Về quân sự

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 47 - 51)

6. Bố cục của luận văn

1.2.3. Về quân sự

Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong ba năm (1955- 1957), nhiều đợt chỉnh huấn cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội tỉnh, huyện và dân quân du kích được tổ chức. Thông qua các đợt chỉnh huấn đã làm chuyển biến và giải quyết căn bản những tư tưởng lệch lạc như hòa bình xả hơi, xin giải ngũ, chuyển ngành được khắc phục. Ý thức tổ chức kỷ luật được nâng lên, mọi hoạt động dần dần đi vào nề nếp. Đến

cuối năm 1957, cơ quan quân sự tỉnh có 37 cán bộ chiến sĩ, trong đó ban chỉ huy có 4 đồng chí, số cán bộ chiến sĩ còn lại được biên chế thành ba ban là tham mưu, chính trị và hậu cần. Bên cạnh việc kiện toàn ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, toàn tỉnh đã củng cố 241 ban chỉ huy xã đội và 235 ban công an xã; các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng được củng cố tăng cường. Qua rèn luyện thử thách đã đào tạo bồi dưỡng được 108 cán bộ, bổ sung cho các đơn vị từ cấp đại đội đến tiểu đoàn; số cán bộ là đảng viên trong các lực lượng vũ trang cũng tăng lên. Tháng 4 – 1955, trong khoa mục thi bắn đạn thật, bộ đội địa phương Nam Định đã đạt điểm xuất sắc: 22 điểm (Quân khu Hữu Ngạn giao chỉ tiêu 17 điểm). Với thành tích đó, Nam Định là tỉnh dẫn đầu của toàn quân khu trong huấn luyện quân sự. Tháng 8 năm 1957, tiểu đoàn 66 bộ đội địa phương tỉnh được điều động bổ sung cho các đơn vị chủ lực.

Năm 1956, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lực lượng cảnh vệ thuộc Ty Công an tỉnh và Ty Công an thành phố Nam Định được lập thành lực lượng cảnh sát vũ trang, làm nhiệm vụ cơ động bảo vệ tuyến biển và nội địa. Dọc tuyến biển Nam Định hình thành một hệ thống đồn công an biên phòng gồm 5 đồn: Ba Lạt, Quất Lâm, Văn Lý, Gót Chàng và Ngọc Lâm.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I, nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng – an ninh được chú trọng. Trong các ngày 27, 28 và 29-10-1958, Tỉnh ủy Nam Định họp nghiên cứu, triển khai thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự và đề ra nhiệm vụ công tác quân sự năm 1959. Đến ngày 24-11-1959, Tỉnh ủy ra Nghị quyết về công tác trị an, quốc phòng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, từ cuối năm 1958, Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh và các huyện, thành phố được thành lập. Hai xã Liên

Phương (Vụ Bản) và Xuân Tiến (Xuân Trường) được tỉnh chọn làm thí điểm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, sau đó tiến hành ra diện rộng. Từ tháng 11- 1958 đến tháng 4-1959, công tác đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự đã được hoàn thành ở 113 xã; nhiệm vụ tuyển quân đạt kết quả tốt, trong đó Vụ Bản là huyện thí điểm có 568 người đi khám đã trúng tuyển 466 người, vượt chỉ tiêu trên giao là 90 người; toàn tỉnh đã giao 3.176 thanh niên đủ tiêu chuẩn cho các đơn vị chủ lực; Ban Chỉ huy quân sự từ tỉnh đến xã và lực lượng dân quân tự vệ được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Ngày 2-3-1959, Tiểu đoàn 1 bộ binh của tỉnh được thành lập, gồm 415 chiến sĩ là những thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tháng 9-1960, cơ quan quân sự tỉnh tổ chức thành bốn ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và Dân vận; các Ban quân sự huyện, thành phố có ba sĩ quan chỉ huy (trong đó hai đồng chí phụ trách quân sự, một đồng chí phụ trách chính trị) và từ sáu đến tám cán bộ. Cuối năm 1960, một số đơn vị lực lượng vũ trang được biên chế thường trực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Cuối năm 1959, Tỉnh ủy mở hội nghị nghiên cứu, quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Tổng Quân ủy và Quân khu ủy Quân khu Hữu Ngạn về xây dựng lực lượng hậu bị, củng cố quốc phòng. Các cấp ủy tăng cường giáo dục dân quân tự vệ về đường lối quân sự của Đảng, lập trường giai cấp, ý thức cảnh giác cách mạng và tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Ở những địa bàn xung yếu, cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục ý thức quốc phòng cho toàn dân và tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách, chế độ nghĩa vụ quân sự cho mọi người, trước hết là thanh niên.

Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã có 73.000 dân quân tự vệ, so với năm 1958 tăng 46.300 người [3; 451]; hầu hết các xã đã hoàn thành việc biên chế dân quân loại 1 và 2, bảo đảm kế hoạch huấn luyện quân sự cho cán bộ, chiến sĩ. Phong trào thi đua giành “ba mục tiêu” (lao động sản xuất tập thể tốt nhất;

học tập chính trị, quân sự, văn hóa tốt nhất; đảm bảo trị an phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu tốt nhất) trong các đơn vị dân quân tự vệ diễn ra sôi nổi, hàng trăm xã ký giao ước thi đua với lực lượng vũ trang xã Gia Hưng huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình (lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Ba nhất” toàn miền Bắc), đồng thời thực hiện Chỉ thị số 42/BTM của Bộ Tổng tham mưu về xây dựng dân quân tự vệ và lực lượng hậu bị năm 1960. Với phương châm “xây dựng dân quân tự vệ song song với phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước tiến tới quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân”, nhiều đơn vị cờ đỏ xuất hiện trong bộ đội địa phương và dân quân xã. Tất cả các đội viên dân quân đều tham gia vào hợp tác xã. Năm 1959, xã Giao Lâm (Giao Thủy) là lá cờ đầu trong phong trào thi đua, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đến năm 1960, dân quân các xã Xuân Bắc (Xuân Trường), Yên Vượng (Ý Yên), Hải Hưng (Hải Hậu), Trực Thắng (Trực Ninh), Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), tự vệ Khu phố 4, tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định đã giành danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào thi đua của lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh.

Nam Định là tỉnh có đông giáo dân của miền Bắc, tỉnh có bờ biển dài 72 km, nơi cửa ngõ của Tổ quốc, có thành phố tập trung công nghiệp lớn, tập trung nhiều kho tàng và là đầu mối giao thông quan trọng. Do đó Tỉnh ủy xác định yêu cầu chiến đấu đặt ra cũng rất quan trọng và khẩn trương không kém phần đẩy mạnh sản xuất.

Từ năm 1961, địch thường dựa vào bọn phản động đội lốt đạo Thiên Chúa để phá hoại bằng nhiều hình thức. Bọn tay sai của Mỹ - Diệm không ngừng hoạt động gián điệp, biệt kích, nhất là các huyện ven biển. Những tháng đầu năm 1962, máy bay, tàu chiến địch xâm phạm vào vùng trời, vùng biển thuộc tỉnh Nam Định ngày càng nhiều. Điển hình nhất là việc địch cho máy bay C47 do thám, thả dù biệt kích xuống vùng biển Nam Định thực hiện

âm mưu gián điệp, kích động giáo dân nổi dậy chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trước tình hình đó, tháng 7 năm 1962, Tỉnh ủy Nam Định và tỉnh ủy Thái Bình mở hội nghị liên tịch bàn chuyên đề phối hợp phòng thủ ven biển và bảo vệ trị an cửa sông Hồng. Hội nghị ra nghị quyết chung thống nhất xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ven biển, phối hợp kiểm tra quản lý thuyền bè trên biển và ra vào sông Hồng, thống nhất tổ chức vây quyét những tên tội phạm chính trị, biệt kích phản động, rà soát các đối tượng nghi vấn, củng cố các trung đội cơ động ở các địa bàn gần các cơ quan huyện, tỉnh. Phong trào “bảo vệ trị an” trong nhân dân và “bảo mật phòng gian” trong các cơ quan được phát động sâu rộng, nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người.

Hai năm 1963 và 1964, cơ quan quân sự tỉnh phối hợp với huyện đội tổ chức cho dân quân tự vệ toàn tỉnh tham gia các cuộc diễn tập bảo vệ làng (ở Ngọc Giả), chiến đấu ven sông (ở Nghĩa Thịnh), chiến đấu liên hoàn (ở Nam Thắng), chiến đấu trên đồng nước (ở Nam Mỹ); tham gia diễn tập chiến đấu trên địa hình bờ biển như chiến đấu bờ biển ở Giao Lâm (Giao Thủy), chống biệt kích đổ bộ đường biển ở Hải Thịnh, và cụm chiến đấu chống đổ bộ mũi thứ yếu ở Hải Hà (Hải Hậu). Qua huấn luyện, trình độ của cán bộ, chiến sĩ về kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, cách thức chỉ huy hiệp đồng qua diễn tập được nâng lên rõ rệt. Năm 1963, kết quả kiểm tra binh khí, kỹ thuật và thực hành thao tác 3 môn quân sự phối hợp dân quân tự vệ Nam Định đạt 98%.

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w