1.5.1 Khái niệm về khoa học và công nghệ
Khái niệm về Khoa học theo cuốn Khoa học công nghệ và các giá trị
văn hoá của Hoàng Đình Phu được hiểu “Khoa học là một hệ thống các kiến
thức về các qui luật của tự nhiên, xã hội và tư duy dựa trên những phương pháp được xác định để thu nhận kiến thức” [32, tr 9].
Và “Công nghệ là sự ứng dụng của khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong hoạt động của con người” [32, tr 10].
1.5.2 Khái niệm về nghệ thuật
Nghệ thuật có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
- Là sự sáng tạo ra những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức. Theo ý nghĩa này thường là dùng trong các loại hình nghệ thuật khác nhau.
- Nghệ thuật là cái hay, cái đẹp để người ta chiêm nghiệm qua các giác quan từ đó ngưỡng mộ bởi trình độ, tài năng. Kỹ năng cao vượt lên trên mức thông thường phổ biến, thường là một tác phẩm nghệ thuật.
- Nghệ thuật là khi một nghề nghiệp nào đó được thực hiện ở mức hoàn hảo với trình độ điêu luyện, thậm chí siêu việt.
Theo Từ điển Mỹ thuật: “Theo nghĩa rộng nhất thì nghệ thuật là tất cả
phương pháp tiến hành và là sản phẩm của tài khéo léo, trí tưởng tượng và sự sáng tạo của con người” [21, tr61].
Trong cuốn Hình thái học của Nghệ thuật thì: “Nghệ thuật là một hoạt động nhận thức của con người bằng phương tiện hình tượng” [7, tr 5].
Theo những nghĩa thông thường thì các định nghĩa nghệ thuật thường phản ánh các tiêu chuẩn thẩm mỹ, và từ này bao hàm văn học, âm nhạc, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc và kiến trúc.
Tiểu kết
Thông qua những khái niệm thao tác cơ bản về Mỹ thuật, về sự biến đổi văn hoá, về CNTT cũng như khái quát qua các loại hình nghệ thuật mới mà ở đó CNTT là phương tiện được sử dụng khá nhiều trong quá trình sáng tác, cũng như thưởng thức tác phẩm, có thể nhận thấy được sự phát triển của khoa học và CNTT đã tác động đến việc biến đổi của Nghệ thuật và Mỹ thuật.
Cũng nhờ vào sự phát triển của xã hội CNTT mà Mỹ thuật đã hình thành các loại hình nghệ thuật mới như Nghệ thuật Sắp đặt, Video Art, Sound Art, Internet Art, Multimedia Art, Digital Art… Những khái niệm công cụ đó là cơ sở để giải quyết các vấn đề mà NCS đặt ra trong câu hỏi nghiên cứu của đề tài.
Cùng với chính sách Đổi mới, sự xuất hiện của CNTT làm thay đổi bộ mặt của xã hội và thay đổi các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Đối với Mỹ thuật Việt Nam, sự xuất hiện của CNTT và các phương tiện của nó thực sự đã làm xuất hiện nhiều hình thức thể hiện mới. CNTT đã góp phần biến đổi các phương thức sáng tác, cách thức giới thiệu tác phẩm, quảng bá tác phẩm và cả cách thức thưởng thức tác phẩm.
Chương 2
SỰ KẾT NỐI GIỮA MỸ THUẬT VÀ CNTT