Định nghĩa vật chất của Lênin

Một phần của tài liệu Tổng hợp các bài tiểu luận triết học cao học (Trang 96 - 97)

II. Nội dung lý luận

2. Định nghĩa vật chất của Lênin

Vào cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, khoa học tự nhiên mà chủ yếu là vật lý học đã có một loạt những phát minh quan trọng như Rơn ghen phát hiện ra tia X, Becoren phát hiện ra tia phóng xạ, đặc biệt năm 1897, Tomxon phát hiện ra điện tử và năm 1901, KauFman chứng minh được sự vận động của khối lượng điện tử,… Những phát minh khoa học giai đoạn này đã tạo nên bước tiến mới cho loài người trong việc nhận thức và cải tạo thế giới, bác bỏ quan niệm siêu hình trước đây về vật chất.

Tuy nhiên, lợi dụng sự khủng hoảng của vật lý hiện đại, chủ nghĩa duy tâm một mặt biện hộ cho những quan điểm sai lầm của mình, mặt khác tấn công trực diện vào khái niệm vật chất. Họ la lối lên rằng nếu nguyên tử bị phá vỡ tức là vật chất bị tiêu tan, nền tảng của chủ nghĩa duy vật đã sụp đổ.

Bác bỏ nhận thức sai lầm đó, V.I. Lênin chỉ ra rằng không phải vật chất tiêu tan mà chỉ có giới hạn hiểu biết, nhận thức của con người về vật chất tiêu tan, tức là cái mất đi không phải là vật chất mà chính là giới hạn của sự nhận thức về vật chất. Trên cơ sở phân tích ấy, đồng thời đáp ứng yêu cầu thời đại, trong tác phẩm “ Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, Lênin đã đưa ra định nghĩa về vật chất như sau:

“Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác được cảm giác của chúng ta chụp lại, chép lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”

Đây là một định nghĩa kinh điển về vật chất, cho tới nay khoa học hiện đại vẫn còn thừa nhận .Định nghĩa vật chất của Lênin bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Một là, vật chất là một phạm trù triết học, tức khái quát nhất, không giống với các khái niệm của các khoa học cụ thể hay trong đời sống thường ngày. Do đó, không thể đồng nhất vật chất với các dạng vật thể cụ thể của nó, vì các dạng vật chất cụ thể đều có giới hạn, được sinh ra và rồi sẽ mất đi, còn vật chất nói chung là vô cùng, vô tận. Phạm trù vật chất được đem đặt đối lập với phạm trù ý thức.

- Hai là, vật chất có thuộc tính cơ bản là thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác. Điều này khẳng định rằng thực tại khách quan (vật chất) là tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức, cảm giác, có trước ý thức, còn ý thức, cảm giác là cái có sau, tồn tại lệ thuộc vào vật chất.

- Ba là, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh. Tức là vật chất tồn tại khách quan nhưng không thần bí mà tồn tại thực dưới dạng các sự vật, hiện tượng cụ thể, con người thông qua giác quan mà có thể trực tiếp hoặc giản tiếp nhận thức được. Điều đó cũng cho thấy con người hoàn toàn có thể nhận thức được thế giới này và cải tạo nó.

Một phần của tài liệu Tổng hợp các bài tiểu luận triết học cao học (Trang 96 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w