Sự hình thành nghệ thuật mới trong thời đại CNTT

Một phần của tài liệu Mỹ thuật Việt Nam Những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin (Trang 61 - 82)

Sự hình thành các loại hình nghệ thuật mới trên thế giới

Nghệ thuật có ứng dụng CNTT là các nghệ thuật trong đó các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng các phương tiện truyền thông công nghệ mới, bao gồm kỹ thuật số, máy tính… Nguồn gốc của những tác phẩm nghệ thuật này có thể được truy nguồn từ những phát minh tạo hình ảnh chuyển động từ cuối thế kỷ XIX như các zoetrope (thiết bị tạo ra ảo giác về chuyển động) và praxinoscope (thiết bị tạo hình ảnh động) là sự kế thừa của zoetrope.

Zoopraxiscope được tạo ra bởi nhà nhiếp ảnh tiên phong người Anh, Eadweard Muybridge (1830 - 1904) năm 1879, có thể được xem như máy chiếu phim đầu tiên. Thiết bị chiếu hình ảnh từ đĩa thủy tinh quay tạo ra sự chuyển động. Sự ra đời của thiết bị này bắt nguồn từ việc cựu Thống đốc California Leland Standford, đồng thời là doanh nhân và chủ sở hữu trường đua ngựa đã thuê Muybridge thực hiện một số ảnh nghiên cứu về ngựa. Vào thời điểm đó, hầu hết các họa sĩ vẽ ngựa phi nước kiệu luôn luôn với một chân trên mặt đất và một chân phi nước đại mở rộng về phía trước, còn hai chân sau mở rộng ra phía sau. Stanford đòi hỏi phải có chứng minh khoa học cho điều này. Năm 1872, Muybridge đã cải tiến máy ảnh và thành công trong việc chụp ảnh một con ngựa ở trạng thái phi nước kiệu. Tiếp theo, Stanford lại mong muốn có nghiên cứu về hình ảnh ngựa phi nước đại. Muybridge đã chụp và sao chép các hình ảnh với một thiết bị mà ông gọi là zoopraxicope. Thiết bị này được xem như máy chiếu phim đầu tiên và quá trình nghiên cứu của Muybridge được xem như giai đoạn trung gian chuyển tiếp từ nhiếp ảnh sang điện ảnh.

Từ khoảng 1920 đến 1950, xuất hiện các hình thức khác nhau của nghệ thuật động và ánh sáng. Nghệ sĩ Đan Mạch Thomas Wilfred (1889 - 1968) thử nghiệm với những mảnh thủy tinh màu và nguồn ánh sáng. Wilfred là người đầu tiên nói về ánh sáng như một loại hình nghệ thuật chính thức. Ông đặt ra thuật ngữ “Lumia” để mô tả “nghệ thuật thứ tám” nơi mà ánh sáng có ngôn ngữ riêng của mình. Jean Tinguely, nghệ sỹ Thụy Sĩ (1925 - 1991), nổi tiếng với việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc động. Ông thường gắn tác phẩm với môtơ để tạo ra sự chuyển động, hoặc âm thanh. Các nghệ sỹ nói trên được xem là tiền bối của việc sử dụng khoa học và CNTT trong nghệ thuật. Đến năm 1958, nghệ sỹ người Đức Wolf Vostell (1932 - 1998) lần đầu tiên kết hợp chương trình truyền hình vào trong sáng tác nghệ thuật qua tác phẩm

Black Room Cycle [PL.1, H.9, tr 149]. Trong những năm 1960, sự phát triển

của công nghệ video đã tạo ra phương tiện thực hành nghệ thuật mới cho các nghệ sỹ như Nam June Paik (1932 - 2006), Michael Noll (s. 1939), nhóm Fluxus… Sự phát triển đồ họa máy tính cuối những năm 1980 và sự phát triển công nghệ Web, Internet đã dẫn đến việc phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các khoa học và CNTT trong sáng tác Mỹ thuật, Video Art, Digital Art, Multimedia Art, Sound Art… ra đời, là một bước khẳng định sự biến đổi của Mỹ thuật trong thời đại CNTT.

CNTT đã giúp cho người nghệ sỹ mở rộng sáng tạo và loại hình Sound Art đã được ra đời bởi CNTT. Sound Art, một phạm trù bao gồm mọi thứ có âm thanh hoặc tạo ra âm thanh và thậm chí, trong một số trường hợp, cả những thứ không liên quan gì đến âm thanh.

Định danh của Sound Art cũng chỉ xuất hiện lần đầu tiên là năm 1983 bởi William Hellerman trong một catalogue của buổi triển lãm Sound/Art tại

Trung tâm điêu khắc thành phố New York.

Cũng như các loại hình nghệ thuật đương đại khác Sound Art mang tính liên ngành, hoặc trong những phương thức lai kết hợp của nhiều thứ khác. Môi trường tham gia của Sound Art ngày càng mở rộng, đặc biệt với sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin, những việc ghi âm và biên tập, chế tác âm thanh cũng trở nên đơn giản hơn. Sound Art có thể tham gia với thành phần là độc lập, hay cũng có thể trở thành một phần của các tác phẩm nghệ thuật đương đại sử dụng đa chất liệu.

Ngày nay thuật ngữ Multimedia Art đã được thế giới công nhận, nhiều trường nghệ thuật đã đưa vào giảng dạy như Học viện Mỹ thuật Umea, Thuỵ Điển, Học viện Mỹ thuật Trung Ương, Bắc Kinh – Trung Quốc, Đại học Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc, và nhiều trường nghệ thuật ở châu Âu, châu Mỹ... Multimedia Art là loại hình nghệ thuật mà các tác phẩm thường xuyên

biểu hiện được các giác quan khác nhau như thị giác, thính giác, xúc giác, nhiều khi còn gồm cả khứu giác. Chúng cũng có thể chuyển động, chiếm không gian và thời gian. Một đặc điểm tiêu biểu nữa của Multimedia Art đó là các tác phẩm của thể loại này thường sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Với công nghệ thông tin và các phương tiện của nó như các sản phẩm hình ảnh, âm thanh, video, các cảm biến tương tác, thực sự đã trở thành những phương tiện chính để phát triển, sáng tạo các tác phẩm của loại hình nghệ thuật này.

CNTT và kỷ nguyên kỹ thuật số cũng đã tạo nên một loại hình nghệ thuật mới đó là Digital Art. Chúng bao gồm toàn bộ các tác phẩm thị giác có sử dụng công nghệ kỹ thuật số như là một phần thiết yếu của quá trình sáng tạo cũng như trình bày tác phẩm. Cũng có thể nói Digital Art là một sản phẩm nghệ thuật của kỷ nguyên kỹ thuật số bắt đầu từ những năm 1970 khi máy tính cá nhân ra đời. Trong nhiều trường hợp thì các tác phẩm Digital Art được xếp nằm trong các loại hình nghệ thuật khác mà kỷ nguyên CNTT đem lại như Multimedia Art, New Media Art,…

Nhờ vào CNTT và xã hội thông tin, một loại hình nghệ thuật mới cũng đã ra đời đó là Internet Art. Đó là hình thức mà ở đó các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được phân phối thông qua mạng thông tin toàn cầu (internet). Hình thức nghệ thuật này đã phá vỡ sự thống trị truyền thống của các phòng trưng bày và các hệ thống bảo tàng, cùng với đó loại hình nghệ thuật này cũng đã cung cấp những trải nghiệm thẩm mỹ mới thông qua Internet. Trong nhiều trường hợp, người xem được thu hút vào một số loại hình tương tác với các tác phẩm nghệ thuật.

Hay như đối với điêu khắc, công nghệ in 3D, quét 3D cũng đã tạo nên nhiều thay đổi trong việc tìm tòi sáng tác của các nghệ sỹ, việc tạo tác các bức tượng theo mẫu thực cũng trở nên đơn giản hơn, điển hình như việc siêu thị

Asda của Anh đã ứng dụng công nghệ in, quét 3D để tạo nên những bức tượng nhỏ của khách hàng trong một thời gian vài phút, các bức tượng này đã đem lại sự thú vị đối với khách hàng, và nhiều người đã dùng sản phẩm này như một món quà sinh nhật bất ngờ cho người thân.

Khoa học và công nghệ thông tin --> Tác động đến Mỹ thuật --> Xuất hiện các nghệ thuật mới --> Quan niệm thẩm mỹ mới --> tác động đến thưởng thức nghệ thuật.

Sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật mới tại Việt Nam

Từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới tuy thời gian chưa dài nhưng đối với Mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Khi nhìn vào những hoạt động sáng tác ở cả ba miền (Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh) chúng ta cũng thấy sự phát triển và tác động của CNTT đến Mỹ thuật Việt Nam. Thông qua những triển lãm đó, nhiều tác giả, tác phẩm đã xuất hiện cùng với các chất liệu mới mà trước đây chưa có trong mỹ thuật Việt Nam như video, ảnh, âm thanh, multimedia… Chúng ta có thể thấy rằng CNTT đã đem đến cho các nghệ sỹ nhiều phương thức thể hiện mới hơn. Công nghệ và nghệ sỹ luôn có sự quan hệ qua lại với nhau để phát triển. Cứ khi nào một công nghệ mới ra đời, sẽ có ngay sự quan tâm của các nghệ sỹ để đưa nó vào nghệ thuật.

Trước tiên chúng ta nhìn vào sự phát triển của số lượng các cuộc triển lãm có các tác phẩm theo các trào lưu nghệ thuật mới như Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art), Video Art, Nghệ thuật trình diễn (Performance Art)…, chúng ta sẽ thấy rằng kể từ khi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam cuối những năm 90 của thế kỷ XX thì số lượng những cuộc triển lãm này đã tăng lên khá nhiều. Tất nhiên sự xuất hiện của các trào lưu nghệ thuật đến Việt Nam có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, như sách báo, sự hợp tác quốc tế với các nghệ sỹ đem tác phẩm đến để trưng bày, trình diễn. Nhưng với sự phổ biến

của internet (một sản phẩm CNTT) thì việc tiếp thu và nghiên cứu thể nghiệm các loại hình nghệ thuật mới trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt những loại hình có sử dụng yếu tố kỹ thuật cao như: Video Art, Sound Art, Multimedia Art, Digital Art thì với sự phát triển và phổ cập của CNTT cũng đã giúp cho sự phổ cập của nó trong các triển lãm Mỹ thuật Việt Nam càng trở nên nhiều hơn.

Với thống kê chưa đầy đủ chúng ta có thể tạm xếp những thử nghiệm đầu tiên có chứa đựng các thành phần là sản phẩm của CNTT được các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu với công chúng vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Trong số các sản phẩm từ CNTT, Video là một chất liệu có thể nói xuất hiện rất nhiều và gần như là chủ đạo trong tiến trình ứng dụng CNTT vào Mỹ thuật. Ngoài ra chúng ta còn thấy sự xuất hiện của Nhiếp ảnh kỹ thuật số, Nghệ thuật Âm thanh (Sound Art) cũng là những thể loại có sử dụng CNTT mà chúng ta có thể nhận thấy trực tiếp. Chúng ta có thể kể đến một vài sự kiện có các tác phẩm như thế để thấy sự mở rộng cũng như sự công nhận các loại hình này của các cơ quan quản lý mỹ thuật khi xuất hiện các Festival Mỹ thuật Trẻ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đứng ra tổ chức:

Khởi đầu là Festival Mỹ thuật trẻ 2007 do Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức và được sự hỗ trợ của Bộ Văn hoá – Thông tin, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thuỵ Điển, Quỹ phát triển và trao đổi văn hoá Đan Mạch - Việt Nam. Triển lãm được tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với 54 tác giả tham gia. Phần lớn các tác phẩm tham gia festival này là các tác phẩm sắp đặt, mà ở đó các chất liệu để thể hiện tác phẩm rất phong phú. CNTT đã hiện hữu trực tiếp trên các tác phẩm có sử dụng chất liệu video và ảnh, tại festival này đã có 4 tác giả có sử dụng chất liệu Video cho tác phẩm của mình cùng với một vài tác giả có sử dụng ảnh được biên tập

chế tác trên máy tính và in lên các chất liệu mới như Mica, nhựa, hoặc in ảnh rồi vẽ lên những bức ảnh đó. Tuy Festival này vẫn chỉ được tổ chức mang tính thể nghiệm khi số lượng tác giả đều đã được tuyển chọn trước và đơn vị tổ chức cũng chỉ là Hội Mỹ thuật cấp địa phương, nhưng nó cũng đã tạo nên một không khí mới cho giới mỹ thuật thời điểm đấy, tạo nên được một sự quan tâm nhất định đối với người xem, nghệ sỹ, những nhà quản lý mỹ thuật. Từ đó đã tạo động lực để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đứng ra tổ chức Festival thành một hoạt động thường kỳ 3 năm một lần, lần thứ 2 là Festival Mỹ thuật Trẻ 2011 với số lượng tham gia đông đảo từ mọi miền tổ quốc. Và có giải thưởng cho các kỳ Festival.

Festival Mỹ thuật trẻ 2011 gồm 137 tác giả với 154 tác phẩm được trưng bày. Festival này khác với lần trước là có thêm các tác phẩm của nghệ thuật truyền thống là Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc bên cạnh các loại hình mới như Video Art, Trình diễn, Sắp đặt... Các tác phẩm này được lựa chọn từ 953 tác phẩm được gửi đến tham dự. Số tác phẩm sử dụng Video Art là 3 trên tổng số 154 tác phẩm trưng bày. Tuy Video Art chỉ có số lượng không lớn nhưng nó đã có được 2 giải thưởng của Festival là giải Nhất và giải Khuyến khích. Qua đó ta cũng thấy được phần nào hiệu quả của tác phẩm thời công nghệ thông tin đã tác động được đến người xem nhờ khả năng truyền tải thông điệp nhanh, trực tiếp và đa chiều của nó. Có thể những tác phẩm này cũng còn một số hạn chế, đặc biệt là vấn đề thiết bị, khi có thể xảy ra những sự cố về hình ảnh trình chiếu trong toàn thời gian trưng bày triển lãm. Nhưng những tác phẩm này đều đã thu hút sự chú ý của người xem đến vấn đề mà nó đưa ra.

Trước và trong thời gian có 2 kỳ Festival này thì còn có rất nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại trong cả nước có các tác phẩm nghệ thuật có chứa đựng yếu tố CNTT.

Có những triển lãm thử nghiệm sử dụng công nghệ kỹ thuật số với nghệ thuật ở dạng triển lãm nhỏ cũng đã cho thấy sự quan tâm của các nghệ sỹ đối với các sản phẩm CNTT để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Điển hình như triển lãm với chủ đề Nghệ thuật thị giác kỹ thuật số (tháng 11- 2002)

được trưng bày tại trụ sở cũ của Viện Goethe Hà Nội tại phố Hàng Đường, triển lãm được phát động bởi Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bảy tác giả là Phạm Bình Chương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Quang Huy, Lê Quý Tông, Nguyễn Thị Yên Trang, Ngô Đức Trí và Trần Lưu Tuấn, đã giới thiệu tới người xem những bức tranh được vẽ bằng máy tính với những bố cục khác lạ và ấn tượng tại thời điểm đó. Tại thời điểm này việc dùng máy tính để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam còn khá xa lạ với cả nghệ sỹ và công chúng thưởng thức. Chẳng hạn như tác phẩm Cá vàng [PL.1, H.21, tr 158] của Phạm Bình Chương đã thể hiện những điều phi thực tế nhưng lại diễn tả những cảm xúc tinh tế. Những chú cá vàng của nghệ sỹ đang bơi tung tăng, vượt ra khỏi khuôn khổ của những chiếc túi ni lon trên chiếc xe của người bán cá dạo, nó như sự mong mỏi một sự tự do. Sự thể hiện những khả năng kỹ xảo tuyệt vời của máy tính đã được thể hiện trong tác phẩm Sống giữa xã hội nhân bản vô tính [PL.1, H.22, tr 158] của Ngô Bá Hoàng, tác phẩm thể hiện hình ảnh những bàn tay được nhân bản kỹ thuật số giống nhau như đúc, biểu hiện cho sự nhân bản vô tính, nhưng ở giữa thì là những bàn tay của 3 thế hệ của một gia đình. Tác phẩm này tác giả muốn nói, cái tự nhiên vẫn ấm áp và đẹp đẽ hơn biết nhường nào so với những cái được nhân bản vô tính.

Trong khoảng hơn 15 năm trở lại đã có những triển lãm gây được sự chú ý khi xuất hiện nhiều các tác phẩm Video Art, ta có thể kể đến là các triển lãm Tạo hình cho nước và Cây tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khi ấy mang tên Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Các triển lãm này là hai dự án

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hợp tác với DAAD và Viện Goethe vào năm 2004, 2005. Các thành viên tham gia của triển lãm này là các giảng viên và sinh viên của trường cùng với các nghệ sỹ quốc tế. Họ đã tạo nên các triển lãm đa phong cách và đa chất liệu.

Triển lãm Tạo hình cho nước (2004) là tập hợp của các sáng tác thuộc đủ thể loại của Mỹ thuật từ truyền thống như hội hoạ, sơn dầu, sơn mài, lụa, ký hoạ,... đến các thể loại mới như Nghệ thuật Sắp đặt, đặc biệt là Video Art chiếm tỷ lệ 14/33 tác phẩm. Với chủ đề của triển lãm là nước: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tất cả cùng xuất phát từ một ý tưởng yêu nước và tạo hình cho nước. Nước là sự sống, nước là cái đẹp, nước là tình yêu và nước

Một phần của tài liệu Mỹ thuật Việt Nam Những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin (Trang 61 - 82)