều này đã làm thay đổi thái độ thưởng thức cũng như thẩm mỹ của công chúng. Những thay đổi này đã tác động đến nghệ sỹ và giúp họ sáng tạo ra những sản phẩm mang tính cộng đồng hơn, tương tác hơn với công chúng. Sự mở rộng này đã giúp cho giới sáng tác và công chúng yêu nghệ thuật có điều kiện nâng cao trình độ, nhu cầu và thị hiếu nghệ thuật. Từ đấy xu hướng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đương đại không còn phụ thuộc vào sự phân loại theo kiểu bác học – bình dân, cao – thấp, ranh giới giữa nghệ thuật với đời sống thường ngày cũng bị xóa nhòa.

Sơ đồ 4: CNTT tác động đến người thưởng thức

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGƯỜI THƯỞNG THỨC TƯƠNG TÁC VỚI TÁC PHẨM THẨM MỸ MỚI THƯỞNG CÁCH THỨC MỚI

Một phần của tài liệu Mỹ thuật Việt Nam Những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin (Trang 106 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)