Hậu phương Nam Định góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 100 - 106)

6. Bố cục của luận văn

3.2. Hậu phương Nam Định góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế

tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, nhân dân Nam Định vừa chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đẩy mạnh sản xuất giữ vững trật tự an ninh và không ngừng chi viện sức người, sức của ngày một nhiều cho tiền tuyến miền Nam.

Ngay từ sau khi có lệnh động viên thời chiến của Chủ tịch nước và quyết định của Chính phủ, đoàn viên thanh niên, đội viên dân quân và các đoàn thể trong tỉnh đã sôi nổi trong phong trào tòng quân, lên đường diệt Mỹ. Ở các thôn xã, tất cả đoàn viên thanh niên đều hăm hở kéo nhau đến các ban quân sự, các trạm khám tuyển đề nghị được xét chọn lên đường. Ở huyện Nghĩa Hưng có 6.000 lá đơn tình nguyện nhập ngũ.

Tháng 4 năm 1965, hơn 3.000 nam nữ thanh niên Nam Định gia nhập quân đội. Đa số cán bộ, chiến sĩ được chọn đi vào chiến trường miền Nam.

Đến giữa năm 1965, Nam Định thành lập thêm 3 tiểu đoàn và 2 đại đội độc lập. Cuối tháng 9, tiểu đoàn “Núi Hổ 2” Vụ Bản được bổ sung vào đội hình Sư đoàn 304B. Từ năm 1966 trở đi, các cơ quan quân sự tỉnh, huyện, xã đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với đăng ký tuyển quân và giáo dục động viên nhập ngũ. Công tác tuyển quân mỗi năm 2 lần đều đạt kết quả tốt. Năm 1968 có 3 đợt tuyển quân, nhưng tất cả đều đạt chỉ tiêu số lượng; lần giao quân nào cũng tấp nập như ngày hội. Hàng chục nghìn người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đại diện của Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp có mặt trong ngày đưa tiễn con em mình – những thanh niên ưu tú của quê hương Nam Định lên đường ra trận.

Năm 1965, Nam Định đã giao trên 14 nghìn tân binh. Năm 1966 vượt mức 4%. Năm 1967 tổng số đã giao và bổ sung lên tới 2 tiểu đoàn, 1 trung đoàn, 5 đại đội. Số thanh niên nhập ngũ năm 1968 gần bằng năm 1965 là năm cao nhất (14 nghìn người); trong số này có gần 2 nghìn nữ thanh niên. Nhiều chị em đã cống hiến trọn thời son trẻ của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở rừng Trường Sơn và các dải đất cực Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ.

Ngày 20 tháng 5 năm 1966, tại Nam Định, 360 đại biểu thay mặt cho 28 vạn giáo dân, chức sắc giáo hữu Nam Hà về dự hội nghị đại biểu giáo dân hết lòng vì sự nghiệp chống Mỹ. Đại hội đã đánh giá cao và biểu dương các hợp tác xã Phương Đông, Bùi Chu (Xuân Trường), Thức Hóa (Giao Thủy), hợp tác xã Thuần Hậu (Nghĩa Hưng) đạt mục tiêu thi đua trong nông nghiệp 5 tấn 2 tạ trên 1 héc-ta đất canh tác; 10 nghìn gia đình được danh hiệu “Gia đình công giáo tiên tiến chống Mỹ, cứu nước”. Thực tế đã chứng tỏ, hầu hết đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở Nam Hà luôn luôn tự giác ngộ, nhận thức sâu sắc gắn bó đạo với đời phân rõ phải trái. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo ân cần, sâu sát

của Đảng, sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, bà con đã dũng cảm vượt qua khó khăn, đóng góp công của cho kháng chiến. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở trong tỉnh đã thực sự là một lực lượng to lớn, cùng đồng bào cả tỉnh và cả nước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Trong số các đơn vị bổ sung cho chủ lực thì Núi Hổ là tiểu đoàn có bề dày truyền thống. Núi Hổ là ngọn núi cuối cùng của dãy núi Tiên Hương, Xuân Bảng, Thanh Côi, nhô ra giữa đất Liên Minh, Vụ Bản. Mang tên “Núi Hổ” là mang tên mảnh đất có truyền thống đánh giặc, giữ làng của xã Liên Minh trong kháng chiến chống Pháp. Tiểu đoàn Núi Hổ thành lập giữa vùng đất Vụ Bản đón nhận hơn 300 chiến sĩ người Vụ Bản biên chế thành 3 đại đội pháo cao xạ 37 ly và 1 đại đội 12,7 ly. Khi Sư đoàn 304B lên đường vào Nam chiến đấu, tiểu đoàn Núi Hổ ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Tống Giang, cầu Tào, phà Ghép, cầu Ngọc Trà, Đò Lèn, cầu Hang và khe Nước Lạnh trên tuyến đường 1 đoạn Thanh Hóa- Nghệ An.

Tháng 6 năm 1966, khi bảo vệ cầu Ngọc Trà, trận đầu tiên đánh đêm, tiểu đoàn bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Tiếp đó tiểu đoàn lập nhiều thành tích trong chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Tháng 12 năm 1967, tiểu đoàn nhận lệnh hành quân vào Nam. Sau 2 tháng leo đèo, trèo dốc, đơn vị vào đến Khe Sanh. Tại đây cùng với các Trung đoàn 1 và 2 của Sư đoàn 304B, đơn vị làm nhiệm vụ phục kích bao vây và tiến công các cứ điểm Làng Vây, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Bồ mở đầu cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân vào vùng căn cứ địa đầu miền Nam của Mỹ - ngụy. Một tháng sống trong địa đạo, trên sông nước, dưới sức tàn phá dày đặc của bom pháo Mỹ, đơn vị lúc bắn tỉa, lúc chặn viện, lúc pháo công kích đồn; có ngày đánh gần 20 trận, làm cho quân Mỹ - ngụy ăn không ngon, ngủ không yên. Kết thúc chiến dịch tiểu đoàn bắn rơi 24 máy bay các loại, đa số là

máy bay vận tải C130, phá hủy 4 xe tăng, nhiều xe M113 và tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy, chư hầu. Với những chiến công xuất sắc đó, tiểu đoàn vinh dự được Đảng và Chính phủ tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến công của tiểu đoàn Núi Hổ tô thắm thêm truyền thống “Đời con nối tiếp đời cha anh hùng” của người dân Nam Hà trong bối cảnh đất nước có chiến tranh.

“Đã thề đánh Mỹ đến cùng

Chưa hết giặc Mỹ, chưa dừng bước chân”

Cũng giống như tiểu đoàn Núi Hổ, Trung đoàn Trần Hưng Đạo của Nam Hà trong đội hình Sư đoàn 304B, lập được nhiều chiến công xuất sắc trên chiến trường miền Nam, đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Con em Nam Hà ra trận ngày càng đông. Cùng với các tập thể (tiểu đoàn Núi Hổ và Trung đoàn Trần Hưng Đạo) anh hùng, nhiều chiến sĩ của quê hương Nam Hà đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc trên các chiến trường kháng chiến chống Mỹ, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tính riêng năm 1968, toàn tỉnh đã có trên 20 nghìn nam, nữ thanh niên nhập ngũ, đạt 102,6% chỉ tiêu tuyển quân [49; 380]. Đông đảo thanh niên theo đạo Thiên Chúa đã hăng hái đi làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc (trong đó, có nhiều đơn vị được đưa vào Nam chiến đấu). Toàn tỉnh có hàng vạn “Gia đình công giáo tiên tiến chống Mỹ cứu nước”. Tổng kết phong trào thi đua năm 1968, toàn tỉnh có 8 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tuyên dương, khen tặng Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công.

Các Đảng bộ chú trọng giáo dục chính trị làm cho mọi đối tượng thực sự yên tâm tin tưởng. Ở nhiều xã, đảng ủy phân công đảng ủy viên theo dõi

chăm lo đời sống một số gia đình, bảo đảm trợ cấp, giải quyết đủ công việc làm hợp lý, điều hòa lương thực và sửa chữa nhà cửa, hầm hố… Năm 1966 toàn tỉnh mới chỉ có 1.012 gia đình có người thân đi chiến trường miền Nam và Lào, nhưng theo thời gian con số này ngày một tăng. Đến cuối năm 1967 con số này là 7.588 [49; 365].

Năm 1968, thanh niên Nam Hà đi vào Nam chiến đấu ngày một đông; để giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho gia đình quân nhân, thương binh, liệt sĩ, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm công tác chính sách hậu phương quân đội, phát động phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội. Tháng 6 năm 1968, Tỉnh đội được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn 586 tiếp đón thương bệnh binh từ chiến trường ra. Lúc đầu đoàn có 3 đội, sau đó phát triển thành 9 đội tiếp nhận nuôi dưỡng, điều trị và giải quyết chính sách cho thương bệnh binh.

Anh em thương bệnh binh ở đoàn 586, được Đảng bộ và nhân dân Nam Hà giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhân dân trong tỉnh đóng góp hàng nghìn cây tre, gỗ, cử người đến xây nhà ở, làm hàng trăm chiếc giường, gửi tặng hàng nghìn chiếc chiếu để thương bệnh binh ăn nghỉ. Với phương châm “Để thương bệnh binh mau chóng lành vết thương, bệnh ổn định, sớm trở về vị trí chiến đấu và công tác”, Đảng bộ và nhân dân địa phương dành mọi sự ưu tiên thường xuyên về gạo, thịt, cá tươi và phục vụ thương bệnh binh tận nghĩa, tận tình. Với những thành tích to lớn trong việc thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ, tỉnh Nam Hà và huyện Xuân Thủy vinh dự được Nhà nước khen tặng Huân chương Lao động hạng ba. Công tác chính sách hậu phương quân đội được giải quyết tốt, góp phần làm cho mọi gia đình vững tin ở chế độ mới và tích cực động viên các thế hệ con em hăng hái phục vụ kháng chiến.

Thực hiện kế hoạch “K8” do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao, tháng 7 năm 1967, Tỉnh ủy Nam Hà thành lập Ban chỉ đạo kế hoạch đón nhận các cháu học sinh Vĩnh Linh và bờ nam giới tuyến về quê hương Nam Định bảo đảm nuôi ăn, nuôi học. Riêng tháng 8 năm 1967, Nam Hà đón nhận 7.000 em và trung chuyển sang Thái Bình 3.400 em. Có tới 6.055 gia đình thuộc các huyện Ý Yên, Thanh Liêm, Vụ Bản, Lý Nhân đã tự nguyện đón nhận các cháu về nhà mình cùng ăn ở, học hành. Tất cả các cháu được bà con gia đình coi như con cháu trong nhà. Các cháu đều lớn khôn, chăm ngoan, học tập tốt. Sau này, nhiều cháu vẫn thư từ qua lại báo tin vui, đền ơn đáp nghĩa. Các gia đình, các bậc cha mẹ quê hương Nam Hà, quê hương thứ hai đã hết lòng phục vụ các cháu và chi viện cách mạng miền Nam.

Việc đóng góp nghĩa vụ lương thực hàng năm, Nam Hà đều thực hiện đầy đủ chỉ tiêu, đúng thời gian. Nhân dân toàn tỉnh hết sức chi viện cho cách mạng miền Nam với quyết tâm “Thóc vượt cân, Quân vượt mức”. Tháng 7 năm 1967, tỉnh hoàn thành nghĩa vụ lương thực vụ chiêm xuân sớm nhất miền Bắc, được Thủ tướng Chính phủ gửi điện khen.

Năm 1968 toàn tỉnh giao nộp nghĩa vụ lương thực vượt 9,4% kế hoạch [47; 218]. Đây là vụ thứ 7 trong vòng 3 năm liền Nam Hà giao vượt chỉ tiêu. Ngoài chỉ tiêu đầu lợn, thịt lợn, tỉnh còn động viên mỗi gia đình đóng góp 1 ki-lô-gam rau khô, sẵn sàng một con gà, 1 ki-lô-gam thịt lợn tặng bộ đội. Thi đua với tiền tuyến, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1968, nhà máy liên hợp Dệt và toàn ngành Dệt thủ công Nam Định đã dệt đủ 10 triệu mét vải của đồng bào miền Bắc gửi tặng đồng bào miền Nam. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 1968 Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định đã hoàn thành 3 triệu mét vải “Vì miền Nam ruột thịt” do công nhân toàn nhà máy tranh thủ ngày đêm dệt thêm để gửi tặng đồng bào miền Nam.

Mặc dù các trọng điểm giao thông bị địch đánh phá rất ác liệt, song với tinh thần địch phá 1 ta làm 10 nên tốc độ vận chuyển hàng hoá ra tiền tuyến ngày một tăng. Đến năm 1968 đã có gần một triệu tấn vũ khí lương thực hàng hóa từ hậu phương lớn qua đất Nam Định ra tiền tuyến lớn, góp phần tăng cường chiến đấu cho quân dân ta ở các chiến trường.

Có thể nói nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân Nam Hà dù ở chiến trường hay ở quê hương, dù là người cầm súng, cày cuốc, từ già đến trẻ, từ khỏe đến người mang thương tật trên mình đều đã làm mọi việc có thể làm được để chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp đánh Mỹ, diệt ngụy, giải phóng miền Nam.

Một phần của tài liệu Hậu phương nam định trong kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 100 - 106)

w