Quân dân Nam Định góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 88 - 96)

6. Bố cục của luận văn

2.3.2. Quân dân Nam Định góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc

lần thứ hai của đế quốc Mỹ

Trong khi chúng ta chưa kịp khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 – 1968) và đang tập trung lực lượng để phát triển kinh tế thì đế quốc Mỹ lại điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại

lần thứ 2 ra miền Bắc. Địch liên tiếp dùng máy bay trinh sát, do thám trên bầu trời tỉnh Nam Hà.

Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh lại nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến và sớm xác định địa phương sẽ là nơi địch tiến hành đánh phá ác liệt. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân khu, Nam Hà chuyển trạng thái sang thời chiến. Thành phố, thị xã “sản xuất, chiến đấu” chuyển thành “chiến đấu, sản xuất”. Hàng chục nghìn người già, trẻ em và những người không liên quan đến sản xuất chiến đấu được ưu tiên sơ tán trước. Hàng chục nghìn tấn máy móc thiết bị được phân tán mỏng hoặc di chuyển về địa điểm mới tiếp tục sản xuất theo kế hoạch. Hầm hố phòng tránh bom đạn địch được đào đắp thêm, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do địch gây ra. Lực lượng giao thông vận tải, các ngành y tế, lương thực, thực phẩm chuyển hướng phục vụ theo thời chiến. Kế hoạch tác chiến phòng không nhân dân từ tỉnh tới các địa phương, đơn vị được kiểm tra, thực tập, bổ sung, hiệp đồng. Các đơn vị trực chiến của tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Hai ngày (15 và 16) tháng 4 năm 1972, tàu chiến Mỹ lại bắn đại bác vào nông trường Rạng Đông và một số làng mạc ven biển Nam Hà. Chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân của Mỹ, một lần nữa đã thực sự diễn ra trên đất Nam Hà.

2 giờ 30 phút ngày 24 tháng 4 năm 1972, hai máy bay Mỹ lẻn vào ném bom xã Trực Hùng huyện Hải Hậu làm 2 người chết, 21 người bị thương.

19 giờ 40 phút ngày 26 tháng 4, hai máy bay địch đột kích vào thành phố Nam Định, bị trận địa của ta chặn đánh từ xa, buộc phải trút bom (gần phà Tân Đệ) để chạy thoát thân.

Những ngày tiếp theo, không quân, hải quân địch vẫn hoạt động phá hoại các xã ven biển.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các đơn vị trực chiến, nhất là khu vực thành phố thị xã, các huyện đông nam tỉnh luôn cảnh giác sẵn sàng trừng trị máy bay, tàu chiến địch. Tại thành phố, khẩu đội 14,5 ly của đơn vị tự vệ Nhà máy Tơ bố trí trên sân thượng tầng 4 nhà ngân hàng, khẩu đội 14,5 ly Nhà máy Xay tại nóc nhà cao tầng Nhà máy Xay cùng các trận địa phòng không của tiểu đoàn 6 ở Lộc Vượng, tự vệ Nhà máy Dệt và đại đội 50 Mỹ Xá thường xuyên quan sát địch, sẵn sàng bắt đón mục tiêu. Trên đê bao sông Đào, các trận địa phòng không của đại đội 3 tiểu đoàn 6 cùng các trận địa của tự vệ Sơn Nam, tự vệ Nhà máy Nước, tự vệ Nhà máy Thực phẩm xuất khẩu, luôn luôn cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu.

13 giờ 40 phút, còi báo động khẩn cấp vang lên. Từ hướng đông nam 1 chiếc F4 lao lên phía đông bắc rồi bất thần vọt lên, lật xuống nhằm cầu treo cắt bom. Lập tức các cỡ súng phòng không ở tất cả các trận địa trên toàn thành phố nhả đạn. Từ hướng đông nam, 6 chiếc A6 và 2 chiếc F4 nhào vào các trận địa và khu vực Máy Dệt, Máy Tơ nhả đạn. Mấy phút sau, 1 tốp máy bay khác từ độ cao 1.800 đến 2.000 mét nhằm cầu treo và các trận địa pháo của ta lao xuống cắt bom. Các trận địa pháo 37 ly và 57 ly của bộ đội đồng loạt bắn, tạo thành lưới lửa trên không, đốt cháy 2 máy bay Mỹ.

Ngày 14 tháng 5, dân quân Nghĩa Lâm đã phục kích bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Đây là chiến công đầu tiên của dân quân tỉnh nhà trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, và cũng là hưởng ứng phong trào bắn máy bay tầm thấp trong toàn quân khu.

Ngày 22 tháng 5, một tốp F8 xuất hiện trên bầu trời thành phố, ngay lập tức, trận địa cao xạ 14,5 ly của phân đội nữ tự vệ Nhà máy Thực phẩm xuất khẩu cùng trận địa 12,7 ly của tự vệ Máy Tơ nổ súng. Với 46 viên đạn 14,5 ly chị em tự vệ Nhà máy Thực phẩm xuất khẩu đã làm một máy bay Mỹ phải

loại khỏi vòng chiến lao đầu xuống biển. Đây là chiến công đầu tiên của tự vệ Thành Nam độc lập bắn rơi phản lực Mỹ.

Ngày 28 tháng 5, vào lúc 19 giờ 15 phút, máy bay phản lực Mỹ bất ngờ phóng tên lửa đánh sập cầu treo trên sông Đào, chặn phá một điểm nút giao thông quan trọng của ta. Địch tưởng chừng có thể cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Nhưng ngay lập tức phương án ghép thuyền nan thành từng đoạn để tạo thành chiếc cầu phao cần thiết cho người đi bộ và xe thô sơ qua sông đã được thực hiện.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả lưới lửa nhiều tầng, tháng 5 năm 1972 Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân điều động Trung đoàn 231 pháo cao xạ 37 ly và 57 ly về thành phố sát cánh cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt giặc trời Mỹ.

Trong tháng thi đua lập thành tích xuất sắc kỷ niệm ngày sinh lần thứ 82 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần thứ 18 ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và chào mừng Quảng Trị, tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, quân dân Nam Hà đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

Ngày 11 tháng 6, Mỹ cho 20 máy bay chia làm nhiều tốp bất ngờ ập tới đánh phá đồng loạt nhiều vị trí, trận địa của ta tại thành phố Nam Định. Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao và quyết tâm lớn, ngay từ những loạt đạn đầu, đại đội 2 tiểu đoàn 6 bộ đội phòng không địa phương tỉnh đã bắn rơi một chiếc A6. Chiếc A6 bị bắn cháy trong trận này là chiếc thứ 100 bị bắn rơi ở Nam Hà và là chiếc thứ 3.700 bị bắn rơi ở miền Bắc [50; 232]. Với chiến công này, đại đội 2 tiểu đoàn 6 được nhận cờ thưởng của Ủy ban hành chính tỉnh. Tự vệ Nhà máy Thực phẩm xuất khẩu và Tự vệ máy Tơ được nhận cờ thưởng của Bộ Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn.

Đầu tháng 7 năm 1972, tại trận địa thôn Đông Mạc xã Lộc Hòa, đại đội pháo cao xạ 100 ly đầu tiên của thành phố Nam Định được thành lập. Nhiệm

vụ của đại đội là vừa phối hợp chiến đấu vừa kiểm tra huấn luyện nâng cao dần khả năng chuyên môn nghiệp vụ súng pháo và kỹ thuật, chiến đấu tiêu diệt máy bay các loại của Mỹ.

Trưa ngày 18 tháng 7, địch cho nhiều tốp máy bay đánh phá nhiều nơi trong tỉnh và thành phố. Chỉ tính riêng ở thành phố Nam Định trong hai ngày (18 và 19 tháng 7) địch đã cho 40 lần chiếc máy bay ném hàng trăm quả bom các loại xuống bến Đò Quan, Nhà máy Sợi, Nhà máy Thực phẩm, mỳ Ba Lan, máy nước, xí nghiệp gỗ, thủy tinh và các xã Lộc Hạ, Lộc An, Lộc Hòa, khối 1, khối 2, khu phố 1. Các trận địa cao xạ Trung đoàn 231 dũng cảm chiến đấu bắn rơi 2 chiếc.

Sáng 22 tháng 7, liên tục trong 2 giờ liền, 20 lượt chiếc máy bay ném bom, bắn phá vào các vị trí trong Nhà máy dệt và Cơ khí C50. Lưới lửa tầng thấp, tầm trung, tầm cao của hàng chục trận địa phòng không trong và ngoài thành phố cùng hàng trăm tay súng bộ binh đã đồng loạt giăng lưới lửa giáng trả máy bay Mỹ. Các trận địa pháo phòng không của tiểu đoàn 6, Trung đoàn 231 và tự vệ phân xưởng Sợi đã bắn rơi 3 máy bay.

Hơn 5 giờ chiều ngày 25 tháng 8 năm 1972, các chiến sĩ phân đội pháo 100 ly của tự vệ Nhà máy Tơ ở trận địa Nam Phong đã nêu cao tinh thần cảnh giác, sớm phát hiện mục tiêu, nổ súng chính xác, bắn cháy 1 máy bay A7.

Vào lúc 0 giờ 43 phút ngày 6 tháng 9, một máy bay địch từ cửa sông Hồng lao tới. Các trận địa kịp thời bắt, bám mục tiêu, đồng loạt nổ súng. Máy bay bùng cháy và lao xuống phía cửa sông Đáy. Thành tích này thuộc về các khẩu đội của Nhà máy Thực phẩm xuất khẩu và dân quân xã Mỹ Hưng. Ngày 10 tháng 9 năm 1972, phân đội pháo 100 ly của Xí nghiệp Cơ khí C50 tại trận địa xã Nam Chấn, Nam Ninh cũng bắn rơi 1 chiếc F4.

Vừa đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ xâm phạm không phận, quân dân Nam Hà cùng với quân dân miền Bắc vừa bảo đảm tiếp tế, vận chuyển hàng

hóa vũ khí đạn dược vào miền Nam. Chính cơ quan tình báo Mỹ đã phải thừa nhận: “Mặc dù ném bom rất ác liệt vẫn không giảm được một cách có ý nghĩa việc đưa người và trang bị vào miền Nam Việt Nam”. Ngày 22 tháng 10, Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Thế nhưng 2 tháng sau, ngày 18 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ trắng trợn mở cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn miền Bắc. Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta đã giáng một đòn quyết liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược trên không của Mỹ.

Trên thực tế, liên tục 12 ngày đêm, Mỹ đã cho 663 lần chiếc máy bay B52 và 3.884 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của. Hướng về Hà Nội – trái tim của cả nước, quân dân Nam Định từng giây từng phút sẵn sàng chia lửa với Thủ đô. Ngày 28 tháng 12, các trận điạ pháo 100 và 122 ly của tiểu đoàn 66 và dân quân các xã ven biển Hải Hậu, Xuân Thủy đã phối hợp bắn cháy 2 tàu chiến Mỹ.

Thắng lợi dồn dập to lớn của quân và dân ta ở miền Nam trong năm 1972 và thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải “xuống thang”, chấp nhận ngừng ném bom bắn phá miền Bắc và trở lại bàn hội nghị Pa- ri trong thế yếu và thế cô lập hơn trước. Thất bại trên chiến trường miền Nam và thất bại trong chiến dịch đánh phá Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng (12-1972) đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ vào địa phương mở đầu bằng sự kiện đánh phá Nông trường Rạng Đông và liên tục từ đó suốt 188 ngày đêm kẻ thù đánh vào địa phương 633 trận ở 893 mục tiêu khác nhau. Địch đã huy động 1.345 lần chiếc máy bay [49; 397], trong đó tháng 7 –

1972 là 554 lần chiếc, đưa mức bình quân lên 3 trận đánh phá trong một ngày. Thủ đoạn được chú trọng nhất là tập trung cấp tập đánh phá thành phố Nam Định, khu công nghiệp; thường xuyên đánh phá giao thông, phong tỏa đường sông, đường biển. Địch còn cho 50 lần chiếc máy bay đánh vào đê điều, 350 trận đánh vào khu dân cư, dùng chiến tranh tâm lý lung lạc tinh thần nhân dân.

Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, quân dân Nam Hà đã chuẩn bị tốt công tác phòng tránh. Kiên quyết chống trả những đợt oanh tặc của địch, quân và dân toàn tỉnh đã bắn rơi 28 máy bay; bắn cháy 2 tàu chiến của địch.

Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, quân và dân Nam Hà vừa chiến đấu vừa sản xuất và chi viện lớn sức người, sức của cho quân dân miền Nam. Trong quãng thời gian ấy, giặc Mỹ đã ném xuống vùng đất quê hương Nam Hà gần 10 nghìn tấn bom đạn [49; 398], phá hủy hàng nghìn nhà cửa, cầu cống, làm chết và bị thương gần 3 nghìn người dân; phá hủy và phá hỏng của cải, máy móc, nguyên vật liệu trị giá hàng trăm triệu đồng. Song quân và dân Nam Hà vẫn kiên cường, bền bỉ chiến đấu đánh trả trên 2 nghìn trận lớn nhỏ, bắn rơi 120 chiếc máy bay, bắn cháy 3 tàu chiến và góp phần bắn chìm 2 tàu biệt kích khác.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 8 năm, quân dân tỉnh nhà đã hai lần phải đương đầu với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nam Hà vừa là chiến trường đánh máy bay, tàu chiến Mỹ vừa là hậu phương vững chắc cung cấp sức người sức của cho cách mạng miền Nam. Mặc dù bị bom đạn tàn phá ác liệt, thành phố Nam Định gần như bị hủy diệt, song quân và dân địa phương vẫn trụ vững kiên cường, chiến đấu và chiến thắng. Với khẩu hiệu “tay búa tay súng”, “tay thoi tay súng”, “tay cày tay súng”, quân dân Nam Hà đã vượt qua mọi thử thách ác liệt, vừa chiến đấu giỏi vừa sản xuất giỏi lập nên

những chiến công xuất sắc góp phần cùng cả nước đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

* Tiểu kết chương 2

Trong 10 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975), Nam Định vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa trực tiếp đương đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để bảo vệ hậu phương và làm tròn nghĩa vụ với tiền tuyến lớn miền Nam. Mặc dù bị máy bay và tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt, song sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Nam Định vẫn được tiếp tục. Với quyết tâm cao nhất nhằm đánh bại giặc Mỹ xâm lược, tất cả quân và dân Nam Định luôn sẵn sàng “tay cày tay súng” để địch đến, ta đánh để bảo vệ tài sản và người; bảo vệ sản xuất; “địch đánh ngày ta sản xuất đêm”, “địch đánh đêm ta sản xuất cả đêm lẫn ngày”. Trong khói lửa chiến tranh, Nam Hà đã trụ vững kiên cường, phát triển sản xuất tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương, chiến đấu góp phần cùng cả nước đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam.

Chương 3

NAM ĐỊNH THỰC HIỆN NGHĨA VỤ HẬU PHƯƠNG

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 88 - 96)

w