2. Các quan điểm chính trong lịch sử triết học của lý luận nhận thức
2.2 Quan điểm về lý luận nhận thức trong lịch sử triết học Trung Hoa cổ, trung đạ
trung đại
a) Tư tưởng triết học Đạo gia
Đạo gia chủ trương thuyết “Vô Danh”. Lão Tử cho rằng, khái niệm “Danh” chỉ là tương đối, hữu hạn, không phải là cái “thường” tuyệt đối: mọi khái niệm “Danh” chẳng qua chỉ là sự so sánh, quy định nhau (tốt là so với xấu, trắng là so với đen v.v…) và Lão Tử đi đến kết luận “cái tên” (tức “Danh”) có thể nói ra được không phải là tên vĩnh hằng không thay đổi, cái tên không nói ra mới là tên vĩnh hằng, đúng nhất. Ở đây, mặc dù sự suy luận của Lão Tử còn chất phác, lập luận chưa có cơ sở khoa học, nhưng rõ ràng đã có yếu tố biện chứng trong lý luận nhận thức. Lão Tử đã nhận ra sự đồng nhất giữa ý thức chủ quan và tự nhiên khách quan trong quá trình nhận thức chân lý. Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, Lão Tử cũng thể hiện nhiều hạn chế, không tránh khỏi quan điểm duy tâm về nhận thức. Ông khẳng định, không thể nhận thức thông qua khái niệm, mà phải bằng phương pháp tưởng tượng trực giác. Ông phủ nhận cực đoan chân lý tương đối trong quá trình nhận
thức: xem nhẹ nhận thức cảm giác kinh nghiệm, thậm chí có xu hướng thần bí hóa nhận thức: “không ra khỏi nhà mà biết việc thiên hạ, không nhìn ra ngoài cửa, mà thấy được đạo trời, cang đi xa càng ít biết” (Trích “Đạo Đức Kinh” – Chương 47)18.
b) Tư tưởng triết học Mặc gia
Tư tưởng triết học về nhận thức của Mặc Tử có yếu tố duy vật. Ông coi trọng kinh nghiệm cảm giác, đề cao vai trò của nhận thức cảm giác trong quá trình nhận thức của con người. Ông cho rằng phàm là cái gì mà lỗ tai, con mắt không cảm nhận được là không tồn tại. Tuy nhiên ông đã không phân biệt được cảm giác đúng, cảm giác sai và vai trò của chúng trong quá trình nhận thức, vì vậy ông khẳng định tưởng tượng, ảo giác của con người cũng là cảm giác đúng, và lấy đó để chứng minh rằng có thần linh. Như vậy, ông đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm, hữu thần. Ông đưa ra thuyết ‘tam biểu’ nổi tiếng; ông khẳng định: muốn ngôn luận, suy nghĩ chính xác phải căn cứ vào ba biểu là: có “cái gốc” của nó, có “cái nguồn” của nó, có cái “dụng” của nó. Ông giải thích rằng “cái gốc” tức là xem xét việc làm của thánh vương đời xưa nếu thấy đúng thì làm, nếu thấy sai thì bỏ; “cái nguồn” của nó là xét đến cái thực của tai mắt trăm họ (tức là xem xét có phù hợp với thực tế khách quan hay không); “cái dụng” của nó là xem có lợi cho nhà nước, nhân dân hay không v.v…