Khái quát về Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới

Một phần của tài liệu Mỹ thuật Việt Nam Những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin (Trang 48 - 51)

Từ khi có chính sách Đổi mới (Đại hội Đảng VI - 1986), mở cửa nền kinh tế Việt Nam đã có những bước thay đổi khá rõ rệt. Đời sống xã hội Việt Nam đã thay đổi mọi mặt, từ kinh tế cho đến văn hoá, xã hội. Các chính sách của nhà nước đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thời kỳ mới. Đây là một thời kỳ có nhiều sự phát triển và đổi mới của Mỹ thuật Việt Nam. Thời kỳ này là một quá trình biến đổi từ một xu hướng chung là Mỹ thuật Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chuyển sang một thời kỳ với sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng, đa chiều. Các hoạt động hợp tác, trao đổi triển lãm, các cuộc thi mỹ thuật, các triển lãm quốc tế tại Việt Nam ngày một nhiều, bên cạnh đó là sự có mặt của các trung tâm văn hoá nước ngoài tại Việt Nam cùng các quĩ hỗ trợ nghệ thuật đã góp phần làm sinh động đời sống mỹ thuật, kích thích được bầu không khí sáng tạo của giới trẻ.

Các trường mỹ thuật có nhiều điều kiện hơn để hợp tác, trao đổi, làm phong phú thêm chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo cơ bản, tiếp cận với những phương pháp tư duy mới và những trào lưu mới. Nhiều chuyên gia, nghệ sỹ, giáo sư nước ngoài đã được mời đến giảng dạy những loại hình nghệ thuật mới góp phần nâng cao trình độ văn hoá tạo hình của các nghệ sỹ trẻ và công chúng yêu nghệ thuật.

Kể từ năm 1993 khi có Nghị quyết số 49/CP của chính phủ Về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90, đã khẳng định quan

điểm, mục tiêu và nội dung phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2000 và đề ra các biện pháp lớn để thực hiện. Ở mục 6 phần I nghị quyết cũng chỉ rõ:

Nước ta có tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển CNTT: Công cuộc đổi mới kinh tế đang được tiến hành mạnh mẽ đặt ra nhu cầu cấp bách cho việc áp dụng CNTT và tạo điều kiện cho việc phát triển CNTT; sự thay đổi nhanh chóng công nghệ

trong lĩnh vực này trên thế giới giúp chúng ta có điều kiện tiếp thu và áp dụng ngay những thành tựu mới của công nghệ này; chúng ta lại có tiềm năng nhân lực to lớn là người Việt Nam đang sống ở

trong nước cũng như ở nước ngoài có khả năng hoạt động tích cực và sáng tạo trong lĩnh vực CNTT [28].

Và về quan điểm chung ở điểm c, mục 2, phần II, Nghị quyết cũng khẳng định: “Phổ cập "văn hoá thông tin" trong xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc chuẩn bị hướng tới một "xã hội thông tin" ”. Từ những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cho đến nay đất nước ta đã trở

thành một xã hội công nghệ thông tin và CNTT thực sự đã có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong công cuộc “Đổi mới” của đất nước ngoài lĩnh vực phát triển kinh tế thì lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đã sớm có những bước phát triển vượt bậc (khi mà vào năm 2012 thì 100% cơ quan nhà nước đã xây dựng các trang/cổng thông tin điện tử. Lượng thuê bao internet tốc độ cao tăng 24,74% vào năm 2012, tỷ lệ tăng về số thuê bao di động là 3,42% so với năm trước đó), (nguồn Sách trắng công nghệ thông tin 2013-

Bộ Thông tin Truyền thông) [93]. Từ đây con người Việt Nam đã sống trong một xã hội của CNTT, người ta về nhà là bật tivi, đi ra đường là có điện thoại di động luôn bên mình, mạng internet lan tỏa mọi nơi, kể cả khi đang chuyển động bởi công nghệ 3G, đến công sở làm việc họ cũng tiếp cận với các máy tính nối mạng, với tất cả những thứ đó mọi người còn liên kết, chia sẻ với

nhau liên tục bởi các mạng xã hội như Facebook, Twitter… Trong các chương trình biểu diễn nhờ CNTT cũng góp phần tạo nên những hiệu quả cao về không gian, ánh sáng. CNTT thực sự đã làm thay đổi xã hội, thay đổi cách thưởng thức, thay đổi cách hưởng thụ văn hóa xã hội của con người. Trong các loại hình nghệ thuật đều có những ảnh hưởng của CNTT, điện ảnh có nhiều sự thay đổi lớn. Rất nhiều kỹ xảo trong phim đạt đến hiệu quả không ngờ, để có được thành công đó không thể không kể đến sự phát triển của CNTT. Nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật mà CNTT đã đem đến cho nó sự phát triển, sự phổ cập dễ dàng. Các tác phẩm nhiếp ảnh có thể truyền đi khắp nơi trên thế giới nhờ mạng thông tin toàn cầu internet. Hay như lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật biểu diễn nơi công nghệ thông tin đạt hiệu quả rõ nét, các không gian diễn xuất được thay đổi lớn khi được kết hợp với các màn hình nền video. Có thể kể đến một dự án hợp tác của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam do Quỹ SiDa (Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tài trợ khá thành công đó là vở nhạc kịch (Blog Opera) Giấc mơ và hiện thực (2009), ở vở diễn này đã có các tác phẩm Video Art của sinh viên làm nền cho sân khấu của vở nhạc kịch. Trong lĩnh vực nghệ thuật nhu cầu đổi mới sáng tạo luôn là một tiêu chí trong sáng tác. Với một xã hội công nghệ thông tin như vậy, nghệ thuật cũng có những nhu cầu sáng tạo mới đòi hỏi phải có những phương tiện để đạt được những ý tưởng sáng tạo mới. CNTT đã là một trong những phương tiện giúp cho người nghệ sĩ giải quyết được những yêu cầu của mình.

Các phương tiện CNTT đã làm thay đổi thế giới, dù xuất phát điểm ban đầu những phát minh công nghệ này chỉ đơn giản là để phục vụ cho cuộc sống của con người. Trải qua hàng chục thập kỷ, những thiết bị điện tử ấy đã trở thành những vật dụng, những phương tiện không thể thiếu và mang lại sự

văn minh cho xã hội loài người. Có thể nói sự xuất hiện của chúng đã làm thay đổi cả lịch sử của thế giới. CNTT đã hình thành nên một thế giới mới, một thế giới ảo, nhưng có sự liên quan mật thiết đến thế giới thực mà con người đang sống hàng ngày. Thế giới ảo đó đã chi phối mọi hoạt động của con người. Trong cuốn Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hoá xã hội ở Việt Nam của PGS, TS Bùi Hoài Sơn có đề cập đến thế giới ảo như sau:

Một thế giới ảo sống đan xen với thế giới thực, một không gian tương tác tối đa trong mối quan hệ xã hội, những cách nhìn rộng mở và khoan dung với các quan điểm khác biệt, tốc độ xã hội nhanh tới mức các khoảng cách không gian và thời gian trở nên tương đối, tất cả đã khiến các phương tiện truyền thông mới trở thành một công nghệ có tầm ảnh hưởng to lớn nhất khi xuất hiện loài người. [45, tr 6].

Đối với Mỹ thuật Việt Nam, sự xuất hiện của CNTT và các phương tiện của nó thực sự đã làm xuất hiện nhiều hình thức thể hiện mới. CNTT đã góp phần biến đổi các phương thức sáng tác, các cách thức giới thiệu tác phẩm, quảng bá tác phẩm. Đối với người thưởng thức các tác phẩm Mỹ thuật, thì CNTT cũng đã làm thay đổi cách xem, và cũng giúp người xem tương tác với tác phẩm nhiều hơn.

Một phần của tài liệu Mỹ thuật Việt Nam Những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin (Trang 48 - 51)