Góp sức cùng cả nước giải phóng và thống nhất đất nước

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 109 - 136)

6. Bố cục của luận văn

3.4. Góp sức cùng cả nước giải phóng và thống nhất đất nước

Hiệp định Pari được ký kết, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam. Thắng lợi to lớn đó tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới, có điều kiện và thời cơ mới để “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước…

Ngày 27/1/1973, BCHTƯ Đảng kêu gọi quân và dân cả nước “Tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được, hoàn thành dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà” [49; 399].

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tháng 2/1973, Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ra nghị quyết xác định rõ: Cách mạng chuyển sang giai đoạn mới phải làm cho cơ quan quân sự các cấp chuyển biến mọi mặt phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự địa phương với chất lượng cao hơn. Trọng tâm là tập trung chỉ đạo xây dựng vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và tham gia bảo vệ trị an. Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tuyển quân chi viện chiến trường, đồng thời tích cực vận động dân quân tự vệ tham gia làm nòng cốt trong sản xuất, công tác, xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, anh em từ chiến trường trở về.

Trong điều kiện nhiều năm liên tục huy động cho chiến trường với số lượng quân lớn, cơ sở vật chất của hậu phương qua hai cuộc chiến tranh phá

hoại bị thiệt hại chưa có thời gian củng cố và để đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng, Đảng bộ luôn coi trọng công tác tuyển quân, đi sâu đi sát tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trước yêu cầu nhiệm vụ giải phóng miền Nam và xây dựng bảo vệ miền Bắc ngày càng trở nên cấp thiết, nên công tác gọi thanh niên nhập ngũ luôn luôn vượt chỉ tiêu và chất lượng cao. Tỉnh đã hoàn thành 2 đợt tuyển quân năm 1973. Ngay trong đợt giao quân đầu năm, các huyện thuộc Nam Định đã có 9.741 tân binh bổ sung cho các chiến trường miền Nam, trong đó huyện Vụ Bản đạt 100,7%, huyện Ý Yên đạt 121%, thành phố Nam Định đạt 119%. Mặc dù tuyển quân trong mùa mưa bão nhưng đợt tuyển quân lần 2 trong năm vẫn đạt 103% chỉ tiêu [49;405]. Trong cả năm quân số thực chất được các đơn vị nhận quân quản lý đạt 100,54%; tuyển quân nhân nữ đạt 100,33%. Các địa phương có đông đồng bào theo đạo, việc gọi thanh niên nhập ngũ đạt tỷ lệ khá cao. Nghĩa Hưng đạt 67,3%, Xuân Thủy 34,3%, Hải Hậu 32,8%.

Trong thời gian này, hầu hết các tổ, đội trực chiến thường xuyên của lực lượng dân quân tự vệ đã rút về lao động sản xuất. Nhưng về cơ cấu tổ chức, từng địa phương vẫn quản lý chắc đội ngũ và chú trọng phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và trang bị. Mặt khác với quan điểm chiến tranh nhân dân và đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân tỉnh đã chủ trương tăng cường cán bộ quân sự giúp đỡ, chỉ đạo từng bước áp dụng huấn luyện quân sự vào các trường phổ thông, trung cấp, đại học trong tỉnh. Đây chính là một biện pháp tăng cường xây dựng lực lượng, sẵn sàng tuyển quân chi viện cho chiến trường, bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Đồng thời với việc phát triển lực lượng, công tác tổ chức huấn luyện vẫn duy trì thường xuyên chặt chẽ, bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp trong tình hình mới.

Về thực hiện chính sách hậu phương quân đội, năm 1973 Đoàn 586 đã tiếp nhận một số lượng thương – bệnh binh, tăng 11,1% so với năm 1972. Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức thêm Đoàm 596, gồm 2 tiểu đoàn làm nhiệm vụ đón tiếp và nuôi dưỡng quân nhân bị địch bắt trở về. Đoàn 596 đã tiếp đón, phục vụ hơn một nghìn anh chị em chiến thắng trở về bao gồm đủ các đối tượng, trong đó có trên ba trăm anh chị em là người miền Nam.

Để đảm bảo công tác chi viện cho chiến trường, từ năm 1973 đến 1975 quân và dân tỉnh Nam Định ra sức thi đua trên mặt trận lao động sản xuất phục hồi kinh tế.

Công nhân Nhà máy liên hợp Dệt khẩn trương chuyển vật tư, thiết bị từ các nơi sơ tán trở về, tiếp tục sản xuất, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương, vừa sản xuất vượt kế hoạch nhà nước và sản xuất ngoài kế hoạch để gửi tặng đồng bào miền Nam. Tổ máy Con ca A phân xưởng sợi của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, mười năm liền là Tổ đội lao động Xã hội chủ nghĩa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai và hạng ba. Tổng kết 13 năm từ 1960 đến 1973, vừa sản xuất vừa chiến đấu Tổ máy Con ca A phân xưởng sợi của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định đã sản xuất vượt 122.447 ki- lô-gam sợi, nâng chất lượng sợi loại 1 từ 50 lên 56 phần trăm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà nước 23.390 đồng [53; 202]. Năm 1973, Tổ máy Con ca A phân xưởng sợi của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động.

Năm 1973, ngành vận tải vượt 5,6% tổng khối lượng vận chuyển. Ba tháng đầu năm 1973 so với cùng kỳ năm trước, ngành vận tải vận chuyển kim khí trên đường dài vượt mức kế hoạch 41%, vận chuyển muối tăng 8 lần và gạo tăng 73 lần cho tiền tuyến miền Nam.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, năm 1973 mặc dù gặp phải 4 cơn bão liên tục và mưa lớn chưa từng có nhưng nông dân toàn tỉnh vẫn giành năng suất cao, đạt tổng sản lượng lớn trong cả hai vụ lúa. Toàn tỉnh hoàn thành 63.500 tấn nghĩa vụ lương thực với Nhà nước.

Về công nghiệp, 8 trên 10 ngành sản xuất đã có 28 mặt hàng chủ yếu đạt sản lượng cao hơn năm trước từ 0,6% đến 84%. Toàn ngành công nghiệp vượt mức kế hoạch 5%.

Cùng với các ngành, các giới, đoàn viên thanh niên Nam Định trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, trường học thực sự là lực lượng xung kích, góp phần làm ra nhiều của cải vừa xây dựng quê hương giàu mạnh vừa góp phần chi viện lớn cho công cuộc giải phóng miền Nam. Chỉ tính riêng tháng 8 và tháng 9 năm 1973 đã có 100 nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia “ngày lao động tình nguyện”.

Xã Hải Thịnh huyện Hải Hậu có 5 nghìn nhân khẩu, 33% dân số theo đạo Thiên Chúa đã có hàng trăm đảng viên, đoàn viên thanh niên tham gia bộ đội đi chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đây cũng là địa phương đạt tiêu chuẩn 6 tấn thóc- 1 tấn muối- 3 con lợn trên 1 héc-ta gieo trồng… Với những thành tích đó, xã Hải Thịnh đã vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 9 năm 1973). Cũng trong đợt này, còn có 6 cán bộ, chiến sĩ quê Nam Định lập công xuất sắc trên các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là các đồng chí Nguyễn Huy Hiệu, Bùi Trung Thành, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Quang Hạnh, Nguyễn Ngọc Quỳnh và Nguyễn Thị Thanh Nhâm.

Tháng 3 năm 1974, quân và dân Nam Hà vinh dự được tiếp đón các đoàn đại biểu Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, đại biểu Hội liên hiệp

Sinh viên quốc tế và đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam Việt Nam bao gồm 20 đại biểu cán bộ, Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua do bà Nguyễn Thị Định- Phó Tư lệnh quân Giải phóng, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ miền Nam Việt Nam dẫn đầu. Các đại biểu đã mang đến cho quân và dân địa phương sự cổ vũ lớn lao và tình đoàn kết tất cả vì chiến thắng. Thay mặt Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã cảm ơn và khẳng định “Mọi suy nghĩ và hành động của đồng bào, chiến sĩ Nam Hà trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước luôn luôn hướng về miền Nam ruột thịt”.

Trung tuần tháng 4, Hội Liên hiệp phụ nữ Nam Hà mở Đại hội đại biểu lần thứ hai. Đại hội đã khẳng định thành tích đóng góp to lớn của chị em phụ nữ trong lao động sản xuất, động viên chồng con, anh em lên đường đi đánh giặc, góp sức góp của vào thắng lợi vẻ vang vừa qua của toàn dân tộc. Đồng thời xác định nhiệm vụ của Hội là tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang”, giỏi việc nước, đảm việc nhà, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm góp phần to lớn hơn nữa vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Thanh niên, học sinh toàn tỉnh nô nức thi đua học tập rèn luyện, hoàn thành kết quả năm học 1973- 1974, lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 84 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sẵn sàng tòng quân ra tiền tuyến giết giặc lập công.

Ghi nhận sự đóng góp của đồng bào công giáo tỉnh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 10-11-1974, Hội nghị mừng công của đồng bào theo đạo Thiên Chúa trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Có hàng vạn “Gia đình Công giáo chống Mỹ cứu nước”. Hàng chục nghìn thanh niên công giáo của tỉnh đang làm nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam, trong đó có hai địa phương kết nghiã của tỉnh là Biên Hòa, Mỹ Tho.

Công tác tuyển quân đợt 1 năm 1974 được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo đúng chính sách đối tượng. Ngay trong ngày đầu tuyển quân, huyện Vụ Bản huy động 60% thanh niên trong độ tuổi đi khám tuyển. Huyện Nam Ninh có 50% số xã có thanh niên đi khám tuyển và có 70% số anh em này có sức khỏe tốt sẵn sàng nhận lệnh lên đường.

Toàn tỉnh có 1.710 cán bộ, trong đó có 26 đồng chí đang là thương- bệnh binh an dưỡng tại Đoàn 586, 372 đồng chí ở diện đơn vị tăng cường, sẵn sàng chờ lệnh bổ sung cho các đơn vị vào miền Nam chiến đấu. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh điều chỉnh, sắp xếp 909 cán bộ bổ sung cho các đơn vị và biên chế thành khung cho 6 tiểu đoàn của trung đoàn 19. Có 21 đồng chí được điều đi chiến đấu, trong đó có 17 đồng chí là người miền Nam. Tỉnh tiếp nhận, bảo đảm tiêu chuẩn chính sách cho 6.283 gia đình có con đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Tuyển quân là một trong những nhiệm vụ quân sự trọng tâm hàng đầu, được chính quyền các cấp cùng cơ quan quân sự địa phương hết sức quan tâm, thực hiện tốt, năm 1974, đạt 100,7% kế hoạch. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, thành phố Nam Định, ngay đợt đầu đã vượt chỉ tiêu cả năm. Các huyện Nam Ninh, Hải Hậu đạt khá nhưng chỉ tiêu cao hơn năm 1973. Trung đoàn 19 của tỉnh đã nhanh chóng huấn luyện quân tăng cường cho chiến trường. Cuối tháng 5 năm 1974, cả 10 tiểu đoàn do đơn vị huấn luyện đã được giao cho các đơn vị nhận quân đi vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Trên chiến trường miền Nam, bước vào năm 1974, quân và dân ta đẩy mạnh tiến công địch theo tinh thần Nghị quyết 21 (7-1973) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, đánh một số trận tiêu diệt quân chủ lực ngụy, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ quần chúng và tạo thế cho phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân phát triển rộng khắp.

Tình thế mới cho phép ta tính toán và chuẩn bị “kế hoạch giải phóng miền Nam”. Từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam; đồng thời quyết định “Động viên lực lượng mọi mặt của cả nước, đoàn kết nhất trí triệu người như một, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, phấn đấu anh dũng tiến lên với một tinh thần quyết chiến, quyết thắng rất cao”.

Hòa nhịp với sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước của chiến sĩ, đồng bào cả nước. Quân và dân Nam Hà ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của chiến trường miền Nam anh hùng.

Đến tháng 8 năm 1974, giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh đã tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 1973 [3; 630]. Các trạm biến thế Gôi, Kênh Gia, Quán Chuột vừa hoàn thành đưa vào phục vụ thu chiêm, làm mùa và sẵn sàng chống úng, phòng lũ. Ngành muối của tỉnh sản xuất 20 nghìn tấn, đạt 62,5% kế hoạch cả quý ba.

Năm 1974, Nam Hà giành thắng lợi to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt mục tiêu “ba tăng”, đóng góp 135 nghìn tấn, cao nhất so với các năm trước đó. Tổng sản phẩm xã hội tăng 16%, thu nhập quốc dân tăng 28,6% [3; 637]. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đạt năng suất từ 8 đến 10 tấn thóc trên héc-ta.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng gần thắng lợi, càng đòi hỏi chi viện lớn về sức người, sức của cho chiến trường. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng”. Đầu tháng 2 năm 1975, Nam Hà tuyển chọn giao quân với số lượng gấp 2 lần năm 1974 và phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 4 theo chỉ thị của Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân khu 3. Quán triệt chỉ thị của Trung ương và Đảng ủy Quân khu, ngày 17

tháng 2 năm 1975, Thường vụ Tỉnh ủy Nam Hà họp và quyết nghị: Việc tổ chức động viên một lực lượng lớn đi chiến đấu và xây dựng kinh tế là bước phát triển mới của cách mạng. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt của nhiệm vụ năm 1975 và hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ này để thể hiện rõ ý chí và tình cảm sâu sắc của nhân dân Nam Hà đối với sự nghiệp cách mạng chung cuả cả nước.

Cuối tháng 2 năm 1975, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh họp triển khai cụ thể kế hoạch tuyển quân, giao quân tới các huyện xã. Chỉ trong đợt đầu năm, các huyện, thành phố thuộc Nam Hà đã tuyển giao 13.718 tân binh, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch trên giao. Có 6 huyện vượt chỉ tiêu trong đó huyện Xuân Thủy vượt mức 100 người. Đầu năm 1975, Nam Hà đã đóng góp nghĩa vụ là 110.000 tấn thóc, 9.000 tấn thịt, giao thêm cho chiến trường 8.600 tấn lương thực và hơn 4.000 tấn thịt, đáp ứng yêu cầu tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam [3; 644].

Đến ngày 29 tháng 3, khi miền Nam có 11 tỉnh (trong đó có thành phố Huế) được giải phóng, Thường vụ Tỉnh ủy đã điện kêu gọi các địa phương và cá nhân hãy hành động thiết thực, tăng giờ, tăng buổi, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tiêu dùng để giúp đỡ đồng bào vùng mới giải phóng và sẵn sàng đi xây dựng kinh tế mới. Thực hiện chủ trương của Trung ương giao cho tỉnh nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng mới giải phóng miền Nam, ngay trong tháng 1 năm 1975, Đoàn cán bộ của tỉnh Nam Hà vào các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Long Khánh nghiên cứu khu vực kinh tế mới ở Cát Tiên đã lên đường. Tỉnh ủy thông qua kế hoạch đưa 11.000 lao động vào vùng này xây dựng, phát triển kinh tế.

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 109 - 136)