6. Bố cục của luận văn
1.2.2. Về chính trị
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm phát triển. Đến tháng 8 năm 1958, tất cả chi bộ xã đã bầu ban chi ủy mới gồm 1.309 chi ủy viên; trong đó 2/3 chi ủy viên xuất thân từ thành phần bần nông; 74 chi ủy viên là nữ, 70 chi ủy viên theo đạo Thiên Chúa.
Cuối năm 1958, việc củng cố chi bộ, kiện toàn chi ủy đã căn bản hoàn thành, từ ngày 16 đến ngày 24-3-1959 tại thành phố Nam Định đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội kiểm điểm công tác lãnh đạo của Đảng bộ và đánh giá phong trào của tỉnh năm 1958, nhất trí khẳng định: “Từ nông thôn đến thành thị, trong quân đội, cơ quan, trường học, xí nghiệp… đâu đâu cũng có một phong trào mới, một đà phát triển mới. Nhất là sáu tháng cuối năm, bước vào sản xuất vụ mùa, phong trào đổi công, thi đua chăm bón, cải tiến kỹ thuật đều sôi nổi. Do đó đã đem lại một vụ mùa thắng lợi chưa từng có”. [3; 441].
Về phương hướng nhiệm vụ năm 1959, Đại hội nêu rõ: “Tích cực đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông thôn, thợ thủ công và tiểu thương; đặc biệt đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh với tốc độ nhanh hơn, đồng thời ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, là lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trên cơ sở đó nỗ lực thi đua phát triển kinh tế - văn hóa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động trong tỉnh lên một bước. Trong khi tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tăng cường dân chủ nhân dân chuyên chính, kiên quyết đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn phản cách mạng, giữ vững trật tự trị an và bảo vệ bờ biển cửa ngõ của Tổ quốc”. [3; 442].
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa III. Đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Thành công của Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ III đánh dấu bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, là nhân tố thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh trong chặng đường tiếp theo.
Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, từ ngày 20 đến ngày 30-6-1960 Đảng bộ Nam Định tiến hành Đại hội lần thứ IV (vòng 1). Dự Đại hội có 233 đại biểu đại diện cho trên 16.800 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào
bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) trình Đại hội toàn quốc của Đảng. Qua thảo luận các văn kiện của Đảng, đại biểu đã nâng cao thêm nhận thức về đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đường lối cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam và công tác xây dựng Đảng ngang tầm giai đoạn mới của cách mạng.
Đại hội bầu 23 đại biểu thay mặt cho Đảng bộ Nam Định đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Căn cứ vào đường lối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III và tình hình cụ thể của địa phương, từ ngày 18 đến ngày 28-2-1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ IV (vòng 2) được tiến hành. Tham dự Đại hội có 213 đại biểu chính thức và 15 đại biểu dự khuyết, trong đó có đại biểu của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho là tỉnh kết nghĩa với Nam Định. Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định đã đề ra nhiệm vụ chung cho toàn Đảng bộ và nhân dân Nam Định trong thời gian tới nhằm “phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống đấu tranh anh dũng, nhiệt tình cách mạng xã hội chủ nghĩa và lao động sáng tạo của toàn dân trong tỉnh để tiến lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời góp phần thiết thực đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. [3; 464].
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới, gồm 36 ủy viên do đồng chí Lê Thành làm Bí thư. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được xem là Đại hội mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất mới, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Sau khi có nghị quyết của Tỉnh ủy, các Huyện ủy và Thành ủy đã triển khai quán triệt tới từng cơ sở Đảng. Phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội diễn ra sôi nổi khắp nơi. Trong nông nghiệp có phong trào học tập, đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình). Ngành công
nghiệp có phong trào học tập Duyên Hải (Hải Phòng), thi đua với Duyên Hải nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Lực lượng vũ trang có phong trào thi đua “Ba nhất” (đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất). Ngành giáo dục có phong trào thi đua “Hai tốt” với trường Bắc Lý (Hà Nam), quyết tâm dạy tốt và học tốt. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động các ngành các giới thi đua phấn đấu trở thành tổ, đội Lao động xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10-1962, các huyện và thành phố đã tiến hành xong Đại hội Đảng bộ để quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và bầu ra Ban Chấp hành mới. Tổng số ủy viên của các Huyện ủy sau khi bầu là 207 đồng chí (35 dự khuyết), trong đó có 131 cấp ủy viên cũ và 76 cấp ủy viên mới. Sau Đại hội cấp huyện, các Đảng bộ đã truyền đạt Nghị quyết xuống tận cơ sở cho đảng viên và quần chúng, biến Nghị quyết thành nhiệm vụ thiết thực của địa phương. Huyện Ý Yên và Xuân Trường là nơi tiến hành Đại hội sớm nên phong trào có chuyển biến mạnh hơn. Trong đợt vận động đi khai hoang, huyện Ý Yên đã vận động vượt mức được hơn 100 người, huyện Xuân Trường khai hoang được nhiều diện tích đất ven biển.
Công tác giáo dục phẩm chất cách mạng, ý thức trách nhiệm cho đảng viên cũng được tăng cường. Số đảng viên đạt tiêu chuẩn “Bốn tốt” ngày càng nhiều. Đầu năm 1962, toàn tỉnh có 2.884 đồng chí, cuối năm có 3.242 đồng chí đạt danh hiệu “Bốn tốt”.
Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 15 đến ngày 21-5-1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nam Định lần thứ V được tiến hành tại hội trường Nhà máy Liên hợp Dệt, 256 đại biểu thay mặt cho 24.826 đảng viên trong tỉnh đã về dự. Ngày 21-5, ngày làm việc cuối cùng của Đại hội Đảng bộ, cán bộ và nhân dân Nam Định vô cùng phấn khởi được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Cùng
đi với Người còn có đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ chính trị và đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Phát biểu ý kiến trước Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương Đảng bộ và nhân dân trong mấy năm qua “Đã cố gắng vươn lên và thu được một số thành tích về các mặt”. Đồng chí Lê Đức Thọ đã phát biểu về Nghị quyết Trung ương 6 (khóa III), góp ý kiến về công tác lãnh đạo của Đảng bộ Nam Định, nhấn mạnh là tỉnh nông nghiệp lớn, khả năng tiềm tàng lớn nhưng chưa được tận dụng khai thác đầy đủ. Trong khi lãnh đạo cần nắm vững trọng tâm là nông nghiệp. Cần phải coi trọng vấn đề đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng, việc tăng cường tổ chức của Đảng, cải tiến phương pháp lãnh đạo đi đúng đường lối quần chúng và khoa học để gây một chuyển biến mạnh mẽ trong sinh hoạt và công tác lãnh đạo của Đảng bộ.
Đồng chí Lê Thành, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt Đoàn chủ tịch Đại hội tỏ lòng vô cùng biết ơn sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nghiêm túc thực hiện tốt các chính sách. Qua 6 ngày làm việc khẩn trương sôi nổi, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ mới gồm 31 ủy viên chính thức 9 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Thành được tái cử giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy.