Các nghệ sỹ của thế giới phương Tây luôn là những người đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới nhất vào tác phẩm của mình. Điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật… đã có nhiều thay đổi lớn trong bối cảnh của sự bùng nổ CNTT. CNTT cũng giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, khoảng cách không gian tạo nên một thế giới phẳng, chính vì vậy mà việc ứng dụng CNTT cũng đã trở thành nhu cầu của cả các nghệ sỹ ngoài thế giới phương Tây. Những nước có phổ cập CNTT cũng dần dần xuất hiện những nghệ sỹ ứng dụng CNTT để thực hiện tác phẩm. CNTT đã làm thay đổi cuộc sống xã hội, thay đổi những thói quen, thay đổi thẩm mỹ của mọi người. Việc sử dụng CNTT dường như là nhu cầu tất yếu của việc toàn cầu hóa, của xã hội hóa thông tin.
Vào thập niên 60 của thế kỷ XX các trào lưu nghệ thuật mới đã ra đời, vào thời điểm đó nhiều nghệ sỹ nhận thấy các tác phẩm nghệ thuật truyền thống không còn phù hợp để thể hiện hết khả năng và sức mạnh sáng tạo hiện đại. Ngoài xuất phát từ góc nhìn chính trị, thì sự ra đời của loại hình nghệ thuật mới có ứng dụng CNTT thể hiện tính trí tuệ mới thông qua cách thể hiện nghệ thuật với những quan niệm mới, mang tính tương tác cao. Trong khi nghệ thuật truyền thống hạn hẹp ở những không gian bảo tàng, nhà triển lãm, nhà trưng bày thì tác phẩm nghệ thuật mới đã trở thành một sân chơi chung mang tính tích cực và bình đẳng giữa người sáng tạo và người thưởng thức nghệ thuật. Người thưởng thức nghệ thuật không còn thụ động theo thói quen thông thường khi xem những tác phẩm tranh giá vẽ. Những tác phẩm ngày nay đòi hỏi người xem phải vận động tư duy, cảm nhận và chiêm nghiệm nghiêm túc để thấu hiểu được ý nghĩa cũng như tâm tư của người nghệ sỹ. Như Duchamp từng quan niệm rằng, tác phẩm nghệ thuật cần có người xem để thực hiện [88]. Không những thế ông còn nhấn mạnh nghệ
thuật vi tính tương tác và nghệ thuật trên mạng không những cần có người xem để thực hiện mà còn cần có người xem để kích hoạt, đem lại nội dung thật cho nó.
Tính tương tác là đặc trưng nổi bật nhất của nghệ thuật có ứng dụng CNTT, trước hết nghệ sỹ tương tác với các phương tiện máy móc thông minh, rồi tác phẩm lại tương tác với người xem, sự tương tác đó hoặc thể hiện ở sự vắng mặt gián tiếp và có mặt trực tiếp, hoặc tuỳ theo sự lý giải của người xem để thực hiện tác phẩm. Như nghệ sỹ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) có nhận định: “Một thực tế khách quan là CNTT đã rút ngắn khoảng cách, thiết lập mối quan hệ giữa công chúng với nghệ sỹ, gia tăng vốn xã hội trong tác phẩm nghệ thuật” [PL.4, tr 186].
Trong các loại hình nghệ thuật mới: Video Art, Sound Art, Digital Art, Multimedia Art, Internet Art,… là những loại hình chịu nhiều ảnh hưởng CNTT nhất. Điển hình như Video Art có những kỹ thuật xuất phát từ Điện ảnh và Truyền hình, nhưng chúng ta không nên bị nhầm lẫn với các sản phẩm truyền hình hoặc phim thử nghiệm. Video Art là một loại hình rất linh hoạt, nó có thể sử dụng nhiều phương thức thể hiện khác nhau để thực hiện tác phẩm. Nó có thể kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Khi CNTT ra đời và trở nên phổ biến thì có thể nói Video art như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới, bởi khả năng xử lý kỹ thuật video dễ dàng mà các phương tiện CNTT đem lại. Trên thế giới ta có thể tìm thấy các tác giả tiêu biểu cho loại hình này là Nam June Paik, Wolf Vostell, Bill Viola, Tony Oursler, Mathew Barney, Bruce Naunam…
Nghệ sỹ Wolf Vostell (nghệ sỹ người Đức, 1932 - 1998) là người được đánh giá là một trong những nghệ sỹ đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật tích hợp máy truyền hình thành một tác phẩm nghệ thuật. Những sắp đặt này được tạo ra vào năm 1958 bởi tác phẩm Chu kỳ phòng Đen (Black Room Cycle)
[PL.1, H.9, tr 149] hiện được sưu tập tại bảo tàng Nghệ thuật Berlinische Galerie tại Berlin. Những tác phẩm sớm nhất có kết hợp với tivi của ông còn có Trasnmigracion 1-3 từ năm 1958 và Electronic Dé-coll/age Happening Room [PL.1, H.10, tr 152], một sắp đặt từ năm 1968. Tác phẩm TVde- coll/ages [PL.1, H.11, tr 153] của ông vào năm 1985 là một tác phẩm sắp đặt
video, gồm có một nhóm máy tivi, màn hình hiện ra cảnh sinh hoạt lộn xộn méo mó. Tác phẩm này được đặt trước chung cư của người dân Paris bình thường. Giống như các tác phẩm của trào lưu Fluxus (Nổi sóng) cùng thời kỳ, các tác phẩm của Wolf đã đặt vấn đề vật liệu nghệ thuật và thực hành văn hóa, nhất là khi tivi đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Khi mà tivi đã trở thành một thứ không quá xa lạ với đời sống của mỗi người bình dân, thì thông qua việc đặt những chiếc tivi, ông muốn thông qua những hình ảnh trên màn ảnh để phản ánh đời sống hàng ngày của người dân, mà ông cảm nhận được.
Nam June Paik (1923-2006), một nghệ sỹ gốc Hàn Quốc, sống và làm việc ở New York, với công nghệ điện tử video và sắp đặt, kết hợp cả nghệ thuật điêu khắc là những chất liệu thường dùng trong các tác phẩm nghệ thuật của ông. Nam June Paik được coi là người mở đầu của loại hình Video Art, với tác phẩm quay cảnh hoạt động của giáo hoàng tại New York vào năm 1965, những hình ảnh đó đã được ông chiếu lại ngay buổi tối hôm đó cho người xem tại buổi họp mặt của các nghệ sỹ. Điều cơ bản mà mọi người coi cuốn băng quay giáo hoàng của ông là Video Art bởi vì trước tiên ông là một nhạc sỹ thử nghiệm và nghệ sỹ hành động rất nổi tiếng, ông sử dụng kỹ thuật video để phát triển nghệ thuật thử nghiệm. Khác với cách quay phim Giáo hoàng của nhà báo, Nam June Paik làm một tác phẩm không biên tập cắt nối, không nhằm mục đích thương mại, mà hoàn toàn nhằm thể hiện ý tưởng cá nhân. Bên cạnh đó xét từ góc độ lịch sử nghệ thuật, cuốn băng của ông được
coi là tác phẩm Video Art đầu tiên cũng còn vì ông đã trở thành nghệ sỹ có nhiều tác phẩm video nhất và có ảnh hưởng nhất, khiến ông trở thành người đại diện cho Video Art “khi mà kỹ thuật dán ghép thay thế sơn dầu và bút vẽ, thì đèn hình sẽ thay thế toan vẽ” [58]. Tác phẩm Tivi Cá, Nam June Paik đã sử dụng hình ảnh điện tử kết hợp với bể cá thực để tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ có yếu tố ngẫu hứng nhưng theo ý tưởng sáng tạo. Ánh sáng tạo ra, biến đổi những hình ảnh hiển thị trên những chiếc tivi đặt sau bể cá, nước trong bể kính như những chiếc lăng kính thủy tinh khúc xạ thay đổi một cách khác thường tạo cảm giác lạ mắt (việc này giống như việc tìm tòi chất liệu thể hiện trong hội họa). Một tác phẩm nhưng mỗi lần trưng bày lại có sự thay đổi, như thay đổi về số lượng màn hình, không gian nơi trưng bày, qua đó thể hiện yếu tố ngẫu hứng trong sáng tạo của tác giả. Điều đó cho thấy, tương tự như trong sáng tác hội họa hay các loại hình nghệ thuật khác, khi yếu tố ngẫu nhiên, ngẫu hứng được phát huy đúng chỗ sẽ trở thành sức mạnh của Video Art. Thời điểm đầu tiên mà Nam June Paik và Wolf Vostell làm nghệ thuật với những chiếc tivi, thì những sản phẩm công nghệ này vẫn là những thứ rất sang trọng, nó thường chỉ xuất hiện trang trọng ở trong phòng khách trung tâm sinh hoạt của mỗi gia đình. Việc các ông trưng bày tivi đầy trong không gian triển lãm, cái trên sàn, cái thì treo trên tường, hay cái lại đặt trong những chiếc hộp to rồi lấy vải vẽ đậy lên đã phá vỡ quan hệ vốn có giữa truyền hình và người xem. Thực sự Wolf và Nam June Paik đã đặt tivi vào một môi trường nhân tạo mới, kéo con người ra khỏi cách xem tivi thông thường, tìm thấy cảm giác mới và thoát khỏi mục đích thương mại của truyền hình. Các nghệ sỹ không ngừng tìm tòi và khám phá khả năng về nghệ thuật thị giác và sáng tạo khái niệm mới.
Bill Viola (1952), một nghệ sĩ Video Art đương đại người Mỹ, là người nổi tiếng với các video có xu hướng kết hợp, dựa vào nền tảng của hội họa
truyền thống, thể hiện sâu đậm trong tác phẩm. Nghệ thuật của ông phần nhiều cho thấy hơi thở từ ngôn ngữ hình ảnh trong các tác phẩm hội họa Phục hưng được đan xen với sự sắp đặt hiện đại. Tác phẩm của Bill Viola có thể xem như những bức tranh ánh sáng chuyển động trong không gian huyền ảo của quá khứ hiện về. Điển hình là tác phẩm Cuộc gặp gỡ (The greeting-1995) [PL.1, H.12, tr 153], khi chiêm ngưỡng tác phẩm này ta thấy đâu đó dư âm của không gian La Mã, không gian của những nhà nguyện, những tiếng lao xao của các cuộc gặp gỡ, làm người xem liên tưởng dường như đó là sự gặp gỡ của hiện tại và quá khứ. Ông đã tạo một thứ kỹ thuật khác trong tác phẩm này, một dạng kỹ thuật giúp ông có thể gợi cảm xúc cho người xem. Khi thực hiện ông nhớ tới Giotto và các tác phẩm tranh Thánh. Tại sao những bức tranh phong cảnh của Giotto lại trông không thật như vậy? Trông chúng cũng giống như những tấm trang trí sân khấu vậy? Bill Viola đã đặt ra câu hỏi đó và nhận ra rằng mục đích của Giotto không phải là vẽ cây, vẽ đá hay thể hiện những gì mắt thường nhìn thấy. Mục đích của ông ta là thể hiện những gì trái tim mình cảm thấy khi nhìn thấy những hình ảnh của đời sống thực, đấy mới là những định nghĩa trung thực đối với Giotto, là những giá trị thật trong những thứ không thật. Và với những kỹ thuật quay tân tiến mà Bill Viola sử dụng ở đây cũng giống như là một ngưỡng cửa để mở ra một thế giới khác. Là nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ bến cả về mặt hình khối kỹ thuật lẫn nội dung, ý niệm. Đó mới chính là sức mạnh của nghệ thuật. Bill Viola cho rằng tất cả các thể loại nghệ thuật bao gồm cả nghệ thuật thế kỷ XX bằng cách này hay cách khác đều làm được như vậy. Vỏ bọc bên ngoài bỗng dưng biến mất và ta được thưởng thức những hình ảnh thật nhất không chỉ là những hình ảnh thị giác tiếp nhận, mà còn nằm sâu bên trong nó là những hình ảnh do tình cảm, tâm hồn tạo nên.
Tác phẩm Đi bộ giữa rừng [PL.1, H.13, tr 154], cũng là một tác phẩm khác của Bill Viola, mà ở trong đó ta thấy được ý tưởng về sự kết hợp một tác phẩm tranh vẽ trên tường của hội họa thời kỳ Phục hưng với hiệu quả sắp đặt ánh sáng và tạo hình trong môi trường camera phức tạp. Ngoài khả năng thể hiện như các thước phim điện ảnh thông thường, đó là kỹ thuật phối hợp sử dụng 3 camera với độ phân giải cao, tạo nên hình ảnh không gian ba chiều, tác phẩm còn gợi cho người xem cảm giác như đang thưởng thức bức tranh thời Phục hưng. Video Art có thể ví như bức tranh truyền tải những chuyển động của thực tế cuộc sống vào bề mặt hai chiều của khuôn khổ khuôn hình, đồng thời còn có thể chứa đựng cả các kỹ thuật của âm thanh chứ không tĩnh mịch, yên lặng khi trong bảo tàng chỉ trưng bày tranh hay tượng như trước kia.
Peter Campus (1937), một nghệ sỹ người Mỹ. Tác phẩm Giao diện
(1972) [PL.1, H.14, tr 154] thực sự ấn tượng với công chúng khi khán giả trở thành một phần của tác phẩm. Ở đây ta nhìn thấy sự phản ảnh của mình trong kính thủy tinh, song lại không phải hình của mình tại thời điểm mình đang đứng hiện tại. Hình ảnh đơn sắc xuất hiện trên kính là hình ảnh bản thân của người xem được máy quay ghi lại trước đó vài phút. Tác phẩm là một ví dụ về chủ nghĩa tối thiểu (minimalist) khá được phổ biến ở thập niên 1960 và 1970 trong nghệ thuật đương đại nhằm mục đích trả lời câu hỏi về ý niệm, về không gian và nhận thức thông qua phương tiện video.
Một tác phẩm sử dụng nhiều công nghệ kỹ xảo từ rất sớm của Peter Campus là Three Transtions (1973) [PL.1, H.15, tr 155], trong tác phẩm này nghệ sỹ đã biến đổi hình ảnh của mình theo ba chuỗi khác nhau. Trong video của tác phẩm, Campus đã thử nghiệm với công nghệ màn hình xanh, chồng hình ảnh chính mình khi lúc này khi lúc khác. Gương mặt ông trong tác phẩm với kỹ xảo đã tạo ra cảm giác nhiều lớp và tự bản thân ông có thể tự điều
chỉnh, thay đổi từng phần gương mặt của mình, cho đến mức ông có thể tự cầm đốt chính bản thân gương mặt đang chuyển động của mình. Ông đã nói về người đàn ông trong tác phẩm này: “Con người ở đây cố gắng tự trừu tượng mình bằng cách sử dụng các phương pháp cũ làm gợi nhớ của chủ nghĩa Biểu hiện Đức, Lập thể, và Siêu thực. Các vấn đề nghệ thuật của đường nét và mặt phẳng được nâng lên. Có lẽ tiêu đề được gọi là: cuộc chiến giữa con người và những con người nhân tạo”[95].
Bruce Nauman (1947) một nghệ sỹ người Mỹ. Các tác phẩm Video Art của ông là sự kết hợp của Video, nghệ thuật trình diễn và những bóng đèn Neon. Có thể kể đến tác phẩm Manipulating a Fluorescent Tube (1969)
[PL.1, H.16, tr 155], video đen trắng, độ dài 60 phút. Trong tác phẩm này Nauman đã kết hợp âm thanh và việc sử dụng bóng đèn huỳnh quang để xây dựng nên tác phẩm. Trong video Nauman tay cầm đèn Neon rọi chiếu vào từng chuyển động của cơ thể với nhiều động tác khác nhau, tư thế khác nhau. Ngôn ngữ cơ thể được ghi lại dưới ánh sáng của đèn huỳnh quang (Neon) tạo nên những hình bóng về thân thể, sự đa nghĩa và bất đồng nhất, bí ẩn và gợi dục. Nauman cũng tiếp tục nghiên cứu sự tổng hợp của chuyển động kết hợp với tạo hình và âm nhạc. Ông dùng Video để ghi lại các buổi trình diễn đó, chính từ đó cũng tạo ra các giá trị thẩm mỹ mới.
Vito Acconci (1940) [PL.1, H.17, tr 156], nghệ sỹ người Mỹ, các tác phẩm của ông thường tập trung vào thân thể con người. Acconci là một trong những người tiêu biểu của trào lưu nghệ thuật hành động (Action art) những năm 1970. Đối với Acconci, nghệ thuật hội họa truyền thống thường vấp phải những khó khăn trong việc diễn đạt những yếu tố trừu tượng thuộc về lĩnh vực tâm lý hay diễn biến phức tạp trong suy nghĩ hành động của con người, nhưng bằng nghệ thuật Video Art ông đã khắc phục và thể hiện thành công những khó khăn đó. Trong một tác phẩm có sự kết hợp của nghệ thuật trình
diễn sáng tác năm 1973, Acconci ngồi trong phòng kín trước tấm gương ở trường quay trong vòng 14 ngày và truyền trực tiếp hình ảnh ra phòng ngoài. Bằng câu chuyện của mình và qua trình diễn ông đã cho người xem trực tiếp cảm nhận được những diễn biến tâm lý phức tạp của mình như: sự tự buộc tội, sự ăn năn, sợ hãi, tâm trạng bị dồn nén, kích động… Có thể nói đây là tác phẩm đã vượt ra khỏi hình thức thông thường của hình ảnh để nhằm mục đích diễn đạt những vấn đề khó khăn phức tạp của các yếu tố tâm lý qua việc sử dụng thành công thiết bị Video kết hợp với nghệ thuật biểu diễn sân khấu.
Tony Oursler (1957) [PL.1, H.18, tr 156], sinh tại New York. Từ năm 1992, Oursler đã kết hợp một cách thông minh tính chất của sân khấu với video art. Phần lớn các tác phẩm của ông đều có sử dụng các hình nộm dưới tác động của ánh sáng và hình ảnh video (thường là các video với hình ảnh khuôn mặt người diễn tả các tâm trạng) đã đem đến cho người xem những hiệu quả của thị giác và tâm lý bất ngờ. Việc sử dụng phương pháp này đã toát lên được sự biến đổi, cũng như việc tác giả đã thổi hồn, truyền hơi thở