Nam Định thực hiện nghĩa vụ hậu phương cùng quân dân miền Nam chống Mỹ gia

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 96 - 100)

6. Bố cục của luận văn

3.1. Nam Định thực hiện nghĩa vụ hậu phương cùng quân dân miền Nam chống Mỹ gia

Nam chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1965.

Trong lúc nhân dân Nam Định đang cùng đồng bào miền Bắc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, cùng đồng bào miền Nam đoàn kết đấu tranh đòi hòa bình hiệp thương, tổng tuyển thống nhất Tổ quốc, thì ở miền Nam, bọn Mỹ - Diệm tăng cường càn quét, gom dân lập ấp chiến lược và truy lùng, bắt bớ, tù đày những cán bộ kháng chiến, thẳng tay chém giết người dân yêu nước. Ngày 24 tháng 4 năm 1958, chính quyền Sài Gòn ngang nhiên thách thức dư luận: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17”. Ngày 1 tháng 12 năm 1958, bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm đã gây ra vụ đầu độc những người yêu nước bị chúng giam giữ ở nhà tù Phú Lợi…

Trước âm mưu và hành động thâm độc, tàn bạo của Mỹ - Diệm, trên khắp miền Nam, nhân dân đã biểu tình, mít tinh phản đối đòi trừng trị bọn tội phạm, đòi thả ngay những người bị giam cầm vô tội.

Hàng triệu đồng bào miền Bắc rầm rộ xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam ruột thịt. Cùng với cả nước, ngày 15 tháng 5 năm 1958, hơn 10 nghìn nhân dân thành phố Nam Định tổ chức mít tinh lên án chế độ Ngô Đình Diệm. Ngày 21 tháng 1 năm 1959, hàng chục nghìn nhân dân Nam Định tổ chức mít tinh biểu tình phản đối những hành động tàn sát cực kỳ dã man đồng bào yêu nước miền Nam. Ngay tối hôm đó, cuộc mít tinh của hơn hai nghìn cán bộ, công nhân và học sinh miền Nam tập kết ở thành phố Nam Định tiếp tục diễn ra. Khắp nơi, không khí sục sôi căm uất dâng trào. Những người dự mít tinh đã hô vang đòi trừng trị bọn khát máu, đòi phái đoàn quân sự Mỹ (MAAG) cút khỏi miền Nam. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân, học sinh Nam Định tự nguyện lao động dưới mọi hình

thức, quyên góp được hàng chục triệu đồng gửi tặng đồng bào miền Nam. Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Bắc – Nam, tháng 3 năm 1960, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, mỗi tỉnh (thành) trên miền Bắc đã kết nghiã với một tỉnh (thành) miền Nam. Tỉnh Nam Định đã kết nghĩa với tỉnh Mỹ Tho bằng tấm lòng sâu sắc vì miền Nam ruột thịt. Phong trào ủng hộ đồng bào miền Nam của nhân dân Nam Định đã được cả nước và thế giới đánh giá cao. Ngày 7 tháng 9 năm 1959, nhân dân thành phố Nam Định thay mặt đồng bào toàn tỉnh tổ chức mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới và chào mừng đoàn đại biểu của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới đến thăm. Thành phố Nam Định đã được đón nhận Huân chương vì hòa bình và bằng danh dự của Hội đồng Hòa bình thế giới trao tặng.

Ngày 14 tháng 12 năm 1959, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở hội nghị chuyên đề bàn về công tác cán bộ miền Nam tập kết tại Nam Định. Kể từ tháng 9 năm 1955 đến tháng 12 năm 1959, Nam Định đã đón nhận 3.511 cán bộ và đồng bào miền Nam ra tập kết, trong đó có 1.271 đảng viên (chiếm 32,6%) [47; 125]. Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, nhân dân Nam Định vẫn dành những điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết, tận tình bố trí anh chị em có việc làm, nhà ở chu đáo; nhường áo sẻ cơm khi gặp khó khăn thiếu thốn. Về phía mình, tất cả anh chị em tập kết đều hăng hái, tích cực trong công tác sản xuất, góp phần xứng đáng vào phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà trên quê hương thứ hai của họ: quê hương Nam Định. Qua các kỳ thi đua, nhiều người là con miền Nam được khen thưởng. Nhân dân Nam Định đã có những việc làm cụ thể tích cực, tạo điều kiện bảo đảm để anh chị em an tâm, tin tưởng, đoàn kết phát huy truyền thống cách mạng, cùng quân dân trong tỉnh hăng hái thi đua hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Những tháng đầu năm 1960, phong trào kết nghĩa Nam Định – Mỹ Tho, được tuyên truyền sâu rộng ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giới thiệu truyền thống cách mạng quê hương kết nghĩa Mỹ Tho. Nhiều đơn vị và các công trình văn hóa, thủy lợi trong tỉnh được lấy tên “Mỹ Tho”. Trong chiến dịch sản xuất “Nam Định – Mỹ Tho”, huyện Ý Yên đào đắp 1.983.273 m3 đất thủy lợi, huyện Nghĩa Hưng hoàn thành con đường mang tên Mỹ Tho – Chợ Gạo dài 15km; các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên đã đào xong con sông dài 24km mang tên Nguyễn Văn Tiếp. Chị em xưởng dệt Nam Định làm thêm 17.272 giờ, lấy tiền ủng hộ nhân dân Mỹ Tho. Học sinh các trường đã làm vườn hoa, vườn thí nghiệm mang tên Mỹ Tho và hưởng ứng phong trào “Ai đến Mỹ Tho nhanh nhất” bằng số điểm học tập cao nhất của mình. Tủ sách Nam Định- Mỹ Tho ra đời gồm 7.000 cuốn sách các loại. Các hoạt động này có tác dụng góp phần không nhỏ cổ vũ đồng bào hai tỉnh Nam Định – Mỹ Tho đoàn kết keo sơn nhằm mục tiêu chung là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Tính riêng trong năm 1962, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định và các đoàn thể quần chúng đã tổ chức 1.539 cuộc mít tinh lớn nhỏ với 258.000 người tham dự phản đối Mỹ - Diệm [68; 102]. Mỗi năm cứ đến ngày 20 tháng 7, ngày ký Hiệp định Giơnevơ, ở nông thôn có phong trào tập trung ra đồng,

sản xuất nhanh nhất, nhiều nhất. Trong nhà máy, xí nghiệp, cơ quan có phong

trào làm thêm giờ chống Mỹ. Trên một vạn công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt

Nam Định đi làm sớm trước 15 phút, tăng năng suất được 14 vạn thước vải. Ngày 27-3-1964 trong Hội nghị Chính trị đặc biệt, Bác đã kêu gọi “Mỗi người hãy làm việc bằng hai để đền đáp công ơn đồng bào miền Nam ruột thịt”. Lời kêu gọi của Bác được phát động thành phong trào thi đua sâu rộng trong cả nước. Mọi ngành, mọi giới, mọi địa phương đều tích cực hưởng ứng

tham gia sôi nổi với tất cả tấm lòng trân trọng lời kêu gọi của vị lãnh tụ kính yêu, và đây cũng chính là lời kêu gọi của Tổ quốc, của dân tộc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhân dân Nam Hà đã đem hết nhiệt tình cách mạng, tinh thần trách nhiệm xây dựng quê hương với nghĩa lớn Bắc – Nam ruột thịt, lao động hăng say đạt hiệu quả cao, tiết kiệm nhiều.

Mỗi cán bộ, công nhân viên chức đều thực hiện tốt khẩu hiệu “Tăng giờ công, chống giờ chết” phấn đấu lao động đạt hiệu quả cao trong 8 giờ làm việc. Các cơ quan như: Ty Lương thực, Văn phòng Tỉnh ủy, Chi cục Thống kê, Kế hoạch… đã làm thêm giờ, thêm buổi vào các ngày thứ sáu, thứ bảy hàng tuần, 23 đơn vị cơ quan khác làm thêm được 5.684 giờ không tính đãi ngộ Nhà nước, Văn phòng Ty Nông nghiệp, Ty Lâm nghiệp tổ chức lao động ngày chủ nhật được 110.000 đồng [19; 235] ủng hộ đồng bào miền Nam. Số tiền tuy ít ỏi nhưng nghĩa đồng bào cùng con cháu Lạc – Hồng lại lớn lao. Đặc biệt, trong khu vực sản xuất công nghiệp, các xí nghiệp đã phát huy gần 300 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như: nhà máy Điện, xí nghiệp Cơ khí, xưởng sửa chữa phương tiện vận tải thủy… là những đơn vị có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất.

Ngành công nghiệp và thủ công nghiệp Nam Định cũng sôi nổi thực hiện phong trào thi đua “Mỗi người hãy làm việc bằng hai”. Các xí nghiệp cơ khí địa phương đã vượt mức kế hoạch sản xuất, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, đưa những tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng cơ giới hóa trong khâu vận chuyển, đẩy mạnh sản xuất những công cụ lao động cơ khí và nửa cơ khí. Các xí nghiệp Gạch ngói Yên Tân, đóng gạch Tân Đệ, cơ khí Hà Ninh, xí nghiệp cơ khí C50, cơ khí miền Nam… sản xuất vượt kế hoạch, có nhiều sáng kiến tích cực phục vụ cho việc làm thủy lợi và xây dựng công trình giao thông. Các hợp tác xã cơ khí Tháng 10, Ánh Thép, Nam Ninh đã sản xuất được các thiết bị thay thế phụ tùng các loại máy móc

thông dụng, tu sửa các công trình thủy lợi và cầu đường, bảo đảm phục vụ tốt dân sinh và luôn sẵn sàng khi chiến tranh xảy ra. Sáu tháng đầu năm 1964, giá trị sản lượng các xí nghiệp cơ khí ở Nam Định vượt mức gần 7%, gỗ vượt gần 6%. Trong các xí nghiệp, nhiều cán bộ, Đảng viên, công nhân viên chức tự nguyện làm cả những ngày được nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao hơn trước. Có nhiều trường hợp xin thêm chỉ tiêu công tác, sản xuất để được cống hiến nhiều hơn cho cách mạng.

Nông nghiệp đóng góp lương thực vượt chỉ tiêu, năm 1964, Nam Định giao nộp cho Nhà nước 36.696 tấn lương thực [46; 311], trong đó thuế nông nghiệp vượt 7,1%, nghĩa vụ vượt 3,5%, mua khuyến khích vượt 35,4%.

Phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt mỗi người làm việc bằng hai” gắn với nội dung vì quê hương kết nghĩa, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Hàng nghìn bức thư của các tập thể và cá nhân gửi về quê hương kết nghĩa báo công và hứa hẹn lập công…

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 96 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w